Thứ nhất: Công ty không có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề xác định và xây dựng cấu trúc vốn tối ưu
Thật vậy, cấu trúc vốn của Công ty chưa được xác định một cách có cơ sở khoa học. Kết quả phỏng vấn cho thấy Công ty chưa từng xác định cấu trúc vốn mục tiêu (trên cơ sở cấu trúc vốn tối ưu) mà quy mô VCSH và vốn vay dài hạn hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn của Công ty. Khi có nhu cầu đầu tư cần vốn kinh doanh, Công ty sẽ tìm nguồn VCSH trước (thông qua việc tăng vốn Nhà nước, lợi nhuận giữ lại, huy động vốn cổ đông…), sau đó nếu VCSH không đáp ứng đủ thì Công ty sẽ tìm đến ngân hàng để có được các khoản vay.
Mặt khác nhận thức của lãnh đạo Công ty về cấu trúc vốn, về tầm quan trọng trong việc xây dựng cấu trúc vốn tối ưu còn hạn chế. Các lãnh đạo không thấy được ưu điểm của việc vay nợ, của “lá chắn thuế” khi sử dụng nợ vay, họ luôn tìm cách để nhận được vốn từ Nhà nước, coi đây là nguồn vốn “miễn phí” và chỉ bắt đầu đi vay khi nguồn vốn này không đáp ứng được nhu cầu. Từ nhận thức này, dẫn đến Công ty không chủ động xác định cấu trúc vốn tối ưu để từ đó có các phương án và chiến lược huy động đối với từng nguồn vốn. Một mặt không tối đa hóa được giá trị DN từ cấu trúc vốn tối ưu, mặt khác do không chủ động nên cũng rất khó khăn huy động vốn khi phát sinh nhu cầu.
Thứ hai : Chi phí vốn chưa được tính toán đầy đủ
Công ty chưa có quan điểm đầy đủ về chi phí vốn bao gồm chi phí VCSH và chi phí vốn vay. Công ty chỉ tính toán đến khoản chi phí vốn mà Công ty trực tiếp chi trả bằng tiền như lãi vay phải trả cho các khoản vay từ các tổ chức tín dụng và cổ tức phải trả cho các cổ đông. Đối với nguồn vốn của Nhà nước, Công ty vẫn có quan điểm đây là nguồn vốn không phải trả chi phí và như vậy cố gắng xin càng nhiều càng tốt. Đối với phần lợi nhuận giữ lại cũng vậy, Công ty đương nhiên sử dụng nguồn vốn này
như nguồn vốn không chi phí và cố gắng tăng nguồn vốn này thay cho nguồn vốn vay. Như vậy, chi phí VCSH hoàn toàn chưa được xác định theo cơ chế thị trường vì trong nền kinh tế thị trường, Công ty sử dụng vốn bất kỳ từ nguồn nào thì đều phải trả chi phí. Nếu còn tồn tại quan điểm vốn Nhà nước không phải trả chi phí chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng quản lý, sử dụng vốn không hiệu quả, thậm chí có thể chấp nhận các dự án đầu tư, các phương án kinh doanh có tỷ lệ sinh lời thấp hơn chi phí vốn.
Như vậy chính vì có sự sai lầm trong tính toán chi phí vốn của nguồn VCSH và nguồn vốn vay đã dẫn đến sự méo mó trong việc xác định cấu trúc vốn của Công ty, lợi ích của tấm chắn thuế đối với chi phí sử dụng vốn vay không còn nên Công ty không hề có động lực tăng tỷ trọng sử dụng vốn vay trong cấu trúc vốn nhằm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và tối đa hóa giá trị DN.
Thứ ba : Công ty chưa xây dựng được chiến lược huy động vốn, do đó khả năng tiếp cận nguồn vốn vay còn hạn chế chủ yếu là vay từ các Ngân hàng, còn huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, huy động vốn từ thị trường chứng khoán, vay các nhà cung cấp, CBCNV… chưa được phát huy.
Kết luận chương 2
Có thể thấy, trong thời gian qua với lợi thế doanh thu ổn định do kinh doanh sản phẩm độc quyền nên tình hình tài chính và cấu trúc vốn của Công ty có những ưu điểm nổi bật như : tình hình tài chính lành mạnh, khả năng thanh toán tốt, cấu trúc vốn ở mức an toàn; sử dụng vốn vay với mức chi phí hợp lý (mức tương đối thấp so với các DN nói chung trong nền kinh tế); khả năng tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi. Tuy nhiên, thực trạng cấu trúc vốn của Công ty còn nhiều bất cập như: cấu trúc vốn chưa tối ưu với tỷ trọng vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn xấp xỉ 80%; Cơ cấu VCSH chưa hợp lý, VCSH còn phụ thuộc quá nhiều vốn nhà nước.
Chính những thực trạng này, đòi hỏi Công ty phải đi tìm cho mình cấu trúc vốn tối ưu. Tuy nhiên để xác định được tỷ trọng nợ và VSCH như thế nào để có được cấu trúc vốn tối ưu? Đây là một câu hỏi sẽ được làm sáng tỏ ở phần Chương 3 của bản luận văn này.
CHƯƠNG 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM XÂY DỰNG CẤU TRÚC VỐN TỐI ƯU TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN ĐIỆN LỰC
KHÁNH HÒA