Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy theo quy định của pháp luật quốc tế

Một phần của tài liệu TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT CHẤT MA TÚY TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TRÊN CƠ SỞ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN Ở ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (Trang 37 - 38)

ma túy theo quy định của pháp luật quốc tế

Theo Hiến chương của Liên hợp quốc, thì vấn đề hợp tác giữa các quốc gia trong đấu tranh chống tội phạm trực tiếp được thực hiện bởi một trong số những cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc - đó là Hội đồng kinh tế và xã hội. Nằm trong cấu trúc của Hội đồng này gồm có: Ủy ban về kiểm soát ma túy; Tiểu ban phòng chống ma túy và tội phạm; Ủy ban chuyên trách về chống tội phạm khủng bố quốc tế; Ủy ban về phòng ngừa tội phạm và xét xử hình sự.

Về tội phạm ma túy, Hội đồng kinh tế xã hội Liên hợp quốc đã có 3 Công ước quan trọng về kiểm soát ma túy, gồm:

- Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961 (đã sửa đổi theo Nghị định thư 1972 sửa đổi Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961). Công ước này có đại diện của 73 quốc gia tham dự.

- Công ước về các chất hướng thần năm 1971. Công ước này có đại diện của 71 quốc gia tham dự.

- Công ước Liên Hợp Quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần năm 1988 (Hội nghị thông qua tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 ngày 19/12/1988). Công ước này được gọi là Công ước mở để bất kỳ quốc gia nào tham gia sẽ gửi văn kiện về việc gia nhập cho Tổng thư ký.

Bộ 3 Công ước của Hội đồng kinh tế và xã hội Liên hợp quốc là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đấu tranh phòng chống ma túy trên toàn thế giới nói chung. Trong số 3 Công ước thì Công ước năm 1961 và Công ước năm 1971 chứa đựng danh mục các chất ma túy và chất hướng thần cần được kiểm soát mang tính chất của các quy phạm về mặt kỹ thuật – khoa học. Mặt khác, Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần năm 1988 lại chứa đựng các quy phạm mang tính pháp luật hình sự, được chỉ rõ mục đích để chống lại hoạt động buôn bán bất hợp pháp ma tuý và xem xét những khía cạnh khác nhau của toàn bộ vấn đề, đặc biệt là những điểm chưa được quy định trong các điều hiện hành liên quan đến việc kiểm soát các chất ma tuý và chất hướng thần.

Ngày 01/09/1997 Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 798/QĐ-CTN về việc nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia 3 Công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy. Theo đó, Việt Nam bảo lưu các điều khoản sau đây của 3 Công ước trên:

- Điều 36 khoản 2 điểm b về dẫn độ và Điều 48 khoản 2 về giải quyết các bất đồng của Công ước thống nhất về chất ma túy năm 1961.

- Điều 22 khoản 2 điểm b về dẫn độ và Điều 31 khoản 2 về giải quyết các bất đồng của Công ước về các chất hướng thần năm 1971.

- Điều 6 về dẫn độ và Điều 32 khoản 2 và khoản 3 về giải quyết các bất đồng của Công ước Liên Hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần năm 1988 [9].

Như vậy, ngoài các điều khoản về dẫn độ và giải quyết bất đồng của 3 Công ước, Việt Nam đã tham gia đầy đủ và toàn diện nội dung của 3 Công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy. Việc tham gia đầy đủ 3 Công ước về kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc thể hiện sự hội nhập, tinh thần chủ động trong hợp tác quốc tế về các vấn đề tội phạm của chính phủ Việt Nam. Đồng thời việc Việt Nam bảo lưu các một số điều khoản trong các Công ước thể hiện quan điểm về bảo vệ chủ quyền, quyền tự quyết, sự kiên quyết bảo vệ pháp luật Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.

Một phần của tài liệu TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT CHẤT MA TÚY TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TRÊN CƠ SỞ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN Ở ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (Trang 37 - 38)