VẺ ĐẸP TRONG TRANG PHỤC PHỤ NỮ TÂY BẮC

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 49)

Khi đàn chim én bay về đón làn gió ấm mùa xuân. Khi hoa đào, hoa mận nở bừng trong các thung lũng, bản làng, cũng là thời điểm các cô gái vùng cao mặc những bộ váy áo với trang sức thật đẹp, rộn rã cùng nhau đến những phiên chợ Tết để mua sắm và gặp gỡ. Sau một năm lao động chăm chỉ miệt mài, mùa xuân thực sự là mùa của gặp gỡ, mua bán và vui chơi.

Khắp nơi trên vùng đất Lào Cai - một vùng cửa ngõ biên cương của Tổ quốc - chúng ta bắt gặp rất nhiều những phiên chợ Tết đông vui. Từ Bắc Hà, đến Sa Pa... không khí mùa xuân tràn về khắp mọi nẻo đường, trên từng gương mặt của người già và những cô gái trẻ, trên từng vẻ rực rỡ của váy áo và trang sức.

Trong mỗi dịp đến chợ xuân, vẻ đẹp của trang phục và đồ trang sức được thể hiện đầy đủ và rực rỡ nhất. Trang sức của các dân tộc thiểu số vùng cao Lào Cai chủ yếu thể hiện vẻ đẹp thẩm mỹ và sự hài hoà với váy, áo, đồng thời cũng mang ý nghĩa tín ngưỡng của truyền thống. Trong nền xanh của núi, nền xanh của chàm cùng với những sắc màu thổ cẩm rực rỡ và hoa văn tinh tế, phụ nữ vùng cao đã làm nên những bộ váy áo tôn vẻ đẹp của mình trước thiên nhiên. Họ

đã sử dụng biện pháp gắn hạt cườm, hay đồng xu bạc lên áo, mũ, mang vẻ đẹp độc đáo nhưng đầy tính biểu tượng của vị thần bảo vệ sức khoẻ cho trẻ nhỏ. Nền thổ cẩm rực rỡ ở cổ áo, nẹp ngực, ống tay được sáng lấp loáng nhờ trang sức bạc với hoa văn tinh xảo càng làm tăng thêm vẻ đẹp của trang phục. Đồ trang sức cổ truyền của các dân tộc thiểu số nơi đây chủ yếu làm bằng bạc trắng, đa số là khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, bộ xà tích và nhẫn, đặc biệt là châm cài đầu của dân tộc Nùng Dín. Tuy mỗi dân tộc có kiểu cách hoa văn khác nhau, nhưng có một nét chung rất dễ nhận thấy đó là những đồ trang sức này không thể tách rời khỏi trang phục, mà nó luôn hài hoà, điểm vào trang phục. Trong nền trời mây bàng bạc của hạt sương sa, các phiên chợ thật rộn rã với âm thanh đặc biệt chỉ ở chợ vùng cao mới có. Sắc màu của váy áo thổ cẩm, của trang sức hoà lẫn sắc màu của thiên nhiên, các sản phẩm mang đến chợ thể hiện nét độc đáo rất riêng của vùng đất này vào mỗi dịp xuân về. Nét đẹp và chiều sâu văn hoá ẩn chứa trong mỗi nụ cười của con người vùng cao, trên mỗi trang sức mà họ mang trên người.

Trang sức của dân tộc thiểu số gắn liền với từng lễ nghi và phong tục tập quán của mỗi tộc người, dòng họ. Trong tiết xuân, gia đình người Dao Tuyển làm lễ cúng xin bố mẹ nuôi cho con mình, vì cháu bé đang yếu. Theo quan niệm của dân Dao Tuyển, nếu cháu bé có cha mẹ nuôi cháu sẽ khỏe mạnh. Sau khi nhận chén rượu mừng, họ sẽ buộc vào tay cháu bé một đồng bạc trắng để ngăn trừ gió, và giữ ấm cho cháu bé.

Có thể nói, đối với cư dân vùng cao, trang sức của họ ẩn chứa một khát vọng lớn lao về niềm vui và sức khoẻ. Chính vì vậy, theo quan niệm của người Mông những phụ nữ chăm làm khoẻ mạnh là phụ nữ đeo hoa tai thật to. Từ người già đến con trẻ, đều có trang sức bằng bạc trên người, nó không chỉ thể hiện sự giàu sang mà còn có ý nghĩa sâu xa về việc giữ hơi ấm và ngăn chặn điều dữ theo quan niệm dân gian. Vòng cổ và hoa tai là đồ trang sức ưa dùng của người Mông. Vòng cổ có chu vi từ 45 - 55cm, vòng không khép kín hoàn toàn. Vòng cổ người Mông có hai loại, một loại dùng để làm đẹp, còn loại thứ hai mang chức năng biểu tượng, bảo vệ sức khoẻ, đem may mắn cho con người. Khi mang đồ trang sức bên mình, cư dân Mông luôn tin tưởng, an tâm rằng gia đình họ sẽ luôn khoẻ mạnh, hạnh phúc và sum vầy bên nhau. Chính vì thế, trang sức cũng như ca dao, dân ca, luôn gắn với vòng đời con người từ khi chào đời đến khi tuổi cao. Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều được đón nhận vào cộng đồng qua những tín hiệu văn hoá của tộc người.

Trang sức bạc là vật không thể thiếu trong đời sống cư dân vùng cao Lào Cai. Chính vì lẽ đó, nghề làm đồ trang sức luôn được lưu truyền từ đời này sang đời khác như lời nhắn nhủ về cội nguồn tổ tiên. Cư dân Mông chủ yếu làm những chiếc vòng bạc có dây xích hai bên, có hình dáng giống trăng lưỡi liềm. Có loại như cuộn dây có 3 sợi bạc cuốn chặt. Có kiểu vòng cổ khắc hoạ hình con chim, hoặc xoáy ốc, dùng để đi dự lễ hội hoặc các lễ cúng đầu năm. Ngày thường, phụ nữ Mông đeo một chiếc vòng cổ, nhưng ngày lễ họ đeo nhiều hơn.

Trang sức của các dân tộc Lào Cai cũng có nhiều nét tương đồng với các dân tộc khác.

Nếu những ngày tháng trong năm là công việc của đồng áng, thì mùa xuân lại là thời gian giành cho những phiên chợ và đám cưới. Trong không khí lành mạnh, lòng người dường như được sưởi ấm và bừng lên niềm vui. Vào dịp này các cô gái Dao như hồng lên nét tươi tắn và xinh đẹp hơn, xúng xính trong những bộ váy áo mới cùng nhiều trang sức bạc trên đầu rung rinh theo nhịp bước chân. Mỗi người một vẻ, mỗi trang sức một kiểu cách hoa văn, mỗi loại váy áo một kiểu thổ cẩm đã làm nên một bức tranh xuân đầy màu sắc.

Trong những đám cưới, quần áo và trang sức của người Dao Tuyển thật đẹp. Sắc chàm xanh thẫm đã nhuộm thắm trang phục của dân tộc Dao Tuyển, tuy không rực rỡ như trang phục Mông hay Dao Đỏ, nhưng nó lại duyên dáng và tôn lên cùng với sắc lấp lánh của vòng tay, vòng cổ, hoa tai bằng bạc. Các cô gái Dao Tuyển thường dùng nhiều trang sức bằng bạc để đến những hội vui mùa xuân. Khi những chú chim ríu rít gọi bầy làm tổ, cũng là lúc đón cô dâu mới về nhà. Cô dâu được trùm kín đầu bằng chiếc khăn màu đỏ, đi vào nhà làm lễ, rồi được thầy cúng và hai bên gia đình chúc mừng hạnh phúc. Theo quan niệm của cư dân nơi đây, khi cô gái về làm dâu, ngoài váy áo cô đã làm suốt một năm qua, cô còn có của hồi môn là những đồ trang sức bằng bạc do cha mẹ mình tặng. Khi về đến nhà chồng, thầy cúng sẽ cắt một sợi chỉ màu để trao cho cô dâu, chú rể với mong muốn cả hai sẽ cùng giữ gìn hạnh phúc gia đình. Cô dâu, chú rể sẽ được cha mẹ chồng trao đồ trang sức, lễ nghi này rất quan trọng vì nó thể hiện rằng: đồ trang sức bạc sẽ bảo vệ cho đôi vợ chồng mới khỏi điều dữ và vun đắp hạnh phúc lứa đôi. Trang sức của cô dâu Dao Tuyển gồm có vòng cổ dài được trang trí nhiều hoa văn từ những hình mẫu cổ xưa như: hình tròn và hoa lá, ngoài ra còn có vòng tay và hoa tai. Trên nền váy chàm xanh, khăn màu hồng đậm, trang sức bạc trắng tôn lên vẻ rạng rỡ, sáng ngời của cô gái Dao. Những đồ trang sức này sẽ được họ giữ lại như bảo vật của gia đình, dòng họ và sẽ trao lại cho con cháu sau này.

Nếu trang phục của người Dao Tuyển chủ yếu là sắc chàm, thì trang phục của người Dao Đỏ lại bừng lên rực rỡ sắc đỏ của hoa văn trên áo, mà màu đỏ ở đây gắn với truyền thuyết về con chim hạnh phúc của người Dao Đỏ. Cô dâu Dao Đỏ nổi bật bởi chiếc khăn đội đầu và lấp lánh trang sức bạc trên áo, trên cổ và tay, đó là vật không thể thiếu cho cô dâu khi về nhà chồng và mang biểu tượng của hạnh phúc vững bền.

Trang phục và đồ trang sức của cô dâu người Nùng Dín là một nét đặc sắc trong văn hoá chung của các dân tộc thiểu số Lào Cai. Sau khi cô dâu vái quỳ trước bàn thờ tổ tiên, mẹ chồng sẽ đeo tặng đồ trang sức cho cô như một sự đón nhận thành viên mới trong gia đình. Khi về nhà chồng, cô dâu sẽ được mẹ chồng cài thêm một chiếc trâm bạc lên đầu thành một đôi, điều này xuất phát từ truyền thuyết xa xưa của người Nùng Dín, đó là sự ghi dấu những tháng năm vất vả của các cô gái Nùng Dín thủa xa xưa. Chính bởi truyền thuyết lịch sử như vậy mà đồ trang sức trên trang phục dân tộc Nùng Dín có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của cư dân này không chỉ ở vẻ đẹp thẩm mỹ.

Chiều dài của thời gian càng khẳng định vai trò quan trọng của đồ trang sức bằng bạc trong đời sống của dân tộc vùng cao Lào Cai. Ngày nay vẫn có những người thợ chạm bạc rất tâm huyết với nghề, vì vậy vẫn có hoa văn cổ truyền và hình dáng xưa, trang sức bằng bạc có một sức sống lâu bền và luôn hiện hữu trong cuộc sống của cư dân nơi đây. Song, mỗi dân tộc lại có nghi lễ và thời điểm trao trang sức cho cô dâu khác nhau. Với dân tộc Dáy thì hôm nay, bà mối mang đồ trang sức của nhà trai đến nhà gái, để cô dâu đeo vào lúc đón dâu. trang sức gốm có vòng tay, vòng cổ, nhẫn và dây xà tích bằng bạc. Niềm vui mừng thể hiện rõ trên từng gương mặt, bởi lẽ đồ trang sức này là dấu hiệu bắt đầu một cuộc sống gia đình mới, tràn đầy hạnh phúc của gia đình trẻ".

Truyền thống sử dụng đồ trang sức và coi nó là bảo vật trong cuộc đời mỗi người là tập quán tốt đẹp của dân tộc ta ở các vùng miền. Trang sức không chỉ làm đẹp cho hình thức con người mà còn là biểu tượng của tình yêu và sự nối kết giữa các thế hệ xuyên suốt thời gian qua các thời đại, nó sẽ được gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trang sức các dân tộc Tây Bắc mãi mãi tôn vinh nét đẹp của con người vùng cao. Cùng bề dày văn hoá nó góp phần tô điểm cho vẻ đẹp chung của cả dân tộc.

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(132 trang)
w