Việc áp dụng Hiệp định trị giá GATT/WTO đã tạo bước ngoặt cơ bản cho hệ thống xác định trị giá tính thuế hiện hành ở Việt Nam, một mặt vừa đảm bảo tính công bằng về nghĩa vụ thuế và thực hiện cam kết quốc tế, mặt khác tạo thuận lợi cho các DN hoạt động XK, NK thương mại.
Có 6 phương pháp để xác định hàng hoá NK được quy định tại Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ về việc quy định xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá XK, NK [Phụ lục số 3]; Phương pháp trị giá giao dịch được coi là phương pháp chủ đạo, vì nó là cơ sở cho việc xác định giá tính thuế cho phần lớn các trường hợp hàng hoá NK. Theo phương pháp trị giá giao dịch, giá NK căn cứ vào hóa đơn thương mại và chi phí hợp lý thực tế phát sinh. Cách xác định trị giá giao dịch đã phản ánh một cách khách quan giá tính thuế của hàng NK và loại bỏ những áp đặt về giá mà cơ quan hải quan vẫn thực hiện trước đây qua bảng giá tối thiểu. Từ đó tạo sự chủ động cho DN trong việc xác định trị giá, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và ngành hải quan đẩy mạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính.
Để áp dụng phương pháp trị giá giao dịch, Chi cục Hải quan Ninh Bình đã tích cực hoạt động tham vấn. Tham vấn là một hoạt động nghịêp vụ trong khâu xác định trị giá tính thuế trong quy trình nghiệp vụ hải quan. Tham vấn là việc cơ quan hải quan và người nộp thuế trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế đã kê khai theo yêu cầu của người nộp thuế. Mục đích của tham vấn để xác định tính trung thực của trị giá khai báo của người khai hải quan trước những nghi vấn của cơ quan hải quan và tạo điều kiện cho người khai hải quan cung cấp các tài liệu liên quan chứng minh tính trung thực của trị giá khai báo hoặc buộc họ phải thừa nhận những sai phạm của họ trong khai báo hải quan.
Đối tượng tham vấn ở Chi cục Hải quan Ninh Bình thường là các chủ lô hàng NK có nghi vấn về trị giá khai báo. Khi cơ quan hải quan có nghi vấn về mức giá đối với các mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng quản lý rủi ro về giá do Tổng cục Hải quan quy định hoặc thuộc Danh mục mặt hàng trọng điểm do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Thanh Hoá quyết định có nghi vấn về mức giá khai báo và người khai hải quan đã được cơ quan hải quan thông báo về cơ sở, căn cứ nghi vấn mức giá khai báo, phương pháp, mức giá do cơ quan hải quan xác định nhưng người khai hải quan không thống nhất với mức giá và phương pháp xác định trị giá do cơ quan hải quan xác định thì Chi cục Hải quan Ninh Bình mời chủ hàng đến tham vấn. Ngoài ra, đối tượng tham vấn còn là các mặt hàng mà người XK và người NK có mối quan hệ đặc biệt có thể ảnh hưởng đến trị giá giao dịch hoặc một số nghi vấn khác mà Chi cục Hải quan Ninh Bình đã theo dõi, đúc rút trong thực tế.
Trong những năm qua, tại Chi cục Hải quan Ninh Bình công tác trị giá tính thuế được đặc biệt chú trọng, cơ bản hàng NK được xác định giá tính thuế theo phương pháp trị giá giao dịch
của hàng hoá NK, do vậy đã rút ngắn được thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động XK, NK, nâng cao trách nhiệm khai báo của doanh nghiệp. Chi cục Hải quan Ninh Bình đã triển khai hàng loạt các biện pháp như:
- Tăng cường công tác tuyên truyền để người nộp thuế hiểu và thực hiện các luật thuế mới.
- Lựa chọn cán bộ, công chức có năng lực về công tác trị giá tính thuế để bố trí phù hợp, đã hạn chế tình trạng gian lận thương mại qua giá.
- Đề nghị cấp trên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức các kỹ năng về nghiệp vụ.
- Tổ chức thực hịên tham vấn nhanh trước khi thông quan đối với các lô hàng nhập khẩu có thuế suất cao nhưng DN khai trị giá thấp.
Nhờ tổ chức tốt công tác tham vấn trị giá tính thuế, Chi cục Hải quan Ninh Bình đã thu được những kết quả nhất định, góp phần tăng thu cho NSNN. Cụ thể như đã được nêu trong biểu 2.3:
Bảng 2.3. Số liệu truy thu thu thuế qua tham vấn giá từ năm 2006 - 2011
Stt Năm Số tờ khai qua tham vấn(tờ khai) Số thuế truy thu sau tham vấn (tỷđồng)
1 2006 4 0,15 2 2007 13 0,87 3 2008 124 1,98 4 2009 47 2,72 5 2010 19 3,1 6 2011 68 2,43
Nguồn: Chi cục Hải quan Ninh Bình qua các năm [20]
Bên cạnh những kết quả cao đã đạt được từ khi áp dụng việc xác định trị giá tính thuế hàng NK, thì ngành hải quan nói chung và Chi cục Hải quan Ninh Bình đang phải đối mặt với rất nhiều thủ đoạn gian lận thuế qua trị giá tính thuế. Các hành vi gian lận thường được các DN thực hiện dưới các hình thức sau:
- Dựa vào danh mục dữ liệu giá của cơ quan Hải quan (GTT22) để khai báo trị giá của các lô hàng nhập khẩu giống hệt, tương tự thấp hơn trị giá giao dịch thực tế, sau đó khai thấp dần trị giá khai báo đối với các lô hàng cùng loại, tương tự đã NK trước đó.
- Khai thấp trị giá đối với lô hàng nhập “thử”, tức nhập để thăm dò thái độ của cơ quan hải quan sau đó nhập khẩu ồ ạt liên tục trong một khoảng thời gian ngắn theo mức giá thấp đã
khai báo trước đó và khi cơ quan hải quan chưa kịp xác minh, xử lý, tiến hành thủ tục giải thể DN hoặc bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.
- Thông đồng với nước ngoài giảm giá: Nhiều DN đã thông đồng với đối tác bán hàng để lập hoá đơn, hợp đồng hạ thấp giá trị hàng hoá so với giá trị thực; Khai báo thấp về chất lượng hàng hóa hoặc đánh đồng tên hàng nhưng chất lượng và phẩm cấp thương mại cao hơn; Đặc biệt trong loại hình NK hàng hoá phi mậu dịch, với đặc thù loại hình này là hàng hoá không cần hợp đồng mua bán, việc gian lận về giá diễn ra rất phức tạp, dễ xảy ra móc nối tiêu cực giữa hải quan làm thủ tục và DN. Nhiều DN đã lợi dụng hình thức này để mua gom hàng hoá tại nước ngoài, sau đó tạo công ty giả để làm hợp đồng, hoá đơn hạ thấp trị giá hàng hoá.
- Chia nhỏ linh kiện, phụ tùng của sản phẩm nguyên chiếc để gian lận giá: Lợi dụng chính sách thuế hiện hành thuế suất đối với linh kiện hoặc nguyên liệu NK thấp hơn hàng nguyên chiếc nhập khẩu do vậy thủ đoạn này được thực hiện bằng cách lập nhiều công ty khác nhau hoặc móc nối giữa các công ty với nhau và mỗi công ty nhập khẩu một bộ phận cấu thành của hàng nguyên chiếc về các cửa khẩu khác nhau trong các thời điểm khác nhau để tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan.
Việc áp dụng trị giá tính thế theo GATT đã tạo thuận lợi cho DN chủ động hơn trong kinh doanh, sản xuất. Tuy nhiên, cùng với thuận lợi ấy, nhiều doanh nghiệp lại đang lợi dụng chính sách này để khai báo mức giá giao dịch thấp nhằm giảm số thuế phải nộp…
Hơn nữa, việc gian lận qua giá là một hình thức gian lận phổ biến trong giai đoạn hiện nay. Nhưng việc quản lý của hải quan lại rất khó khăn vì việc tổ chức tham vấn chỉ có thể tập trung ở một số mặt hàng trọng tâm, trọng điểm là hàng hoá có thuế suất cao, kim ngạch lớn, là hàng hoá thuộc luồng vàng và luồng đỏ. Thực tế trên 80% hàng hoá thông quan ở Chi cục Hải quan Ninh Bình có hồ sơ khai thuế thuộc diện luồng xanh là miễn kiểm tra thực tế hàng hoá. Đối tượng này sẽ do lực lượng kiểm tra sau thông quan thực hiện việc kiểm soát.