HANG CÂY THÔNG NA MĂNG

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 93)

PHẦN II DI TÍCH VÀ DANH THẮNG

HANG CÂY THÔNG NA MĂNG

Trịnh Quang Hãnh

Trên miền núi phía Tây Bắc sát thôn Na Măng (xã Pha Long, huyện Mường Khương) có hang động Cây Thông - Na Măng nhiều tầng và còn có mái hiên như một tòa nhà hiện đại đến nao lòng. Hang có hai cửa chính, cửa dễ đến ở thôn Na Măng, cửa thứ 2 ở tít tận thôn Máo Chóa Sủ (xã Tả Ngài Chồ).

Hang động Cây Thông - Na Măng cách trung tâm Pha Long 4km và cách huyện lỵ Mường Khương 25 km về phía Tây. Đến với hang động lớn liên xã này theo quốc lộ 4D Mường Khương - Pha Long và đường cấp phối Pha Long - Na Măng. Từ chỗ gửi xe thôn Tỉn Thàng đi bộ gần 1 km là đến cửa hang được các nhũ đá mọc từ dưới lên và nhũ đá từ trên trần hang buông xuống tạo thành thềm cửa mái hiên nhà thật độc đáo. Phía ngoài hiên là một bụi tre dây lớn cùng dây leo chằng chịt, trùm lên mái hiên còn có cây thuốc ngũ gia bì và nhiều cây thuốc quý khác. Chính giữa cửa thềm có nhũ đá như một đầu con voi lớn buông vòi phục hướng vào các pho tượng nhũ đá ngồi trên thềm ô cửa. Những pho tượng này được đồng bào choàng cho những tấm vải đỏ. Trong vùng có người đau yếu, hay có ước nguyện phúc, lộc... thường lên dâng hương cầu xin một dải vải đỏ về buộc vào cổ tay.

Từ chỗ các pho tượng ở thềm hiên nhìn ra cửa hang như một bông hoa 5 cánh xòe ra, mà mỗi cánh là một lối vào thềm - hiên hang. Từ cửa thềm hang có hai cửa vào. Một cửa lớn ở phía phải và một cửa nhỏ phía trái. Qua khỏi cửa, gặp ngay một phòng khách cao tới 22m, rộng 33m, trong phòng là cả thế giới đồ vật, cảnh vật thể hiện sinh động cuộc sống của cộng đồng người. Ở phía tay trái có dòng thác vàng bạc bằng nhũ đá chảy xuống gần bên cầu thang lên tầng hai. Nhưng bắt mắt và để lại ấn tượng sâu sắc cho mọi người là một phòng lộng lẫy như cung đình - có người nói nơi đây là phòng hạnh phúc, là cung vua, các nhũ đá vàng từ trên cao chảy xuống làm thành một cửa hình chữ nhật lồng mỏng mảnh như rèm buông được nghệ nhân thêu hoa dệt gấm. Phía trước căn phòng "hạnh phúc" là vườn cảnh - thượng uyển có hành lang bên phải nhiều cây cảnh và cây thông đuôi ngựa vươn xanh, phía bên trái trên cao có có một quả phật thủ (tay tượng) to lớn vươn xuống như đang chăm tỉa cho những hàng cây. Trong đó có một cây thông hình tháp cao trên 3 m, đường kính vòm cây cao tới 2 m lừng lững, lung linh như cây thông Nô-en đêm Giáng sinh. Đây là cảnh trí tuyệt vời nhất các tầng hang, nên đồng bào đặt tên hang là Cây Thông - Na Măng. Sau khu cây cảnh và cung điện là "quảng trường", nền hang khá bằng phẳng, ít nhũ đá. Đây là nơi luyện tập võ nghệ và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Tiếp đến là thế giới bồng lai tiên cảnh, phía trên trời cao là dải ngân hà lấp lánh lung linh.

Hai bên thành hang là thế giới tiên, rồng bằng nhũ đá mọc từ dưới lên và từ trên xuống. Nước từ trên cao nhỏ tí tách tạo thành những dòng nước nhỏ chảy len lỏi trong các khe đá róc rách. Mùa hè vào đây mát nhất và mùa đông cũng là ấm cúng nhất. Ai đã vào dây đều không muốn ra vì trước mặt có một ao trong vắt phẳng lặng như gương. Ao nhỏ này có nhũ đẹp buông xuống bờ và có nhiều chỗ đứng, ngồi cho du khách, đặc biệt là có ba chậu cảnh nổi lên. Một chậu có hòn non bộ, ngồi trên như một vị tiên tọa lạc; một chậu như hai lá sen chụm vào nhau và một trụ là chân cột trụ trời lộng lẫy cho ta đu bám để sang phía bên kia là những làng bản, ruộng bậc thang và dải ngân hà cùng muôn vàn cảnh trí bằng nhũ đá được thiên nhiên tạo từ hàng trăm triệu năm. Nếu gõ vào các nhũ đá, mỗi nhũ đá phát ra âm thanh êm ái, du dương.

Hang Cây Thông - Na Măng nhiều tầng lớp. Người nhiệt tình khám phá và có các phương tiện phụ trợ cần thiết cũng phải đi ba - bốn ngày cũng chưa hết. Trong hang động còn có nhiều chú dế chân dài và đàn dơi hàng nghìn con sinh sống là nguồn phân bón cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất. Đây cũng là điểm đến du ngoạn nông nhàn của đồng bào. Hang còn có nhiều huyền thoại ly kỳ gắn với cuộc sống từ ngàn đời nay của đồng bào. hang Cây Thông - Na Măng còn có một ưu điểm là bốn mùa đều khô ráo, sạch sẽ, đường vào hang rất đẹp đang chào mời du khách và các nhà nghiên cứu, các nhà đầu tư với xứ Mường.

T.Q.H Lào Cai cuối tuần. - 2009. - Số 211. - Ngày 11/7. - Tr. 8; 6

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 93)