PHẦN II DI TÍCH VÀ DANH THẮNG
TỪ CỬA NGÕ BẢO YÊN ĐẾN "VIÊN NGỌC" SAPA
Lào Cai - "Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" tự hào với vị thế cửa ngõ phía Bắc, là điểm đến của nhiều khách du lịch. Lâu nay, du khách vẫn quen tuyến du lịch từ Hà Nội lên Lào Cai, vào Sa Pa, nhưng có một tuyến du lịch mới từ Bảo Yên vòng sang Hà Giang, về Bắc Hà, lên Si Ma Cai, Mường Khương, ngược Bát Xát tới Sa Pa rất đẹp đang đón chào.
Vốn nổi tiếng với địa danh đền Bảo Hà - điểm du lịch tâm linh, mảnh đất Bảo Yên - cửa ngõ của Lào Cai còn nhiều điểm, tuyến du lịch hấp dẫn. Từ Hà Nội đến Bảo Yên bằng đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đường bộ theo quốc lộ 70 đã hoàn thành nâng cấp (sau này này sẽ có thêm đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai), du khách tới vùng cửa ngõ của tỉnh Lào Cai. Bên cạnh đền Bảo Hà luôn
thu hút khách thập phương, huyện Bảo Yên còn có những điểm du lịch: đền Phúc Khánh, di tích chiến thắng Phố Ràng, thành cổ Nghị Lang, những bản làng của đồng bào dân tộc mang đậm văn hóa truyền thống. Nổi bật là vùng đồng bào Tày Nghĩa Đô. Từ thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên), du khách theo quốc lộ 279 gần 30 km là tới vùng đồng bào Tày Nghĩa Đô. Những mái nhà sàn ẩn hiện dưới tán rừng cọ, bên cánh đồng lúa bằng phẳng chạy hút chân núi. Tới đây, du khách được đắm mình trong sắc màu văn hóa riêng với những làn điệu dân ca, dân vũ êm đềm, sâu lắng; được thưởng thức thú vui ẩm thực từ món vịt lam, cá suối, cơm lam, nem măng đắng, ếch đá... hiếm nơi có được. Người Tày Nghĩa Đô luôn rộng lòng hiếu khách, để lại ấn tượng cho ai một lần đến.
Tiếp tục hành trình trên tuyến quốc lộ 279 đưa du khách sang huyện Quang Bình, Bắc Quang, rồi Xín Mần của tỉnh Hà Giang. Những bản làng thấp thoáng lưng đèo, men theo cung đường uốn lượn. Mọi người được xem những chàng trai, cô gái các dân tộc thể hiện tài giã bánh dày, đan xoỏng, dệt thổ cẩm, gói bánh. Du khách chắc chắn thấy hấp dẫn với văn hóa đậm chất sắc tộc người vùng cao; lễ cưới người Dao, nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn; lễ hội cúng thần đá và sinh hoạt văn hóa dân gian của người Nùng Xín Mần...
Lào Cai tiếp tục đón du khách tại Tả Củ Tỷ, Bản Già, Lùng Phình thuộc địa phận huyện Bắc Hà theo quốc lộ 4D. Vùng "cao nguyên trắng" có khí hậu trong lành, vẻ đẹp núi rừng nguyên sơ, với tình người nồng ấm. Mùa xuân hoa mận trắng rừng, mùa hại dịu mát, nhưng sôi động với những lễ hội; đền Bắc Hà, thể thao đua ngựa, lễ hội sông Chảy... Du khách được thưởng thức vị mận Tam hoa, rượu ngô, thắng cố ngựa; được thăm chợ văn hóa Bắc Hà, làng nghề - làng du lịch Bản Phố, nơi sản xuất rượu nổi tiếng; đắm mình trong nhịp xòe Tà Chải. Hay kia, dinh thự Hoàng A Tưởng, đền Trung Đô, thắng cảnh Hang Tiên, núi Cô Tiên, chợ Lùng Phình mỗi tuần họp một phiên vào ngày chủ nhật. Những sắc màu văn hóa đa dạng cứ miệt mài theo mỗi bước chân du khách.
Từ Bắc Hà vượt hơn 20 km, du khách đến phiên chợ Cán Cấu (họp thứ 7 hàng tuần), chợ Si Ma Cai (họp chủ nhật), chợ Sín Chéng (họp thứ 4)... Cuộc sống nhân dân phần nào được phản ánh rõ nét qua những phiên chợ. Sắc màu thổ cẩm, hàng nông sản tự cung của đồng bào các dân tộc và ngày nay thêm sự hiện diện của đời sống hiện đại làm cho mỗi phiên chợ phong phú, nhưng vẫn giữ nếp truyền thống vùng cao. Huyện Si Ma Cai có vẻ quyến rũ của cô gái đẹp như bông hoa rừng cứ lặng lẽ dâng hiến cho mùa. Sắc màu văn hóa các dân tộc; Mông, Nùng, Phù Lá... luôn muốn níu giữ chân du khách.
Rời Si Ma Cai vượt qua cầu sông Chảy, du khách sang Mường Khương (vùng đất thép) có địa danh Tả Gia Khâu được ví như "Trường Sa trên cạn". Những phiên chợ: Pha Long (họp vào thứ 7), chợ Mường Khương (họp chủ nhật), rồi chợ Cao Sơn, Lùng Vai, Bản Lầu... thấm đậm sắc vùng cao. Mường Khương còn những hang động, thác nước, đỉnh núi mang vẻ đẹp quyến rũ: Hàm Rồng, Văng Đeng, Tà Lâm, Páo Tủng, Cô Tiên... Hơn thế, đến Mường Khương, du khách được đắm mình trong truyền thống văn hóa các dân tộc ít người, nhất là những tộc người tập trung sinh sống ở đây: Pa Dí, Nùng, Tu Dí - Bố Y, Thu Lao... Những lễ hội truyền thống, những tập tục hay của đồng bào địa phương:
Tết 23/6 của người Pa Dí; cúng rừng của người Nùng; Gầu Tào của người Mông... Mường Khương từ lâu nổi tiếng với những đặc sản có thương hiệu: gạo Séng Cù, tương ớt, mận hậu Cao Sơn, chè...
Một điều đặc biệt là đến vùng cao Lào Cai, du khách được thưởng thức ẩm thực phong thú, trong đó phái kể đến món thắng cố, xôi màu, lợn cắp nách, rượu địa phương, phở chua, lạp xườn... Và nghĩa tình, trong men rượu, du khách tiếp tục cuộc hành trình.
Tới thành phố Lào Cai, một thành phố hiện đại kiêu hãnh soi bóng dòng Nậm Thi trong xanh và sông Hồng đỏ nặng phù sa. Đền Thượng bên bờ Nậm Thi uy nghi, linh thiêng, là nơi thờ Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo. Đền Mẫu và cửa khẩu Quốc tế Lào Cai là điểm đến mà du khách không thể bỏ qua. Đây còn là ngã ba sông Nậm Thi và sông Hồng giao duyên, viết lên bản tình ca vùng biên giới, luôn sôi động khách du lịch qua lại hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Góp thêm điểm du lịch, thành phố tự hào có nhiều di tích lịch sử - văn hóa truyền thống và hiện đại: đền Cấm, pháo đài Lào Cai, khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường, các cụm công nghiệp, Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành dần sôi động, mang lại dáng vóc cho thành phố trẻ.
Vượt hơn chục km, du khách tới huyện Bát Xát, nơi dòng sông Hồng chở phù sa vào đất Việt. Du khách hòa mình vào thiên nhiên vùng cao Y Tý, Dền Sáng, vào những lễ hội: Khu Già Già, Gặt Tu Tu của người Hà Nhì, cúng rừng của người Mông, Róong Pọoc của người Giáy... Đặc biệt, hang động Mường Vi lung linh huyền thoại với những hang động: Ná Rin, Cám Rang, Cám Rúm, Cám Tẳm cảnh đẹp sơn thủy hữu tình; chợ Mường Hum phong phú vật sản vùng cao; suối tình Dền Sáng thu hút đủ lớp người trẻ, già. Bây giờ, trên đất Bát Xát còn nuôi được cá Hồi nước lạnh, mở ra hướng làm giàu và thu hút khách du lịch. Theo tỉnh lộ 155, từ Bản Xèo, du khách xuyên sang đèo Ô Quý Hồ (Sa Pa) để có cơ hội ngắm phong cảnh núi Ngũ Chỉ Sơn cao 3.090 m (cao thứ 2 sau đỉnh Phan Xi Păng). Đứng lẫn trong mây bay, sương bảng lảng, du khách thỏa tầm ngắm đỉnh Phan Xi Păng - nóc nhà Đông Dương ẩn hiện, vườn Quốc gia Hoàng Liên phong phú chủng loại động vật, thực vật; thị trấn Sa Pa thỉnh thoảng lẫn vào sương giăng giăng. Sa Pa "nơi gặp gỡ đất trời", là "chuỗi ngọc trời cho" luôn hấp dẫn du khách. Muốn ngắm cảnh đẹp hãy đến khu du lịch Hàm Rồng, Thác Bạc, bãi đá cổ... Muốn khám phá bản làng và nét đẹp văn hóa các dân tộc hãy đến làng du lịch sinh thái Tả Van, tả Phìn, Nậm Cang... Du khách ưa thể thao mạo hiểm có thể leo núi chinh phụ đỉnh Phan Xi Păng xuyên qua những cánh rừng già. Từ lâu, Sa Pa là vùng du lịch nổi tiếng, nơi có chợ tình tối thứ 7 hàng tuần, có lễ hội trên mây rộn ràng và ruộng bậc thang lọt vào "top 7" kỳ vỹ nhất thế giới...
Tuyến du lịch Lào Cai - Hà Giang hội tụ các yếu tố phát triển bền vững: du lịch văn hóa, sinh thái, lễ hội, nghỉ dưỡng, mạo hiểm... hy vọng sẽ thu hút du khách gần xa tới thưởng thức, khám phá.
P.V Lào Cai cuối tuần. - 2009. - Số 233. - Ngày 12/12. - Tr. 8: 3