TẾT NGƯỜI MÔNG Ở SIMACA

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 36)

Minh Huệ

KTNT - Dọc con đường từ Bắc Hà lên huyện Si Ma Cai (Lào Cai), thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp từng tốp thiếu nữ người Mông xúng xính trong váy áo rực rỡ, tiếng cười trong trẻo như xua tan cái giá rét của mùa đông. Hoa mận, hoa mơ nở trắng hai bên đường như báo hiệu xuân mới đã về trên mỗi bản làng.. . “Tôi nuôi con lợn đãi khách này từ đầu năm đấy“!”, ông Lý Páo Lềnh ở thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng (Si Ma Cai) nói. Bên mâm cơm đủ xôi trắng, lợn cắp nách và rượu ngô thơm nồng, giọng ông Lềnh ngà ngà: “Năm nay, gia đình tôi thắng to, vừa bán được nhiều lợn, gà, ngô, lúa, lại vừa làm dịch vụ xay xát, thu mua nông sản nên thu nhập đạt trên 40 triệu đồng”. ông Lềnh kể, cách đây 7 - 10 năm, cuộc sống của người Mông ở Si Ma Cai khó khăn lắm, quanh năm ăn cơm trộn ngô, sắn hoặc mèn mén. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nhiều chính sách hỗ trợ như Chương trình 135 và 134, Dự án giảm nghèo..., đời sống đồng bào đã đổi thay. Xã Sín Chéng có 7 thôn thì 100% thôn có đường cấp phối, nhiều gia đình đã có ti vi, xe máy.

Trên đường đến chợ Cán Cấu, trong sương mù dày đặc, chúng tôi vẫn thấy hoa ban, hoa mận nở trắng khoảng rừng. ông Đỗ Minh Lương, Phó chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết: “Mặc dù đời sống còn khó khăn, nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về, bà con vẫn tấp nập ngoài chợ. Ngoài những món đặc sản như lợn cắp nách, thắng cố, thịt gà đen... ngày Tết của người Mông ở Si Ma Cai không thể thiếu bánh dày”. Chị Giàng Thị Mai hồ hởi đưa chúng tôi nếm thử chiếc bánh được gói trong lá chuối tây vẫn còn nguyên màu xanh non và nói về cách làm bánh: “Nguyên liệu chính làm bánh dày là gạo nếp nương, đãi sạch rồi đồ từ 2 – 3 giờ cho dẻo. Sau đó mang ra máng gỗ dùng chày giã nhuyễn. Giã xong, đổ ra mẹt đã láng lòng trắng trứng gà để chống dính. Sau khi khấn ma nhà và Giàng (Trời), có thể tha hồ thưởng thức bánh”. Khi ăn, người Mông thường dùng dao xắt thành từng miếng rồi rán trong chảo mỡ nên rất thơm ngon.

Người Mông ăn Tết theo lịch của riêng mình (lịch chia làm 12 tháng, không có tháng nhuận). Tết thường diễn ra trong 5 ngày (từ mùng 1 – 5/1). Ngày

30/12, bà con mổ gà, lợn cúng giao thừa, đặc biệt, nhà nào cũng phải có vài ba xâu thịt treo trong nhà để đãi khách. Mùng 1, đồng bào chỉ cúng thịt gà và ăn các món chế biến từ thịt gà. Bàn thờ tổ tiên của người Mông thường đặt ở chính giữa nhà cùng tờ giấy trang trí các hình thù biểu hiện cho sức khỏe dán lên tường. Mỗi lần thắp hương, ngoài con gà luộc, hai chiếc bánh dày, hoa quả, người Mông còn để cuốc, xẻng, cày, bừa, rìu... bên cạnh bàn thờ để cầu mong năm mới mùa màng thắng lợi. Họ quan niệm, dụng cụ lao động cũng giống như con người, cũng cần nghỉ ngơi thì mới có đủ sức khỏe làm việc.

Ngày Tết, một trong những hoạt động hấp dẫn nhất của người Mông ở Si Ma Cai đó là lễ hội Gầu tào. Hội thường được tổ chức trên một bãi đất rộng, bằng phẳng. Từ sáng sớm, những cô gái Mông váy đỏ, váy xanh sặc sỡ, da trắng hồng, mắt đen láy đã tung tăng đến hội xem ném còn, đu tiên, múa giáo, múa sinh tiền, thổi khèn, bắn nỏ, đẩy gậy, hát giao duyên... Các trò chơi thường kéo dài đến hết tháng Giêng.

Là một trong những cô gái Mông có giọng hát hay và lảnh lót nhất bản nên năm nào chị Mai cũng là nhân vật chính trong tiết mục hát giao duyên. Hát giao duyên thường gồm 2 tốp nam nữ, mỗi tốp đứng ở một đầu sân, cách nhau khoảng 40 - 50m. Từng tốp cử ra người hát hay nhất để đối đáp với bạn, những người bên cạnh hò reo, cổ vũ. Nét độc đáo trong hát giao duyên của người Mông là mỗi người cầm một ống tre (chảng sung thản chồ), nối với sợi dây dài bằng khoảng cách giữa hai đầu sân, mỗi bên cầm một đầu rồi hát. âm điệu lời hát vọng vào ống tre nên người ở bên kia dù cách mấy trăm mét vẫn nghe rõ từng lời từng ý.

Tết của người Mông cũng là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu lẫn nhau thông qua trò ném quả vải. Chàng trai ném quả vải về hướng cô gái mình thích, nếu cô gái đó bắt quả vải đồng nghĩa với việc ưng thuận. cô gái cũng có thể làm ngược lại. Nhiều đôi trai gái trong bản nhờ đó đã nên vợ, nên chồng.

Đặc biệt, đồng bào ở đây rất mến khách, họ quan niệm rằng, ngày Tết có ai đến chơi thì cả năm sẽ gặp may mắn nên đón tiếp rất chu đáo. Khi ra về, họ còn tặng 2 chiếc bánh dày làm quà.

http://www.kinhtenongthon.com.vn

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(132 trang)
w