PHẦN II DI TÍCH VÀ DANH THẮNG
THUỐC TẮM THẦN DƯỢC CỦA NGƯỜI DAO ĐỎ
Leo núi, băng rừng hái thuốc, bà Lý Mẩy Chạn, cùng nhiều người phụ nữ khác tại bản Tả Phìn - huyện Sa Pa (Lào Cai) đang bảo tồn và phát triển các bài thuốc tắm - vẫn được coi là “thần dược” của dân tộc Dao đỏ.
Bí quyết giữ nghề gia truyền
Bà Lý Mấy Chạn cho biết, trong ngôn ngữ người Dao đỏ, thuốc tắm có nghĩa là “Đia dảo xin”. Khác với một số vùng, đàn ông trực tiếp đi lấy và chế biến thì ở đồng bào Dao đỏ, phụ nữ là người đảm nhiệm công việc này. “Lý do đơn giản vì chúng tôi biết rõ về nơi có cây thuốc mọc, thời gian mọc, các kiêng kỵ cũng như công dụng của từng loại thảo dược”, bà Mẩy Chạn cho biết.
Cũng theo bà Mẩy Chạn, khi còn nhỏ, các bé gái đã được cho đi theo lấy thuốc để hiểu biết về các loài cây thuốc cũng như các kinh nghiệm liên quan. Một trong nhiều “bí quyết” để giữ nghề gia truyền được bà Chạn “bật mí” là tuân thủ nghiêm ngặt các kiêng kỵ khi lấy, chế biến thuốc và điều trị.
Đồng bào Dao đỏ quan niệm, khi đi lấy thuốc, nếu bước chân ra cửa gặp người con trai, rắn hoặc kiến bò qua đường là may mắn, khả năng chữa khỏi bệnh sẽ cao; khi đến nhờ thầy lấy thuốc mà ông thầy nằm trên gường thì khả năng khỏi bệnh sẽ hạn chế. Thời gian hái thuốc cũng rất quan trọng. Những ngày được người Dao đỏ cho là tốt là ngày mùng 8, 18, 28 của tháng 8 (tính theo âm lịch). Trong thời gian này, đi hái thuốc sẽ gặp được nhiều cây thuốc quý, tác dụng chữa bệnh của thuốc cũng sẽ công hiệu hơn.
Một yêu cầu không thể thiếu để có bài thuốc tốt nhất là sự kết hợp tính năng của các loại cây thuốc với nhau cũng như bảo quản và chế biến thuốc. Sau khi có đủ các vị, thuốc được cho vào nồi lớn có dung tích khoảng 40-50 lít nước, đun sôi trong khoảng 1 giờ. Sau khi nồi thuốc được nước (tùy theo kinh nghiệm của từng người), nước thuốc sẽ được múc hết ra một nồi khác để tiếp thêm nước vào nồi đun lần hai. Hai mẻ thuốc sẽ được hoà đều với nhau sau đó và có thể dùng để tắm. “Phải làm thành nhiều công đoạn như vậy là để đảm bảo các vị của thuốc sẽ được chiết ra hết dưới dạng nước và chúng được hoà trộn đều với nhau, từ đó công dụng chữa bệnh sẽ cao”, bà Chạn nói.
Bà Chạn cho biết, hiện nay ngoài thuốc tắm, người Dao đỏ (Sa Pa) còn có thuốc gội đầu và thuốc uống. Mỗi một loại thuốc có vị khác nhau. Đối với thuốc tắm có hai bài chính: Thuốc tắm chữa bệnh và thuốc tắm hồi phục, tăng cường sức khoẻ. Mỗi bài thuốc thông thường có từ 20 cho đến gần 100 loại thảo dược, tuỳ thuộc vào yêu cầu bệnh cần chữa.
Đối với thuốc tắm chữa bệnh: Các loại bệnh như: hậu sản, đau tim, gan, đau nhức cơ, xương, khớp, cảm cúm, ngứa, táo bón, đinh nhọt v.v...có loại thuốc riêng, các loại thuốc này chỉ có số ít người biết cách chữa trị. Thống kê hiện nay tại xã Tả Phìn có khoảng 4 gia đình biết sử dụng thuốc để chữa bệnh, các xã khác hầu như không có. Để biết các ngón nghề trong việc tinh chế và sử dụng các bài thuốc vào việc chữa bệnh, người có nhu cầu đi học phải làm một số nghi lễ đối với thầy dạy.
Đối với thuốc tắm phục hồi và tăng cường sức khoẻ, người lao động nặng nhọc, mệt mỏi, mới ốm dậy sau khi tắm thấy cơ thể nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái, sức khoẻ được hồi phục, ăn nhiều, ngủ tốt. Tuỳ vào sức khoẻ từng người, thời gian tắm có thể từ 15 - 20 phút, người tắm có thể say thuốc, khi đó chỉ cần nghỉ ngơi một chút là hết và say thuốc được coi là hấp thụ thuốc tốt. Theo bà Lý Mẩy Chạn, thuốc tắm có tác dụng đặc biệt đối với phụ nữ sau khi sinh, nhờ thế người phụ nữ dân tộc Dao có thể cõng con lên nương ngay sau khi sinh vài ngày phần lớn là nhờ công dụng của thứ thần dược này.
Nhiều du khách sau những hành trình dài đi bộ, leo núi, hay những chuyến nghỉ tại nhà người dân sau khi được tắm thuốc, đều cảm nhận thấy dường như cơ thể vừa được hấp thụ một loại thần dược, sức khỏe hồi phục nhanh chóng, tinh thần sảng khoái. Nhiều du khách không chỉ tắm mà còn mua về dùng và làm quà.
(Theo Báo Đất Việt)