Hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự và các văn bản liên quan về Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt

Một phần của tài liệu TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT CHẤT MA TÚY TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TRÊN CƠ SỞ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN Ở ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (Trang 101 - 104)

- Thực tiễn quyết định hình phạt đối với Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy: Quyết định hình phạt là việc Tòa án

3.2.Hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự và các văn bản liên quan về Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt

quan về Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy

Trong khuôn khổ đề tài luận văn về Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong Luật Hình sự Việt Nam, và qua việc nghiên cứu thực tiễn xét xử Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong giai đoạn từ năm 2008 – 2012, chúng tôi xin nêu ra một số điểm còn vướng mắc, hạn chế của các quy định của pháp luật hình sự về Tội tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong Điều 194 BLHS năm 1999 và các văn bản hướng dẫn cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện:

- Điều 194 BLHS năm 1999 là tội ghép các hành vi có tính chất và mức độ nguy hiểm khác nhau vào cùng một điều luật (tội ghép), điều này gây khó khăn trong quá trình áp dụng xử lý tội phạm, trong việc định tội và định khung hình phạt, cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong trường hợp có đồng phạm, cũng như xác định các tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Mặt khác, trong Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có hướng dẫn cụ thể về khoản 4 điều 194 BLHS 1999, trong văn bản này hướng dẫn chung về

việc áp dụng các mức hình phạt cho khoản 4 điều 194 BLHS 1999 chỉ dựa trên trọng lượng ma túy. Từ đó khiến có thể hiểu chung rằng mức độ nguy hiểm của các hành vi tàng trữ, vận chuyển chất ma túy tương đương với mức độ nguy hiểm của các hành vi mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, đây là điểm chưa hợp lý và chưa khoa học của điều luật này. Cần nghiên cứu tách Điều 194 BLHS 1999 ra thành các điều luật riêng biệt để tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất trong quá trình xử lý tội phạm, để phân hóa tội phạm, đảm bảo có nhận thức thống nhất và dễ áp dụng trong thực tiễn. Bởi thực tế đối với cùng một lượng ma túy như nhau, hành vi mua bán trái phép chất ma túy có tính chất nguy hiểm hơn hành vi tàng trữ hay vận chuyển trái phép chất ma túy, do đó xử lý cần phải khác nhau, vì vậy không nên quy định các hành vi này trong cùng một điều luật.

- Tình tiết định khung “phạm tội nhiều lần” cũng cần được nghiên cứu hoàn thiện bởi có những điểm mâu thuẫn. Có thể hướng dẫn về tình tiết này tương tự như quy định tại Mục 10 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, cụ thể như sau:

Người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý từ hai lần trở lên, nếu tổng trọng lượng chất ma tuý của các lần cộng lại dưới mức tối thiểu hoặc không xác định được tổng trọng lượng chất ma tuý của tất cả các lần đã đến mức tối thiểu quy định tại các điểm g, h, i, k, l, m, n hoặc o khoản 2 Điều 194 của BLHS thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma tuý theo điểm “Phạm tội nhiều lần” khoản 2 Điều 194.

Người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý từ hai lần trở lên, nếu tổng trọng lượng chất ma tuý của các lần cộng lại từ mức tối thiểu quy định tại các điểm g, h, i, k, l, m, n hoặc o khoản 2 Điều 194 của BLHS trở lên thì tuỳ thuộc vào trọng lượng chất ma tuý được xác định trong từng trường hợp cụ thể, mà họ phải bị xét xử theo khoản tương ứng (2, 3 hoặc 4) quy định tại Điều 194 của BLHS. Tuy nhiên cần phân biệt:

Trường hợp 1: người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý từ hai lần trở lên và trọng lượng chất ma tuý của mỗi lần thuộc trường hợp quy định tại các điểm g, h, i, k, l, m, n hoặc o khoản 2 Điều 194 của BLHS thì tuỳ thuộc vào loại chất ma tuý mà họ phải bị áp dụng điểm tương ứng và điểm b "phạm tội nhiều lần" quy định tại khoản 2 Điều 194 của BLHS.

Trường hợp người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý từ hai lần trở lên và trọng lượng chất ma tuý của mỗi lần thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 194 của BLHS thì cùng với việc phải bị xét xử theo khoản tương ứng, họ còn phải bị áp dụng tình tiết "phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của BLHS.

- Trong các chất ma túy quy định tại Điều 194 thì cách quy định “Chất ma túy khác ở thể rắn/lỏng” là quy định chưa khoa học, còn nhiều vướng mắc do cách hiểu khác nhau. Bằng nhiều cách khác nhau, bất kì chất ma túy nào cũng có thể tồn tại được ở thể rắn hoặc thể lỏng (trong điều kiện tự nhiên bình thường). Chất ma túy có thể hòa tan trong dung môi thích hợp để tồn tại trong thể lỏng, như vậy dung dịch chứa ma túy có phải là “chất ma túy khác ở thể lỏng” hay không. Do bản chất khoa học, trong điều kiện môi trường bình thường, một số chất ma túy luôn tồn tại ở thể lỏng (Tetrahydrocannabinal – THC là chất ma túy chính trong cần sa, tồn tại ở dạng dầu – lỏng), nhưng cũng chất đó có thể tồn tại ở thể rắn khi pha với các chất khác thích hợp. Ma túy tồn tại trong điều kiện bình thường do bản chất hóa học quyết định. Bằng cách thay đổi nhiệt độ, môi trường, áp suất…đều có thể biến đổi dạng tồn tại của ma túy (rắn – lỏng – khí). Hiện nay việc hòa tan chất ma túy trong dung môi thích hợp để thuận lợi cho việc vận chuyển, buôn bán qua biên giới là một phương thức dễ dàng qua mắt các cơ quan điều tra. Mặt khác, dung dịch chứa ma túy cần được giám định hàm lượng chất ma túy có trong dung dịch thì mới có thể xác định được mức độ nguy hiểm của hành vi vì 100ml dung dịch chứa 20% chất ma túy thì tính chất nguy hiểm chắc chắn sẽ không thể bằng 100ml dung dịch chứa 30% chất ma túy. Không thể quy định tính thể tích dung dịch ma túy (ma túy ở thể lỏng) để quy định khung hình phạt như hiện nay. Việc quy định về định lượng chất

ma túy trong Điều 194 cũng như các điều luật khác về các tội phạm ma túy của BLHS chưa khoa học. Hướng dẫn tại điểm a, tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I của Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP “Đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch (như dung dịch thuốc phiện, dung dịch hêrôin dùng để tiêm, chích) hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng để tiện cho việc sử dụng thì không coi toàn bộ dung dịch này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng moocphin trong dung dịch để tính trọng lượng của chất ma túy đó” là một quy phạm thể hiện tính khoa học về nhận thức hình thức tồn tại của ma túy và cần được tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi quy định của BLHS.

Một phần của tài liệu TỘI TÀNG TRỮ, VẬN CHUYỂN, MUA BÁN TRÁI PHÉP HOẶC CHIẾM ĐOẠT CHẤT MA TÚY TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TRÊN CƠ SỞ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN Ở ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (Trang 101 - 104)