NÉT ĐẸP TRONG LỄ HỘI LỒNG TỒNG, CÁC ĐIỆU XÒE TRUYỀN THỐNG CỦA VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC TÀY

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 32)

TRUYỀN THỐNG CỦA VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC TÀY

Ngọc Thuỷ

Nói đến văn hóa du lịch Bắc Hà, phải nhắc tới vùng văn hóa đồng bào Tày xã Tả Chải và Na Hối nổi tiếng với lễ hội lồng tồng và những điệu xòe sôi động, độc đáo, tinh tế mang đậm nét văn hóa dân tộc vùng cao. Trong những năm qua, các điệu xoè đã được quan tâm bảo tồn, phát triển và đã trở thành nét văn hoá truyền thống cũng như là thế mạnh để Bắc Hà khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

Để tìm hiểu về những nét đẹp văn hoá trong các điệu xoè truyền thống và lễ hội xuống đồng của đồng bào dân tộc Tày, trong những ngày đầu xuân chúng tôi tới thăm gia đình ông Vàng Văn Xương thôn Na Hối Tày xã Na Hối.

Là người con sinh ra và lớn lên ngay chính mảnh đất quê hương, cùng với niềm say mê những làn điệu xoè truyền thống. Ông đã có nhiều cống hiến cho việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển các điệu xoè quê hương. Trong nhiều năm qua với cương vị chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã, ông có điều kiện để tìm hiểu về nét đẹp văn hoá truyền thống trong các làn điệu xoè của dân tộc mình. Dẫn chúng tôi tới thăm các bản làng của xã, ông cho biết: Sự ra đời của lễ hội Lồng Tồng và các điệu xoè không biết ra đời từ bao giờ: Chỉ biết rằng, tương truyền từ ngày

xưa ở xã Tà Chải và Na Hối bây giờ có rất nhiều người sinh sống và làm nghề nông... Thế rồi vào năm nọ, cây lúa lớn lên cứ lép trắng bông, còn ngô thì không được thu hoạch. Không ít người đã bỏ đất này đi nơi khác, còn người Tày vẫn không muốn rời xa làng bản thân yêu của mình. Họ đã cùng nhau góp một mâm cơm để cúng thần linh, cầu được qua thiên tai, dịch bệnh, để mùa màng được bội thu... Chẳng biết có phải lời cầu xin của dân làng linh ứng tới các vị thần hay không, mà mùa sau lúa ngô đầy nhà, quả sai trĩu cành. Người dân mở hội ăn mừng, khi tiếng chim, tiếng trống và tiếng kèn Pí Lè vang lên rộn rã trong không khí tưng bừng, náo nhiệt, thì không ai bảo ai cùng nắm tay nhau thành vòng tròn, nhảy múa, và họ bật lên câu hát:

Xoè... xoè... Cây lúa thành bông Xoè... xoè... Cây ngô thành bắp

Xoè... xoè... Trai gái thành đôi

Và lễ hội lồng tồng cùng các làn điệu xoè của người Tày ra đời từ đó. Cho đến bây giờ, Lễ hội lồng tồng là lễ hội lớn nhất của đồng bào Tày ở Tà Chải và Na Hối. Ðây là lễ hội cúng thần nông của đồng bào. Trong ngày hội, phần lễ tương đối đơn giản. Giữa bãi rộng, người ta dựng một cây nêu bằng cây bương to, có gắn một vòng tròn dán giấy đỏ (biểu tượng mặt trời). Dưới chân cây nêu là những mâm lễ của làng và của các gia đình thành kính dâng lên cúng thần, báo cáo thành quả trong một năm lao động sản xuất, cảm ơn thần nông đã phù hộ, mời thần về dự hội với con cháu... cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi... Về mặt hình thức, các mâm lễ không bắt buộc phải có sơ hào hải vị, nhưng bắt buộc mỗi thôn phải có mâm lễ riêng của thôn mình. Mỗi mâm lễ cúng thường có xôi ngũ sắc, bỏng ngô, một con lợn con hoặc một thủ lợn... tuỳ vào lòng thành và điều kiện của thôn để dâng lên cúng thần. Điều đặc biệt trong ngày lễ, thầy cúng phải là người có uy tín trong bản, biết bài cúng và gia đình trong năm trước phải làm ăn phát đạt, không có điều tiếng... Sau lễ cầu khấn, ông chủ lễ hội gióng lên hồi chiêng bắt đầu phần hội. Lễ hội Lồng tồng được tổ chức hằng năm đều tạo nên những mục đích, ý nghĩa thiết thực đối với vùng đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn huyện.

Sau phần lễ, các hoạt động của phần Hội được diễn ra sôi nổi, đầu tiên là trò chơi ném còn thu hút đông đảo mọi người tham gia. Quả còn được làm bằng vải, buộc nơ, trang trí, thêu rất đẹp. Ai cũng có quyền được ném còn, ai ném trúng được thưởng quà lưu niệm. Sau đó diễn ra cuộc thi ném còn giữa các đội ở các thôn bản. Ở trò chơi này, theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tày, quả còn khi được ném qua vòng sẽ đem lại may mắn cả năm cho người dân trong xã. Bên cạnh trò chơi ném còn, lễ hội còn diễn ra các trò chơi như dân gian như đu quay, đẩy gậy giữa các đội của các thôn. Tiếp đó là hội diễn văn nghệ, các đoàn văn nghệ của các thôn mang đến lễ hội những tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất và được chuẩn bị rất công phu. Các điệu múa Tày, múa xuống đồng, múa địu, múa gieo hạt, múa thu hoạch, múa lên nương... thể hiện những nét uyển chuyển, quyến rũ. Ngày nay, bên cạnh các tiết mục văn nghệ dân gian, các đội còn hát những bài hát ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới, đặc biệt là những bài hát giao duyên thể hiện tình yêu lứa đôi. Trong lễ hội, trai gái gặp

nhau làm quen, tìm hiểu, thử tài nhau qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ, sau đó tỏ tình, hẹn hò trong các buổi chợ phiên...

Một hoạt động không thể thiếu trong ngày hội Xuống đồng là tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, nam nữ đều hoà mình vào những điệu xoè truyền thống trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn pí lè rộn rã. Người Tày Bắc Hà quan niệm rằng: ...Không xoè cây lúa không thành bông / Không xoè cây ngô không ra bắp / Không xoè trai gái không thành đôi...Trong phút thăng hoa của vũ điệu truyền thống, cái rụt rè, ngượng ngập thường ngày biến mất, mọi người ào vào vòng xoè tìm bạn. Tay trong tay, mắt trong mắt, từ một vòng xoè rồi phá ra thành hai, ba vòng, hết điệu cấy lúa, gặt lúa, thổi cơm sang điệu hái mận, hái đào, tìm bạn, giã bạn... Kết thúc lễ hội vào buổi hoàng hôn là hội đại xòe, sau khi đốt một đống lửa to, tất cả mọi người tay nắm chặt tay hòa mình vào điệu xòe.

Khác với các điệu múa khác, xoè Bắc Hà là một loại hình dân vũ phản ánh phong tục,tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào Tày nới đây. Để cổ vũ tinh thần cho bà con nhân dân có khí thế bắt tay vào vụ mới luôn dồi dào sức khoẻ, gặp nhiều may mắn và thu hoạch mùa màng thắng lợi. Mở màn cho bài xoè là điệu xoè Chính. Tiếp đến là điệu đập lúa, ý nói những đồng lúa vàng óng ả, hạt mẩy như ong, chỉ chờ những bàn tay khoẻ mạnh của chàng trai tài cùng những cô gái đảm đang thu hoạch . Vì thế, vòng xoè phải dồn dập, náo nhiệt như thúc dục mọi người đi gặt lúa, gánh thóc về nhà, nhịp điệu vòng xoè khẩn trương hơn. Tiếp theo là điệu xoè “đón xuân”của các chàng trai cô gái, vòng xoè lúc này rộng ra và nhịp điệu gấp gáp hơn. Từng đôi, từng đôi, dắt tay nhau đi trong nhịp xoè rộn rã tiếng chiêng và kèn pí lè. Mắt trong mắt, tay trong tay, họ không muốn rời nhau. Đó chính là điệu xoè mò cá - vòng xoè này cứ đều đều xoay tròn khi chụm vào, khi tan ra, như lời thủ thỉ của chàng trai, còn cô gái dẫu biết là nhận lời nhưng vẫn ra vẻ thẹn thùng, e ngại với điệu nguẩy lưng. Lúc vòng xoè được nới rộng ra, người con gái ý nhị đập tay vào lưng người con trai mình mến, như nhắn gửi, anh đừng quên đường vào mùa xoè năm sau nhé. Hiện nay, Xoè không chỉ rừng lại ở năm điệu xoè gốc mà nó còn phát triển phong phú, đa dạng hơn như điệu xoè cờ (cầm cờ), diễn tả hình ảnh nhân dân đón mừng bộ đội về làng trong niềm vui giải phóng, rồi các loại xoè trong ngày lễ hội khác như xoè nón, xoè khăn, xoè quạt...

Lễ hội lồng tồng của đồng bào Tày được tổ chức đều đặn vào ngày rằm hằng năm đã tạo ra sân chơi vui vẻ, lành mạnh, ý nghĩa vào dịp Tết, quảng bá văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giúp mọi người hướng về cội nguồn dân tộc. Lễ hội đã trở thành điểm nhấn văn hóa hấp dẫn khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu nét đẹp văn hóa của lễ hội vùng cao. Bên cạnh đó, các điệu xoè còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng, thể hiện bản sắc dân tộc độc đáo. Vì vậy, Xoè Bắc Hà là một trong những di sản văn hoá đang được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Khách quốc tế đến với Bắc Hà rất thích được tham gia, thưởng thức và tìm hiểu về nguồn gốc của vũ điệu này.

Cùng với việc thực hiện đề án phát triển du lịch đoạn 2005 - 2010. Xoè Bắc Hà được huyện xác định là một trong những mục tiêu cần bảo tồn và phát triển để thu hút du khách đến với Bắc Hà. Bên cạnh đó, nét đẹp trong các làn điệu xoè truyền thống đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng được lựa chọn biểu diễn trong các hoạt động lớn của huyện. Với mục tiêu phát triển du lịch theo hướng khai thác các lợi thế, trong đó chú trọng vào phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Thời gian qua cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan chuyên môn của huyện đã và đang có những biện pháp tích cực trong việc gìn giữ, phát triển lễ hội và các điệu xoè truyền thống. Có thể khẳng định, với những hoạt động phong phú, hấp dẫn, lòng mến khách của đồng bào các dân Tày cùng với những nét đẹp trong lễ hội Lồng tồng, nét đẹp trong điệu xoè truyền thống đã góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách và các nhà đầu tư đến với Bắc Hà.

Theo egov.laocai.gov.vn

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(132 trang)
w