Sau tết nguyên đán cổ truyền, đồng bào Nùng Mường Khương còn có một lễ tết nữa đó là tết mồng một tháng bảy âm lịch.
Hàng năm, cứ đến hạ tuần tháng sáu (âm lịch), bà con người Nùng lại nô nức phấn khởi chuẩn bị chào đón lễ tết mồng một tháng bảy (tiếng Nùng gọi là chinw chinhw chetx). Khắp các gia đình, làng bản từ già đến trẻ bàn tán xôn xao, náo nức chuẩn bị cỗ tết.
Đến giáp tết, ngày 30 tháng 6 âm lịch, mọi người trong gia đình ai cũng tấp nập đua nhau làm các công việc của mình. Mặc dù mỗi nhà có sự chuẩn bị tết khác nhau nhưng cứ đến cuối chiều chập tối hầu như nhà nào cũng phải nhuộm xong đũa đỏ- công việc chuẩn bị chính thức đầu tiên cho lễ tết.
Đũa đỏ được nhuộm bằng lá xôi đũa (tếng Nùng gọi là chămj thuj). Loại là xôi này chỉ dùng để nhuộm đũa đỏ và xôi đỏ. Kỹ thuật nhuộm đũa đỏ và xôi đỏ rất đơn giản: cho lá xôi một lượng vừa phải với số lượng đũa và nước đun. Bởi vậy, nhiều người phải nhờ những người có kinh nghiệm nhuộm giúp.
Công việc cuối cùng trong ngày chuẩn bị tết là cả nhà ai nấy đều tắm giặt, thay quần áo sạch sẽ: nhà nào phải làm cỗ cúng trời thì chuẩn bị mâm cỗ cúng. Mâm cỗ cúng trời được đặt ở trên sàn góc sân để đảm bảo sạch sẽ. Do đó là những nhà phải cúng trời làm một cái sàn góc sân nhà để cúng vào dịp tết tháng 7, sau đó dùng phơi thóc, ngô, ngồi khâu vá... Song có điều kỵ là người mang thai không được làm, phải nhờ người khác làm giúp. Mâm cúng trời tiếng Nùng gọi là 'Pai chan- cungj phax'. Một cái bàn đặt quay hướng mặt trời mọc và một cây cầu trời bằng vầu cao hơn đầu người được căng một tấm vải đen và vây xung quanh mâm cỗ; mâm được lót bằng lá chuối, đặt năm cái bát, năm cái chén làm bằng dóng cây sậy, một bát nước phép; năm lư hương bằng thân chuối; có hàng giấy ngựa treo năm con màu đỏ (có dòng họ ba con); chén rượu giữa cũng đội đáy một chén khác gọi là ta chanj như cúng rừng; một bát nước lá sôi nhuộm đũa đỏ; một lọ giã ớt bằng vầu, có cả chày nhuộm đỏ. Bên cạnh mâm có bầy cả bã lá xôi nhuộm đũa. Vật cúng chỉ có một con gà sống gáy to, đẹp, lông đỏ; năm bát xôi màu tím và một miếng thịt lợn nhỏ.
Gần như thành quy luật tự nhiên, tết tháng 7 năm nào cũng vậy, ngày 30 tháng 6 hoặc chí ít cũng là buổi chiều trời thường tuôn mưa tầm tã. Đồng bào gọi đó là pfănw sra chan- tức mưa dội sàn.
Sáng mồng một tháng bảy là lễ tết chính của đồng bào sau đó là vui chơi ăn uống linh đình, hội hè tấp lập. Khi mới gà gáy canh ba, các gia đình làm sàn cúng trời đã thức dậy nhóm bếp thổi xôi, mổ gà trước khi trời sáng. Thầy cúng mặc áo dài vải đen, đầu đội khăn xếp, chân di giày long trọng khấn lạy bốn phương tám hướng trời đất, núi rừng, cây chuối làm lễ tạ ơn đã phù hộ độ trì cho người Nùng chiến thắng giặc ngoại xâm, bảo tồn nòi giống dân tộc mà người Nùng không bao giờ quên. Nội dung bài cúng có đoạn:
Hỡi ông thần trời thánh đất Hỡi ông thần trái đất Hỡi mặt trời trên cao Và rừng chuối nơi thấp Hôm nay ngày một tháng bảy
Ăn tết thứ người Nùng1 Nô tỳ này họ Vương cháu gia. Con đời cháu thế hệ đời chắt người Nùng
Nô tỳ này mang miếng thịt lợn nhỏ, con gà sống gáy to lên kính Đem đĩa xôi tím, ngụm rượu ngọt về mời
Mời đến thần trời thánh đất dự cỗ
Mời đến thần trái đất, mặt trời trên cao ngồi mâm Cúng tổ tiên tộc Nùng chơi vui bữa cỗ
Cùng thế hệcháu, hệ chắt người Nùng ăn tết tháng bảy Ăn cỗ xong xin phù hộ độ trì người Nùng
Ban phước tộc Nùng thịnh trị bình an...2
Sau một bài cúng, thầy cúng mổ gà nộp lễ.Con gà được làm lông tại chỗ. Con gà không luộc chín mà bày thịt sống, cả lông rác gà cũng được bày nguyên tại chỗ trên lá chuối đặt cạnh mâm và cúng cùng một lúc với mâm cỗ. Gà được cúng cùng xôi màu tím, thịt lợn, Một điều đáng chú ý là phải làm thật nhanh để cúng và thu dọn trước khi trời sáng. Sau khi ba hồi thờ cúng với ba hồi nhang tắt mới hoá vàng thu về nhà, Sau khi thu về nhà, bã lá xôi và lông gà vẫn để nguyên trên sàn qua ba ngày mới được dọn. Đồng thời sàn cúng câm bang sau ba ngày mới được sử dụng làm sân phơi hoặc chơi bời
Sau khi bày sàn thờ cúng xong lại tiếp tục mổ gà thờ cúng gia tiên. Gà thờ cúng gia tiên không nhất thiết là gà sống gáy mà gà mái cũng được. Mâm cỗ thờ cúng gia tiên chỉ có gà và các thức ăn phụ khác nhưng nhất thiết phải làm bát tiết canh gà. Thịt gà không bày cả con mà đem chặt từng miếng xếp gọn trong đĩa. Số lượng món ăn không quy định nhưng phải có bảy món trở lên. Bài cúng có nội dung chủ yếu là kính mời gia tiên xuống dự tết cổ truyền mồng một tháng bảy cùng vơí thần trời thánh đất... cầu các ông bà tổ tiên tiếp tục phù hộ độ trì cho con cháu trong gia đình có cuộc sống an khang thịnh vượng.
Cùng lúc với các ông làm lễ cúng gia tiên thì các bà, các chị làm xôi bảy mầu, đó là mầu đỏ tươi, mầu đỏ thẫm, mầu vàng, mầu xanh lá gừng, màu nâu,
màu xanh nước biển, màu tím. Xôi làm từ gạo nếp được nhuộm mầu từ các loại hoa, lá bằng các cách khác nhau đem bỏ vào chõ đồ lên, dùng để thiết bà con bạn bè.
Ngày tết, gia đình nào cũng đặc biệt chú ý đến 'còng gà' cho trẻ em; không chỉ trẻ em trong nhà mà cả con cháu anh em, khách khứa cũng phải biếu mỗi đứa cái còng. Còng gà cho cháu ttrong ngày tết phải to gấp đôi mọi khi, do đó gia đình nào cũng phải mua nhiều gà.
Khách khứa, bạn bè thân hữu đến dự lễ tết cũng rất hồ hởi, trưng diện quần áo mới, tay xách vai mang túi quà tặng. Đến bữa cỗ, ai cũng mặc quần áo mới, chân đi dép. Mâm cỗ thường là tám món là thịt gà luộc, thịt lợn kho tầu, thịt lợn quay, đậu phụ bọc thịt lợn rán, miến xào, đậu phụ sống, bát tiết canh gà và bát canh xương hầm không phân biệt mâm người lớn, trẻ em. Khi ăn thông thường là phải phát còng gà cho trẻ em trước sau đó chủ nhà gắp bát tiết gà khai cỗ. Sau một hồi chúc tụng say sưa, cả khách lẫn chủ đều thi nhau cất tiếng hát đối đáp chức mừng bữa cỗ, trong đó có câu
Đối đáp không xứng bạn thân. Đãi không cân bạn hữu
Bốn góc uốn sừng bò1 Trên cỗ toàn bát không.
Khách đáp lại rằng: Hỡi bạn thông thân hữu
Cỗ say không biết chúc Bốn góc uốn sừng trâu Trên cỗ bày tám bát.
Sau bữa cỗ có gia đình tổ chức chơi các trò chơi truyền thống.
Lễ tết tháng bảy được thu xếp vui chơi ăn uống trong ba ngày: song qua ngày mùng một, sang ngày mùng hai là các khách thân bạn hữu xin phép ra về vì chơi hết tết sẽ không đẹp. Giữa gia đình và khách lưu luyến chai tay. Gia đình nào cũng gói xôi bảy mầu cùng với còng gà làm quà cho gia đình thân khách, rồi lại mời hẹn gặp nhau trong dịp lễ tết năm tới rất nồng nhiệt.
Về lịch sử tết mồng một tháng bảy không còn ai biết cụ thể. Các tư liệu thành văn cũng chưa ai nghi chép cụ thể mà chỉ truyền lại trong ký ức nhân dân. Theo truyền thuyết dân gian tuy chưa đầy đủ nhưng có thể khái quát rằng lễ tết mồng một tháng bảy gắn liền với một trang sử hào hùng của dân tộc Nùng:
Vào tháng năm, một năm đời Hán. bọn giặc Hán phương bắc muốn mở rộng khu vực cai quản đã đưa quân đánh chiếm vùng người Mường Mườmg Khương. Nhiều người đã bị chúng vây bắt giết hại một cách đẫm máu. Nhân dân đã tổ chức chống lại quyết liệt để giữ mảnh đất mà người Nùng đã khai thiên lập địa. Mặc dù quân giặc mạnh hơn gấp bội nhưng người Nùng cũng đã giao tranh cầm cự giữ vững vùng đất hàng tháng trời. Song do thế mỏng, lực ít, lại bị động trước âm mưu của giặc, để tránh những thiệt hại không cần thiết, lực lượng của
người Nùng tạm thời bí mật rút lui an toàn vào các khu rừng chuối rậm rạp ven sông Chảy để bảo toàn và xây dựng lực lượng chờ thời cơ đánh giặc.
Người Nùng đã nghĩ ra mưu kế chặt cây chuối lừa giặc. Vì cây chuối mọc nhanh chỉ vài ngày đã cao bằng đầu người nên khi giặc Hán kiếm soát truy lùng thấy cây chuối bị chặt lụi đã lại cao thành rừng chúng tưởng người Nùng đã bỏ đi. Trong khi giặc Hán chủ quan, đồng bào Nùng đã bí mật xây dựng lực lượng. Vào một ngày cuối tháng sáu âm lịch trời mưa tầm tã, lợi dụng lúc trời mưa, nghĩa quân đồng bào Nùng đã bằng mọi thứ vũ khí trong tay bí mật vào nơi giặc chiếm đóng giết giặc làm chúng không kịp trở tay. Chỉ trong nửa đêm nghĩa quân đã chiếm lại quê hường lúc trời còn chưa sáng.
Tràn ngập hân hoan thắng giặc, người Nùng đã bàn bạc quyết định tổ chức ăn mừng ba ngày, từ sáng mồng một đến hết ngày mồng ba tháng bảy.
Người Nùng cho rằng nhờ rừng chuối xanh thẳm che chở, nhờ ông trời mưa to gió bão tạo thời cơ cho họ thắng giặc nên từ đó rừng chuối trở thành thần phù hộ- bảo mệnh, người Nùng phải làm lễ cúng tạ ơn rừng chuối, ông trời ngay trước sàn nhà. Lễ cúng phải tổ chức cúng sớm trước khi trời sáng để tuyên bố chiến thắng của mình với ông tổ tiên.
Người Nùng còn cho rằng làm xôi bảy mầu là tượng trưng cho chặng đường lịch sử tháng bảy đầy ý nghĩa trong năm.
Trải qua năm tháng lịch sử với biết bao thế hệ con cháu, nhiều tập tục trong lễ tết đã mai một không còn duy trì được. Song riêng bản thân lễ tết hầu như vẫn duy trì tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt đôi đũa đỏ và xôi bảy mầu vẫn còn duy trì gắn liền với mỗi người Nùng và chỉ tết tháng bảy mới làm mà thôi.
http://egov.laocai.gov.vn/home/vn/