KHÁM PHÁ TẢ PHÌ N SAPA VÀ THUNG LŨNG HOA HỒNG

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 87)

PHẦN II DI TÍCH VÀ DANH THẮNG

KHÁM PHÁ TẢ PHÌ N SAPA VÀ THUNG LŨNG HOA HỒNG

Đến với Sapa, du khách không nên bỏ qua cơ hội khám phá sinh hoạt văn hóa và nghề truyền thống của người dân tộc Dao đỏ, Mông... ở xã Tả Phìn. Ngoài ra, một điểm đến hấp dẫn khác là khu du lịch sinh thái Vườn Hồng, nằm trong thung lũng Mường Hoa xinh đẹp.

Từ thị trấn Sapa đi về phía Tây Bắc khoảng 12km, Tả Phìn hiện ra nguyên sơ với hang Tả Phìn nổi tiếng, ruộng bậc thang tít tắp, những dòng suối ôm lấy bản làng… Nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Dao đỏ được dàn dựng thành những tiết mục biểu diễn như: nghi lễ cưới, múa “Bai Tram”, múa chuông, hát giao duyên… Trong khi đó, người Mông có lễ ăn thề, cúng giải hạn, cúng làng và đặc biệt là lễ hội Gầu Tào.

Đặc sắc lễ hội và nghề thủ công

Lễ hội có sự tham gia của cả cộng đồng, bắt đầu với việc dựng cây nêu ngày 20 - 25 tháng chạp và ngày hội chính là mồng 3 và mồng 4 tháng giêng để cầu phúc và cầu mùa màng. Du khách có dịp xem và tham gia nhiều trò chơi dân gian như bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, đánh quay…, cũng như thưởng thức

những món ăn truyền thống của người Dao đỏ, người Mông như: thịt hun khói, bánh ngô non, mèn mén…

Ngoài thiên nhiên hoang sơ và lễ hội truyền thống, Tả Phìn hút hồn khách du lịch bằng các nghề thủ công như nhuộm chàm, thêu thổ cẩm, khảm bạc, rèn đúc...

Bà con dân tộc thường trồng chàm vào tháng 2 - 3 âm lịch, đến tháng 5 chặt cả cây cho vào vại lớn ngâm. Vài hôm sau thấy nước chàm ra hết thì vớt bã bỏ đi, cho một bát nước vôi vào vại để thử xem nước chàm đã tốt hay chưa rồi dùng cái chụp đậy lại. Nếu bọt chàm nổi lên rồi vỡ thì nước chàm đã tốt. Lúc đó, đậy kín vại để hai ba hôm cho bột chàm lắng xuống dưới, rồi đổ nước trong đi, thu về keo chàm đặc dẻo như bùn non.

Khi nhuộm, người ta hòa keo chàm với nước ngâm cùng riềng, thục, lá huyết dụ, nhân trần, lá sả và nước tro bếp, rồi cho vải vào nhuộm trong vòng 15 - 20 phút, sau đó đem phơi. Lặp lại quy trình này 5 - 6 lần. Quá trình nhuộm vải mộc thành vải chàm kéo dài hàng tháng trời.

Thêu hoa văn là nghề truyền thống của người Dao đỏ, người Mông. Các bé gái 12 - 13 đã biết thêu thùa. Lớn lên, họ tự may thêu áo cưới cho mình. Do mùa đông lạnh kéo dài nên họ dùng nhiều gam màu nóng (đỏ, vàng...) trên trang phục dân tộc cũng như đồ dệt lưu niệm với các họa tiết phổ biến như cỏ cây, chim muông...

Người Dao đỏ ở làng Tả Chải có nghề khảm bạc khá nổi tiếng. Cư dân Mông, Tày, Thái thường mua đồ trang sức khảm bạc của người Dao đỏ. Sản xuất đồ trang sức bằng bạc trắng gồm các công đoạn: nấu chảy bạc, đổ khuôn tạo hình, đập rèn, chạm khắc hoa văn, chỉnh sửa, đánh bóng. Những cô gái Dao đỏ có nhiều đồ trang sức bằng bạc tinh xảo được cộng đồng đánh giá cao.

Người Dao đỏ, người Mông trong làng còn có nghề rèn đúc (dao, cuốc, xẻng...) và lưu giữ được nhiều bài thuốc nam nổi tiếng. Người Dao đỏ ở Tả Phìn đã xây dựng được thương hiệu thuốc tắm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Hàng chục loại thảo dược được cho vào nước đun sôi liên tục 3- 4 tiếng đồng hồ, tạo ra thứ nước màu nâu đỏ thơm ngào ngạt. Nước được đổ vào thùng gỗ tròn hoặc bồn tắm, pha thêm nước lạnh cho vừa. Người khỏe có thể tắm chừng 30 phút, người yếu nên tắm 15 phút thôi để tránh say lá thuốc. Giá một lượt tắm khoảng 140.000 đồng.

Những nếp nhà sàn mái đá ngũ sắc kết hợp với sắc đỏ quyến rũ của hoa hồng xuất xứ từ nước Pháp xa xôi sẽ khiến du khách đến với khu du lịch sinh thái Vườn Hồng ngỡ ngàng. Với diện tích khoảng 22ha, khu du lịch trồng vô vàn hoa hồng, đào, mận, hồng giòn Mỹ, hạnh nhân Đài Loan... Cả khu có 11 nhà sàn gỗ pơmu và lợp đá tự nhiên, nằm xen kẽ giữa những vườn hoa hồng Pháp trải dài trên các thửa ruộng bậc thang.

Đến với khu du lịch, du khách sẽ được thưởng thức mùi hương của hoa hồng nở vào mỗi sáng. Dọc các lối đi lát đá uốn lượn, hoa hồng nở rộ khiến cả quãng đường trở nên rực rỡ đầy thú vị. Những cây hồng cao, cành lá mập mạp, thẳng tắp dài đến trên một mét với những bông hồng lớn, có những bông thì vừa hé nở, có những bông thì đã vào độ mãn khai…

Một sớm ban mai thức dậy, du khách chợt thấy mình như đang lạc vào vườn cổ tích, ngập tràn hoa hồng long lanh sương. Hương hoa tràn vào phòng, tỏa lan ấm áp, trong khi bên ngoài trời sương mù bảng lảng, mông lung. Dưới kia, bản Mường Hoa trông như tấm vải thổ cẩm xinh đẹp với những ngôi nhà sàn ấm cúng.

Từ thung lũng hoa hồng này, du khách dễ dàng xuất phát tới những điểm tham quan khác của Sapa. Chỉ mất chừng 10 phút đi bộ là tới trung tâm thị trấn để có thể mua quà lưu niệm, nếm quà vặt như trứng nướng, đào, mận... Thêm vài phút bách bộ nữa để mua vé đi thăm khu du lịch Hàm Rồng, vườn lan Đông Dương, Thác Bạc, Cổng Trời, Sân Mây... hoặc tìm hiểu cuộc sống cùng nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng, Xá Phó ở các làng bản xung quanh.

http://www.moitruongdulich.vn

"CHƯƠNG TRÌNH DU LỊCH VỀ CỘI NGUỒN

Một phần của tài liệu Những miền văn hóa du lịch Lào Cai (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(132 trang)
w