3 Trích từ bài viết của PGS.TS Phạm Hữu Nghị
2.3.2. Những hạn chế, tồn tạ
Đất đai là vấn đề phức tạp, đã và đang là điểm nóng, nhức nhối về tình hình khiếu kiện của nhân dân trong các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, diễn ra hầu khắp trên các địa phương của cả nước, chiếm tới 80% các vụ việc khiếu kiện của nhân dân. Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng công tác giải quyết đơn thư, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai nhìn chung hiệu quả chưa cao, chưa đảm bảo kịp thời, không dứt điểm một số vụ việc. Dù đã tạo phần nào sự tin tưởng vào các cấp chính quyền nhưng không đáng kể so với thực trạng hiện nay. Tổ chức và cơ chế giải quyết khiếu kiện thiếu ổn định và bất cập so với yêu cầu thực tế là thực trạng chung của cả nước nói chung và huyện Thanh Trì nói riêng. Giải quyết tranh chấp đòi hỏi phải có các bước điều tra, nghiên cứu, xem xét ở nhiều khía cạnh, nhiều căn cứ pháp luật (tương tự như một vụ án hành chính hoặc dân sự) nên cần phải có một đội ngũ những người am hiểu pháp luật. Bên cạnh những mặt tích cực, việc áp dụng các quy định về giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện Thanh Trì còn bộc lộ một số nhược điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, thực tế cho thấy, từ các thành viên trong tổ hòa giải cho đến các cán bộ chuyên môn giải quyết tranh chấp đất đai hầu hết là kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ chuyên sâu về pháp luật đất đai; khiếu kiện về đất đai là một vấn đề nhức nhối chiếm tới 80% số các vụ khiếu kiện trong nhân dân nhưng ở cấp huyện lại giao cho một bộ phận không chuyên trách là Phòng Tài nguyên và Môi trường giải quyết (không có chỉ tiêu biên chế với chuyên ngành luật); như vậy là không tương ứng với thực tế;
Do đó, tình trạng tiếp nhận và xử lý đơn ở cấp xã chưa làm tốt; chưa hướng dẫn cụ thể theo pháp luật về việc nộp đơn cho nhân dân; để xảy ra tình
trạng người khiếu kiện đi hết nơi này đến nơi khác, một đơn mà gửi đi rất nhiều cơ quan. Quá trình xem xét, giải quyết các vụ việc, vẫn còn một số trường hợp xác định tính chất vụ việc không đúng, chưa phân định rõ khiếu nại hay tranh chấp dẫn đến việc giải quyết luẩn quẩn, hao tốn thời gian, gây bức xúc cho các bên đương sự;
Thứ hai, giải quyết tranh chấp đất đai là một công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu tỉ mỉ để tìm ra phương pháp hòa giải cho phù hợp nhất, nên ở nhiều địa phương chưa tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, còn né tránh, đùn đẩy. Điển hình ở các xã Ngũ Hiệp, Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, người dân bức xúc đến mức điểm chỉ bằng "máu" vào "đơn kêu cứu" để tỏ rõ thái độ bức xúc đối với việc chậm trễ giải quyết của các cấp chính quyền. Phần lớn các vụ tranh chấp được công dân phản ánh dưới dạng đơn đề nghị nên không thể áp dụng thời hạn cụ thể trong Luật Khiếu nại, tố cáo để giải quyết. Vì thế, nếu vụ việc đơn giản thì việc giải quyết còn đảm bảo yếu tố thời gian do pháp luật quy định; nếu vụ việc phức tạp thì thời gian giải quyết có thể kéo dài từ 06 tháng đến 1 năm, thậm chí lâu hơn (như các vụ việc đã nêu ở trên). Hơn nữa, chất lượng giải quyết các vụ tranh chấp đất đai không được giải quyết dứt điểm một lần. Tỷ lệ đồng thuận với kết quả giải quyết chỉ xấp xỉ 50%, số còn lại hầu hết là tiếp tục gửi đơn đến UBND thành phố, hoặc tìm những lý do khác để khiếu nại, tố cáo dai dẳng, gây bức xúc cho chính các bên đương sự và các cấp chính quyền;
Hầu hết các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai ở huyện chỉ như một hình thức công nhận quyền hợp pháp cho một bên; không có chế tài bắt buộc các bên phải tuân theo. Nếu một trong 2 bên vẫn không tuân thủ (ví dụ:
trả lại phần đất thừa kế đang sử dụng không đúng) quyết định thì tranh chấp đất đai vẫn không chấm dứt. Nhiều vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng nhưng việc tổ chức thi hành quyết định không nghiêm. Cơ quan ra quyết định thiếu kiểm tra, đôn đốc kịp thời để giải quyết dứt điểm. Một số vụ việc
kết luận không có tính khả thi dẫn tới phát sinh những khiếu kiện mới phức tạp hơn;
Thứ ba, những ảnh hưởng nặng nề của quá trình quản lý lỏng lẻo đất đai kéo dài đến bây giờ cũng chưa chấm dứt ở một số địa phương dẫn đến những sai phạm có tính phổ biến; khi người dân đã lấn chiếm, SDĐ bất hợp pháp thì bị các cơ quan chính quyền xử lý; hay chính trong nội bộ nhân dân cũng phát sinh tranh chấp với nhau do quá trình SDĐ sai phạm. Việc mua bán đất trái thẩm quyền; việc tự ý khai phá đất công của Nhà nước vẫn còn xảy ra khá nhiều mà không phải trường hợp nào cũng ngăn chặn được. Đến khi Nhà nước lấy đất để sử dụng vào mục đích khác thì dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện đòi đất…;
Thứ tư, nhận thức về chính sách, pháp luật đất đai và quyền dân chủ không chỉ của người dân mà còn một bộ phận không nhỏ những người đại diện thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế. Nhưng việc tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan có trách nhiệm chưa tốt, chỉ mang tính hình thức; do đó chưa mang lại hiệu quả cao;
Tình trạng người dân cố tình làm sai, không chấp hành, không chấp thuận với quyết định giải quyết của các cấp chính quyền vẫn là hiện tượng phổ biến; giống như người tham gia giao thông- dù biết rõ những điều cấm nhưng vẫn cố tình không thực hiện;
Thứ năm, hệ thống hồ sơ địa chính lưu trữ, bảo quản chưa chưa chặt chẽ đối với từng thửa đất, chưa được đầu tư thỏa đáng để xây dựng một hệ thống khoa học, đầy đủ. Từ năm 1994 đến nay vẫn chưa tiến hành đo đạc, chỉnh lý lại hệ thống hồ sơ, bản đồ địa chính. Có những xã ở vùng ngoài đê như Vạn Phúc, Duyên Hà còn bị thất lạc toàn bộ hồ sơ địa chính đo năm … gây khó khăn không nhỏ cho việc thu thập căn cứ, xem xét hồ sơ giải quyết tranh chấp;
Công tác cấp GCNQSDĐ về cơ bản đã xong, những trường hợp hiện nay đều có những lý do bất khả kháng chưa thể cấp được; hay do việc cẩu thả,
thiếu trách nhiệm, trình độ yếu dẫn đến việc đo đạc hiện trạng sai so với thực tế dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện đất đai;
Thứ sáu, vẫn còn một phận cán bộ, công chức có những hành vi vụ lợi trong quản lý, SDĐ đai, nhũng nhiễu, thiếu công tâm là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh khiếu nại, tranh chấp về đất đai. Mỗi năm đều có những cán bộ bị xử lý kỷ luật (Tả Thanh Oai, Thanh Liệt, Ngọc Hồi, Hữu Hòa), thậm chí có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự (cán bộ địa chính xã Tân Triều, cán bộ tư pháp xã Ngọc Hồi năm 2007).