túy theo quy định Bộ luật hình sự Nhật Bản
BLHS Nhật Bản được ban hành năm 1907 và đã được sửa đổi, bổ sung 11 lần vào các năm: 1921, 1941, 1947, 1953, 1954, 1955, 1960, 1964, 1980, 1987 và
1991. Chương XIV Các tội phạm liên quan đến ma túy của BLHS Nhật Bản gồm 6 điều luật, từ Điều 136 đến Điều 141 quy định các tội phạm liên quan đến các tội phạm về ma túy như: Nhập khẩu ma túy (Điều 136); Nhập khẩu dụng cụ để sử dụng ma túy (Điều 137); Nhập khẩu ma túy bởi nhân viên hải quan (Điều 138); Sử dụng và cung cấp địa điểm sử dụng ma túy (Điều 139); Tàng trữ ma túy (Điều 140) [46]. Cụ thể như sau:
Điều 136: Nhập khẩu ma túy
Người nào nhập khẩu, sản xuất, bán ma túy hoặc tàng trữ với mục đích bán thì bị phạt tù trên 6 tháng đến dưới 7 năm.
Điều 137: Nhập khẩu dụng cụ để sử dụng ma túy
Người nào nhập khẩu, chế tạo hoặc bán dụng cụ để sử dụng ma túy hoặc tàng trữ để bán thì bị phạt tù trên 3 tháng đến dưới 5 năm.
Điều 138: Nhập khẩu ma túy bởi nhân viên hải quan
Nhân viên hải quan nào nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu ma túy hoặc dụng cụ để sử dụng ma túy thì bị phạt tù từ 1 năm đến dưới 10 năm.
Điều 139: Sử dụng và cung cấp địa điểm sử dụng ma túy Người nào sử dụng ma túy thì bị phạt tù dưới 3 năm.
Người nào mưu toan lợi nhuận bằng cách cho thuê nhà hoặc phòng để sử dụng ma túy thì bị phạt tù trên 6 tháng đến dưới 7 năm.
Điều 140: Tàng trữ ma túy
Người nào tàng trữ ma túy hoặc tàng trữ dụng cụ để sử dụng ma túy thì bị phạt tù dưới 1 năm.
Có thể nhận thấy BLHS Nhật Bản chỉ gồm những quy định đơn giản về các tội phạm về ma túy, trong các điều luật về ma túy cũng không quy định mức định lượng về ma túy để làm căn cứ cho việc xác lập tội danh và quyết định hình phạt. BLHS Nhật Bản đặc biệt chú trọng đến hành vi nhập khẩu ma túy (có 3 Điều quy định về hành vi nhập khẩu), một phần nguyên nhân bởi Nhật Bản là quốc gia nằm trên biển, tách rời đất liền và trên lãnh thổ Nhật Bản không thuận lợi cho việc trồng cây thuốc phiện, sản xuất ma túy nên việc nhập khẩu là con đường duy nhất để đưa
ma túy vào Nhật Bản. Tỉ lệ phạm tội nói chung và các tội phạm về ma túy ở Nhật Bản là rất thấp, do chính sách hình sự kiểm soát về ma túy rất tốt và do chế độ giam giữ những người bị kết án đặc biệt khắc nghiệt. BLHS Nhật Bản không quy định hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy như BLHS Việt Nam. Mặt khác, BLHS Nhật Bản vẫn còn giữ tội Sử dụng chất ma túy, người sử dụng ma túy còn có thể bị phạt tù dưới 3 năm, đây là một hình phạt tương đối nghiêm khắc. So sánh nói chung về các mức hình phạt của các tội mua bán, tàng trữ chất ma túy của BLHS Nhật Bản với BLHS Việt Nam thì BLHS Việt Nam có mức hình phạt cao hơn rất nhiều (Khung hình phạt cao nhất của Điều 194 BLHS Việt Nam là tử hình, khung hình phạt cao nhất của BLHS Nhật Bản của Điều 136 là dưới 7 năm, Điều 138 là dưới 10 năm, Điều 140 là dưới 1 năm).
Tóm lại: Qua việc tham khảo những quy định của BLHS một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản,… cho thấy việc quy định về các tội phạm ma túy nói chung không hoàn toàn giống như trong quy định của BLHS Việt Nam. Tuy nhiên, có những nét tương đồng nhất định, đặc biệt chế độ độc quyền quản lý của nhà nước đối với ma túy và các tiền chất ma túy bao giờ cũng được nhà làm luật các nước ghi nhận và bảo vệ trong Hiến pháp, pháp luật nói chung và pháp luật hình sự là một công cụ hữu hiệu chống lại sự xâm phạm chế độ quản lý của nhà nước về ma túy. Mặt khác, tuy cách quy định không giống nhau (về mặt kĩ thuật/hình thức) nhưng BLHS các nước hầu như đều đề cập đến tội phạm nguy hiểm nhất trong các tội phạm về ma túy đó là tội “mua bán trái phép chất ma túy”, cũng như các tội “tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt trái phép chất ma túy”. Việc quy định các tội phạm về ma túy nói chung và các tội phạm “tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt chất ma túy” nói riêng của BLHS các nước phụ thuộc vào điều kiện địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội… của riêng mỗi quốc gia. Việc quy định nội dung tội phạm và hình phạt liên quan thể hiện tình hình tội phạm ở mỗi quốc gia và mối quan ngại đối với từng tội phạm ma túy chiếm ưu thế ở quốc gia đó. Bởi vậy có những quy định khác nhau giữa BLHS Việt Nam và các nước khác trên thế giới về các tội phạm ma túy. BLHS Việt Nam năm 1999 (sửa đổi bổ sung
năm 2009) với việc quy định 9 tội danh về các tội phạm ma túy trong chương XVIII là để phù hợp với bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và tình hình đấu tranh phòng chống các tội phạm về ma túy trong lãnh thổ Việt Nam.
Chương 2