VẺ ĐẸP NGƯỜI PHỤ NỮ TÀY NGHĨA ĐÔ QUA CA DAO, TỤC NGỮ Nguyễn Thế Lượng

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 47)

Nguyễn Thế Lượng

Không biết tự bao giờ, người Tày ở Nghĩa Đô (Bảo Yên) đã ở vùng đất như lòng chảo giữa dải núi rừng trập trùng. Cũng không biết từ bao giờ, Người Tày ở Nghĩa Đô sáng tác và lưu truyền những câu ca dao, tục ngữ mộc mạc như tấm lòng của người Tày vậy. Có lẽ nhìn bề ngoài của kho tàng văn hóa dân gian như một "trầm tích" còn cất giữ trong đó bao điều bí ẩn thì khó lòng nắm được cái hay và những giá trị lâu đời của kho tàng văn hóa ấy. Vậy mà bất chợt chỉ một lần nghe khi đi qua đám cưới của đồng bào Tày, được nghe một câu hát của bà cụ năm nay đã ngoài 80, tôi mới có cơ hội được khám phá kho "trầm tích" dân gian mà dường như còn nguyên giá trị.

Bà cụ ngồi cạnh bếp lửa, xung quanh là những thiếu nữ Tày mới mười tám, đôi mươi đang chăm chú nghe. Lời kể của bà cụ mộc mạc, giản đơn nghe mà dễ hiểu, dễ nhớ. Cụ nói: "Ngày xưa, người dân Tày nói về vẻ đẹp của người phụ nữ Tày đơn giản lắm vì người Tày không nói được hay và cầu kỳ đâu". Cụ dẫn ra ngay câu ca dao về vẻ đẹp của cô gái Tày Nghĩa Đô:

"Phụ nữ là lá, là hoa

Là sao đêm sáng, là bầu trời xanh"

Nếu như ca dao, tục ngữ Việt Nam có nhiều cách nói ví von để ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa, thì đồng bào Tày Nghĩa Đô cũng có cách ví von về vẻ đẹp về người phụ nữ của dân tộc mình. Nhưng cách nói của người Tày nơi đây có sự mộc mạc đến giản dị trong tư duy, cách nghĩ và cách quan sát của họ. Ví von phụ nữ Tày như "lá", như "hoa", như "sao", như "bầu trời xanh" là cách miêu tả tuy đơn sơ nhưng mang đến vẻ đẹp giản dị, trong sáng. Vẻ đẹp ấy hòa lẫn với vẻ đẹp của thiên nhiên là cách nói rất phù hợp với cuộc sống và môi trường nơi cư trú của người Tày nơi đây.

Đi vào miêu tả chi tiết vẻ đẹp hình thể của người thiếu nữ Tày, bà cụ lại kể tiếp bằng việc đọc tiếp một câu khác:

"Con gái má lúm đồng tiền Chân trắng bẹ chuối bóc Tay thuôn bóc măng mọc Nhiều trai làng chết lăn".

Đã nói về phụ nữ, người ta không thể không nói về đôi má, đôi bàn tay, rồi bàn chân... Đây là quan niệm rất thật của người dân Tày vùng Nghĩa Đô, nói chẳng có chút văn chương bác học theo quan niệm thẩm mỹ của nhiều người, nhưng lại là cách nói để khẳng định chuẩn mực về vẻ đẹp người phụ nữ. Là con gái thì phải "má lúm đồng tiền" mới xinh, là con gái Tày chân phải trắng như "bẹ chuối" mới bóc, tay phải thuôn như "búp măng" trên rừng già... Vẻ đẹp ấy không có gì xa vời mà được hình thành trong tư duy của người dân qua chính những gì họ nhìn thấy qua chính công việc lao động vất vả.

Kể đến đây, bà cụ cầm cây củi dụi vào bếp cho lửa cháy to hơn rồi nhìn đám con gái một lượt, cụ đọc tiếp:

Má ửng hồng bồ quân Chân dong dỏng duyên dáng

Tóc uấn dáng duôi gà Mắt liếc mòn đá suối"

Duyên dáng, eo thon và vẻ tràn đầy sức sống trên khuân mặt thiếu nữ Tày được bộc lộ. Thông thường, người ta khen cô gái là rất đẹp, đẹp lắm, nhìn thấy một lần là nhớ mãi, hoặc đẹp thế này, hoặc đẹp thế kia... người Tày Nghĩa Đô từ đời xưa chỉ có mấy câu giản dị vậy thôi nhưng đã nói lên cái đẹp về hình thể, dáng đi, sự hiền hòa toát lên từ cái ửng hồng của khuôn mặt các cô gái miền sơn cước. Người thiếu nữ Tày cũng biết làm duyên, làm dáng qua mớ tóc "đuôi gà", "má ửng hồng" như "quả bồ quân" mới chín là tín hiệu của cô gái đã trưởng thành, eo của cô gái Tày nơi đây không phải là "thắt đáy lưng ong" như cách nói của người Kinh mà là "thắt đáy con mạ" mới là người phụ nữ vừa đẹp vừa chăm chỉ, vừa khỏe khoắn. Và đôi mắt của người thiếu nữ Tày trong câu tục ngữ "mắt liếc mòn đá suối" đã để lại ấn tượng sâu đậm. Cách nói quá này đã góp phần miêu tả đôi mắt của người thiếu nữ Tày vừa trong như nước suối, lại vừa sắc sảo có thể làm say đắm những chàng trai trong bản từ phương xa đến. Thế mới biết người thiếu nữ Tày Nghĩa Đô không chỉ đẹp, không chỉ duyên dáng mà còn sắc sảo và khỏe khoắn trong quan niệm hết sức mộc mạc và giản dị của người Tày.

Đang kể, bà cụ bỗng cất lên một lời ru bằng tiếng Tày. Cụ nói: "Người phụ nữ Tày không chỉ đẹp đâu nhé mà còn biết cả hát ru nữa đấy". Qua lời kể của bà cụ, mới biết được rằng người phụ nữ Tày Nghĩa Đô không chỉ đẹp ở hình dáng bên ngoài mà họ còn đẹp bằng ở phẩm chất bên trong, mà vẻ đẹp ấy đi liền với lời hát ru con mà bất kỳ người phụ nữ ở dân tộc nào cũng có. Đó là vẻ đẹp của tình mẫu tử, chắt chiu từ cuộc sống lao động vất vả và "chưng cất" thành lời ru:

"Ngủ ngon, bé ngủ cho ngon

Ngủ chờ mẹ thả gà lên rẫy cũ sườn non Mẹ thả con vịt xuống cánh đồng ốc hến

Gà ăn thóc vãi no béo mập Vịt ăn tép, ốc béo đầy bầu Lấy về mổ thịt cho con ăn"

Có lời ru nào mà mộc mạc đến vậy, dù chẳng có "gió mùa thu", "thức đủ năm canh", dù chẳng "lên núi rửa bành con voi", song lời ru của người mẹ Tày Nghĩa Đô thả gà, thả con vịt con, cho gà ăn thóc, toàn là những công việc lao động hàng ngày gắn với người phụ nữ, qua lời ru, những công việc ấy như in sâu vào trong giác ngủ của những em bé Tày và tâm hồn chúng được lớn lên từ đó. Rồi ngay cả cái dáng địu con (một phong tục của người Tày Nghĩa Đô) cũng được người phụ nữ đưa vào lời ru:

"Chín tháng mẹ địu con ngày trước Năm năm mẹ cõng con trên lưng

Đằng trước địu bằng da Đằng sau địu bằng vải"

Thời gian là chín tháng, là 5 năm nuôi dưỡng con bằng tấm địu như in dấu tình mẫu tử, sự chăm bẫm của người mẹ Tày đối với đứa con thơ. Ngay cả trong sâu thẳm tâm hồn người phụ nữ Tày nơi đây, sự hi sinh, sẵn sàng nhịn đói, mặc rách để dành cả tình thương cho con là một trong những phẩm chất ẩn sâu trong trái tim người phụ nữ Tày. Những câu nói giản dị, chân thật mà dường như không thể thật hơn được nữa đã nói lên cả sự hi sinh.

"Mẹ mặc rách, mặc nát Mong cho con có bát cơm đầy Mong cho con mặc đẹp bằng chúng bạn"

Cứ như thế, qua lời kể của bà cụ bằng những câu ca dao, tục ngữ của người Tày được lưu truyền bằng phương thức truyền miệng đã làm toát lên vẻ đẹp tiềm ẩn của người phụ nữ Tày vùng Nghĩa Đô. Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng người phụ nữ Tày Nghĩa Đô từ bao đời nay vẫn giữ được nguyên vẻ đẹp. Sự tần tảo, chịu thương chịu khó, tấm lòng yêu thương chồng con, cho đến vẻ đẹp hình thể được người Tày ca tụng như được cất lên từ nhạc điệu của tâm hồn người dân nơi đây. Nhạc điệu ấy được thoát thai từ chính cuộc sống mưu sinh trải dài theo năm tháng nơi những bản làng mờ sương của vùng đất Nghĩa Đô.

Đêm đã về rất khuya, bà cụ và đám con gái trong bản vẫn còn ngồi bên bếp lửa, bà cụ thôi không kể nữa, đám con gái ngồi im như để chiêm ngưỡng và thưởng thức món ăn tinh thần từ bao đời nay của Nghĩa Đô, ngọn lửa bên bếp thì đang cháy bùng lên làm sáng cả không gian của căn nhà sàn...

Lào Cai cuối tuần. - 2009. - Số 233. - Ngày 12/12. - Tr. 4

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(132 trang)
w