MÙA XUÂN TRÊN CAO NGUYÊN TRẮNG

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 75)

PHẦN II DI TÍCH VÀ DANH THẮNG

MÙA XUÂN TRÊN CAO NGUYÊN TRẮNG

Xa xa trên lưng chừng đồi núi, dưới thung lũng là những bản nhỏ thanh bình với những ngôi nhà trình tường nhỏ nhắn của người Mông, Dao, Tày .

Hùng vĩ, sống động mà vẫn nên thơ và lãng mạn với những cánh rừng sa mu xanh thắm, rừng đào hồng thắm, rừng mận tam hoa bạt ngàn nở trắng cao nguyên… phong cảnh thiên nhiên mùa xuân ở cao nguyên Bắc Hà - “Sa Pa thứ hai" của Lào Cai - hiện ra thật đẹp!

Xuân về Bắc Hà thay “áo mới”, khoác lên mình chiếc áo muôn màu sắc rực rỡ, tươi trẻ, giàu sức sống và ấm áp. Mùa xuân Bắc Hà thật đẹp! Vẻ đẹp đặc trưng của vùng cao nguyên nổi tiếng với khí hậu ôn đới. Bắc Hà trồng rất nhiều cây ăn quả và hoa ôn đới như hồng pháp, phăng, lan mai, phong lan, mộc lan... lê, đào. Đặc biệt, mận tam hoa được trồng khắp cao nguyên tạo thành cả cánh rừng, mùa xuân hoa nở trắng rộ.

Rồi những rừng mơ, rừng lê trắng, lau trắng ngút ngàn các thung lũng nhỏ hòa lẫn mây mù sương khói trắng bao phủ. Trong mưa phùn lất phất, từng cơn

gió xuân thổi qua rừng mận cuốn theo cánh hoa bay lập lờ khắp cao nguyên tựa như từng đàn bướm trắng hàng vạn, hàng triệu con đang tụ hội về...

Bức tranh phong cảnh mùa xuân cao nguyên còn được tô điểm bởi vẻ đẹp của những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, rừng sa mu xanh thắm, rừng đào hồng và vẻ đẹp của muôn hoa đua nở.

Chợ văn hóa Bắc Hà, Cốc Ly, Nậm Lúc, Lùng Phình những ngày xuân luôn nhộn nhịp, sôi động. Đồng bào các dân tộc thiểu số tranh thủ đi chợ bán các mặt hàng nông sản, rượu và mua sắm cho tết, mua sắm nông cụ, giống cho vụ xuân năm 2009, khu chợ gia súc, quầy bán rượu ngô Bản Phố, chợ ngựa... Các mặt hàng chợ tết đa dạng, phong phú, song nổi bật nhất vẫn là hàng hoa với những cành đào hồng, hoa hồng, phong lan rực rỡ sắc màu và khu chợ thổ cẩm rực rỡ sắc màu như một vườn hoa muôn sắc.

Trung tâm huyện lỵ Bắc Hà từng bước hình thành thị xã du lịch trong tương lai với nhiều khách sạn, biệt thự mọc lên, trong đó có cả khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, 3 sao phục vụ khách, đặc biệt khách du lịch quốc tế

Phục vụ ngày chợ tết là các quầy hàng ẩm thực với các món ăn đặc sản thắng cố ngựa, trâu, thịt gà đen, phở chua, lợn cắp nách… Không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mọi người đi chợ xuân, chợ tết để gặp lại bè bạn, anh em, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất nhân dịp năm mới.

Ở Bắc Hà người dân tộc Mông chiếm gần 50% dân số và sống ở các xã trong huyện, riêng các xã Bản Phố, Lầu Thí Ngài, Tả Văn Chư, Bản Già, Lùng Cải, Hoàng Thu... có đến 100% dân số là người Mông.

Bắt đầu từ cuối tháng 11 dương lịch, người Mông tranh thủ lúc nông nhàn nấu rượu tết, cả bản tràn đầy mùi hương thơm nồng của rượu ngô, khói trắng tỏa nghi ngút. Từ ngày 14, 15 đến ngày 26, 27-12 âm lịch, người Mông mổ lợn tết mời anh em, bạn bè về ăn, biếu ông bà, cha mẹ và một phần chế biến thành các món ăn hoặc đem ướp, một phần đem treo làm món thịt lợn hun khói. Gần ngày tết thì mọi người bắt đầu giã bánh dày.

Các món ăn đặc sản trong ngày tết của người Mông phải kể đến là thịt lợn hun khói, tiết canh gà, canh gà gừng, mèn mén, lợn cắp nách, gà ô kê, bánh dày…

Từ ngày mồng 2 tết trở đi người Mông, đặc biệt là thanh niên, rủ nhau đi hội sải sán (Gầu Tào) được khôi phục tổ chức tại xã Tả Van Chư vào dịp xuân năm 2009 sau 30 năm chưa được tổ chức ở Bắc Hà và tổ chức đều đặn hằng năm từ ngày mồng 3 đến 10 tết ở các vùng đồng bào Mông huyện Si Ma Cai là Cán Cấu, Quan Thần Sán, Sín Chéng, Mản Thẩn (Si Ma Cai) hay Phong Niên (Bảo Thắng), Pha Long (Mường Khương)...

Người Tày ở Bắc Hà có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc truyền thống, đặc biệt là văn hóa lễ hội với tục xuống đồng hay còn gọi là lồng tồng. Vào ngày rằm tháng riêng âm lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Tày ở Tà Chải, Na Hối, Bản Liền, Tả Củ Tỷ... tổ chức lễ hội lồng tồng (xuống đồng). Đây là lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Tày, cúng thần nông. Lễ hội gồm hai phần là lễ và hội.

Mở đầu là phần lễ tương đối đơn giản. Giữa bãi rộng, người ta dựng một cây nêu bằng cây bương to, có gắn một vũng trũn dỏn giấy đỏ (biểu tượng mặt trời). Dưới chân cây nêu là những mâm lễ của làng và của các gia đình thành kính dâng cúng thần.

Sau lễ cầu khấn, ông chủ lễ hội gióng lên hồi chuông bắt đầu phần hội diễn ra các hoạt động văn hóa - văn nghệ, ném còn, đu quay, đẩy gậy, kéo co. Kết thúc lễ hội vào buổi hoàng hôn là hội xòe, sau khi đốt một đống lửa to tất cả mọi người tay nắm chặt tay trong vòng xòe.

Nét đẹp văn hóa nổi bật nhất của người dân tộc Dao trong dịp tết là văn hóa lễ hội, văn hóa - văn nghệ, thể thao dân gian, nổi bật là lễ tết nhảy. Đây là lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Dao được tổ chức ngày 1, 2 tết Nguyên đán ở nhà trưởng họ (nghi lễ một dòng họ). Lễ tết nhảy tiếng Dao gọi là “giàng chảu đao”, dịch theo nguyên nghĩa là Bước nhảy dài, nghi lễ này được tổ chức dịp tết nên gọi là lễ tết nhảy.

Ngoài mục đích chính của nghi lễ là cầu cúng tổ tiên phù hộ năm mới mọi người trong dòng họ, gia đình được mạnh khỏe, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, cuộc sống yên vui, ấm no, hạnh phúc; lễ tết nhảy còn nhằm ôn lại các điệu nhảy truyền thống để tỏ rõ sức mạnh của dòng tộc. Trước khi tổ chức lễ tết nhảy, người ta mời hai ông thầy cúng chính là “chải miến” chủ yếu lo việc cúng ma, cúng tổ tiên và một thầy cúng mùa thiêng gọi là “khoi tàn”.

Phần hội diễn ra các nghi lễ như nhảy từ tháp cao (thay bằng gò đất cao hoặc vị trí cao) xuống lưỡi võng… trải qua các điệu múa nghi lễ như múa gà, múa sạp, múa trống đất hết sức sôi động…

Các lễ hội được tổ chức vào dịp xuân thật sự hấp dẫn khách du lịch tới tham quan, tham gia, tìm hiểu nét đẹp văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc nguyên sơ, độc đáo, mới lạ.

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(132 trang)
w