Thực trạng chung về giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện Thanh Trì

Một phần của tài liệu Pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai thông qua cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện Thanh Trì - Hà Nội (Trang 61)

3 Trích từ bài viết của PGS.TS Phạm Hữu Nghị

2.2.1.Thực trạng chung về giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện Thanh Trì

bàn huyện Thanh Trì

Qua việc đề cập khái quát về kinh tế - xã hội của huyện Thanh Trì trên đây cho thấy đây là một huyện có mật độ dân cư khá đông, chủ yếu sống bằng

nghề sản xuất nông nghiệp, các vùng nông thôn được hình thành từ lâu đời nay. Khi tiến hành đô thị hóa, các khu vực đô thị, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, các dự án đầu tư phát triển kinh tế đang hình thành và phát triển, cần phải thu hồi, GPMB với diện tích lớn đất ở, đất sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, trình độ quản lý đất đai, kinh tế, thực thi pháp luật… của các cơ quan, tổ chức, chính quyền ở một số cơ sở còn hạn chế. Những tác động trên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình quản lý và SDĐ; ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cộng đồng dân cư với nhau và giữa họ, tộc, gia đình, các cá nhân …. Các tranh chấp đất đai cũng phát sinh theo hướng phức tạp về tính chất, nhiều bức xúc, xuất hiện một số điểm nóng gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh trật tự và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Thống kê từ khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực đến nay, toàn huyện Thanh Trì có 119 vụ tranh chấp đất đai, chiếm 19% so với tổng số đơn thư của công dân đã được giải quyết trên toàn huyện (119/629 vụ). Mặc dù đã có sự chú trọng, luôn đặt công tác giải quyết đơn thư thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo các ngành, các cấp xem xét, xác minh làm rõ nội dung tranh chấp để giải quyết dứt điểm từng vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giải quyết có tình có lý, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên tình trạng tranh chấp vẫn có chiều hướng phức tạp, thời điểm từ năm 2003 đến năm 2007 chủ yếu là tranh chấp liên quan đến ranh giới SDĐ, đòi đất, kiến nghị liên quan đến cấp GCNQSDĐ do quá trình quản lý và SDĐ chưa tốt, dẫn đến những sai lệch giữa hiện trạng và hồ sơ địa chính, gây nên khiếu kiện kéo dài, tập trung chủ yếu ở xã Tả Thanh Oai, Hữu Hòa, Liên Ninh. Một số vụ việc tranh chấp phát sinh từ quá trình đổi đất không cụ thể, không thể hiện đầy đủ bằng các văn bản ở các xã Ngũ Hiệp, Đông Mỹ, Vĩnh Quỳnh nên khó giải quyết, người dân không hợp tác với cơ quan chính quyền trong quá trình giải quyết nhưng lại gửi đơn thư khiếu kiện vượt cấp lên thành phố, các cơ quan báo đài, ở trung ương …Từ năm 2007 đến nay, xuất hiện phổ biến các tranh chấp liên quan đến bồi

thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB giữa cơ quan nhà nước với người SDĐ diễn ra nhiều hơn trước do việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng đường vành đai 3, cấp nước qua xã Thanh Liệt, dự án xây dựng cầu Hữu Hòa... Tìm hiểu thực trạng giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện Thanh Trì cho thấy tồn tại một số dạng tranh chấp đất đai chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, đòi lại đất cũ. Dạng tranh chấp này chiếm 29% so với tổng số đơn thư yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai (35/119 vụ). Tuy không phổ biến nhưng dạng tranh chấp này có tính chất bức xúc kéo dài, bằng mọi cách đòi lại đất cũ có nguồn gốc của cha ông trước đây mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng ổn định trong khi thực hiện chính sách về đất đai; đất cho thuê, mượn để sản xuất, làm nhà ở hoặc nhờ người trông coi mà nay người đó đang trực tiếp sử dụng, các tranh chấp này tập trung tại xã Liên Ninh, Đông Mỹ; Đòi lại đất có nguồn gốc khai hoang; đất vô chủ, đất vắng chủ do Nhà nước quản lý ở xã Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Liên Ninh, Ngũ Hiệp; tranh chấp đòi lại đất, tài sản của nhà thờ, các dòng tu, chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ họ; đất trước đây đã đưa vào HTX, sau đó được giao lại cho người khác sử dụng theo Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993, Nghị định số 85/1999/NĐ-CP ngày 28/8/1999;

Thứ hai, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB, chiếm 12% tổng số đơn (15/119 vụ). Đây là những tranh chấp giữa cơ quan nhà nước với người SDĐ về diện tích, loại đất bồi thường hoặc giá trị bồi thường, hỗ trợ; không thống nhất mốc chỉ giới đường giao thông; không thống nhất với mức giá tại nơi tái định cư (quá cao so với nơi bị thu hồi)… Đặc trưng của loại tranh chấp này có tính phổ biến, phức tạp, tụ tập đông người thành từng đoàn, thường xuyên đến trụ sở tiếp công dân của huyện và các xã (nơi triển khai dự án), thậm chí kéo lên cả các cơ quan thành phố, trung ương hoặc nhà các đồng chí lãnh đạo để "kêu cứu"; hay tập trung nhiều vào kỳ họp Hội đồng nhân dân hoặc Đại hội Đảng các cấp (như vụ khiếu kiện đông người ở khu vực thực hiện dự án đường Quốc lộ 1A, đoạn đi quan thị trấn Văn Điển; dự án xây dựng khu công nghiệp Ngọc Hồi; dự án xây dựng đường vành đai 3, cấp nước

qua xã Thanh Liệt, dự án xây dựng cầu Hữu Hòa…) gây rất nhiều khó khăn cho quá trình các cấp chính quyền và việc triển khai các dự án, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây mất ổn định ở địa phương;

Thứ ba, tranh chấp về quyền SDĐ chiếm 49% (58/119), đây là loại tranh chấp chiếm tỷ lệ lớn nhất, thường xuyên diễn ra trong các năm qua, bao gồm:

- Tranh chấp về ranh giới SDĐ chiếm 39%. Đây là những tranh chấp phát sinh trong quá trình SDĐ, do việc xác định ranh giới trước đây không cụ thể, rõ ràng, hồ sơ địa chính không thể hiện đầy đủ, người SDĐ có hành vi gian dối, lấn chiếm đất không thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình. Đặc biệt là do những thói quen, tập tục sống của người nông dân Việt Nam còn nể nang nhau, không phân định rõ ràng bằng những chứng cứ pháp lý có hiệu lực; đến khi phát sinh mâu thuẫn hoặc thấy giá trị đất đai biến đổi làm nảy sinh tranh chấp. Dạng tranh chấp này phổ biến ở khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện;

- Tranh chấp từ quá trình chuyển nhượng quyền SDĐ chiếm 10%. Hầu hết các tranh chấp này phát sinh từ những năm trước, do các bên chuyển nhượng chưa tiến hành đầy đủ các thủ tục pháp lý cần thiết do tin tưởng nhau hoặc trốn tránh nghĩa vụ thuế, hoặc chưa có đầy đủ giấy tờ hợp pháp cho việc chuyển nhượng; do hành vi gian dối về quyền SDĐ hợp pháp đối với thửa đất được chuyển nhượng; do việc sử dụng sau khi chuyển nhượng,…;

Thứ tư, tranh chấp liên quan đến việc SDĐ thừa kế, SDĐ sau ly hôn chiếm 10% (11/119 vụ), nguyên nhân tranh chấp thường là do người để lại di sản thừa kế không có di chúc, hoặc việc phân chia chưa rõ ràng về ranh giới, do việc tự phân chia tài sản sau ly hôn,… Khác với những vụ việc ở Tòa án, các tranh chấp này thường là do việc chia thừa kế không rõ ràng dẫn đến quá trình sử dụng nảy sinh tranh chấp. Các đương sự không yêu cầu mở thừa kế hay chia tài sản sau ly hôn mà chỉ đề nghị xác định rõ ranh giới đất đã sử dụng thông qua hồ sơ quản lý đất đai của cơ quan quản lý nhà nước;

Những tranh chấp này chiếm số lượng không lớn nhưng kéo dài, khó giải quyết dứt điểm do các bên không thể đi đến sự thỏa thuận chung; việc giải quyết loại tranh chấp này chỉ bằng một văn bản như sự thể hiện sự công nhận của cơ quan hành chính Nhà nước, không có việc phải thi hành án như bản án của Tòa án. Do vậy, các bên chưa thực sự tuân theo mà vẫn tiếp tục tranh chấp dai dẳng.

Một phần của tài liệu Pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai thông qua cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện Thanh Trì - Hà Nội (Trang 61)