2 Xem từ bài viết của TS Doãn Hồng Nhung.
1.2.2. Mục đích, ý nghĩa của việc giải quyết tranh chấp đất đa
Tiếp cận, tìm hiểu về hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai cho thấy hoạt động này mang ý nghĩa trên các phương diện cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về khía cạnh chính trị. Với một nước nông nghiệp có khoảng 70% dân số là nông dân như Việt Nam. Đất đai là vấn đề nhạy cảm liên quan đến sự ổn định về chính trị. Đất đai luôn chiếm vị trí trọng yếu trong chủ trường, đường lối, quan điểm của Đảng nhằm lôi kéo, vận động, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân lao động (đặc biệt là nông dân) đi theo Đảng làm cách mạng, đánh đuổi ngoại xâm giành lại ruộng đất. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc bảo đảm cho người trực tiếp sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và làm muối có đất để sản xuất. Việc giải quyết dứt điểm, có hiệu quả các tranh chấp đất đai là một biện pháp để thực hiện chính sách này. Hơn nữa, giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn về đất đai góp phần vào việc duy trì sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định quan hệ xã hội và không tạo ra những "kẽ hở" để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc gây chia rẽ hòng làm mất ổn định chính trị;
Thứ hai, về khía cạnh kinh tế. Tranh chấp đất đai xảy ra gây đình trệ về sản xuất. Điều này có nghĩa là một khu đất xảy ra tranh chấp, con người không thể tiếp tục sử dụng và tiến hành hoạt động sản xuất - kinh doanh một cách bình thường được. Khu đất này buộc phải tạm ngừng việc sử dụng, giữ nguyên hiện trạng để chờ đợi các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Hơn nữa, khi nảy sinh bất đồng, mâu thuẫn, các bên đương sự lao vào một cuộc theo kiện kéo dài với sự đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức… và chi phí vật chất đáng kể. Vì vậy việc giải quyết nhanh chóng, dứt điểm tranh chấp đất đai sẽ giúp người dân tiết kiệm được tiền bạc, chi phí vật chất để tập trung vào phát triển kinh tế; đồng thời giúp xã hội không phải mất nhiều thời gian, công sức… vào việc phán xử các tranh chấp đất đai kéo dài;
Thứ ba, về khía cạnh xã hội. Tranh chấp đất đai để lại những hậu quả nặng nề về mặt xã hội. Nó phá vỡ sự ổn định, đoàn kết trong nội bộ nhân dân
và không chỉ gây sứt mẻ về mặt tình cảm mà còn phát sinh lòng hận thù giữa các bên đương sự. Trong một số trường hợp do bức xúc không kiềm chế được bản thân, các bên tranh chấp đã có những hành động manh động như sử dụng vũ lực, vũ khí để "nói chuyện phải, trái" với nhau. Hậu quả là có người đã bị gây thương tích, tàn phế suốt đời hoặc vĩnh viễn lìa bỏ cuộc sống. Điều này gây ra rất nhiều những tác động tâm lý, tình cảm tiêu cực cho người dân. Việc giải quyết nhanh chóng tranh chấp đất đai sẽ góp phần ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc, ngăn chặn những hành động manh động và góp phần vào việc bảo vệ sự đoàn kết, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp trong nội bộ nhân dân;
Thứ tư, thông qua hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai, các cơ quan quản lý thấy rõ được những bất cập, những tồn tại, hạn chế trong hệ thống chính sách, pháp luật đất đai để kiến nghị Nhà nước nhanh chóng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Hơn nữa, thông qua hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai, kinh nghiệm, kỹ năng và năng lực của đội ngũ cán bộ giải quyết tranh chấp đất đai ngày càng được nâng cao. Hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai còn lôi kéo và phát huy được sự tham gia của các tổ chức quần chúng; các hình thức tự quản cộng động của người dân ở cơ sở;
Mặt khác, hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai góp phần bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật làm tăng sự tin tưởng của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.