3 Trích từ bài viết của PGS.TS Phạm Hữu Nghị
3.1.4.2. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan giải quyết tranh chấp
Hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan hành chính nhà nước muốn đạt hiệu quả cao cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan giải quyết tranh chấp:
- Một số địa phương hiện nay vẫn chưa chăm lo nhiều đến công tác dân vận, chưa tổ chức tốt việc tiếp dân, giải thích pháp luật để dân hiểu và làm theo. Từ đây đã tạo cho dân có tâm lý không tin vào bộ máy hành chính ở địa phương, không tin vào quyết định giải quyết của địa phương, luôn mong muốn có sự phán quyết của Trung ương;
Do đó, phải kiện toàn hơn nữa bộ máy hành chính ở cấp huyện và xã sao cho cán bộ quản lý có ý thức hơn nữa về công tác dân vận; hiểu được mình là công bộc tin cậy của dân, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của người dân; am hiểu pháp luật và thực hiện tốt việc kiểm tra, thanh tra để xử lý triệt để các trường hợp tham nhũng, lãng phí trong quản lý.
- Quy định cụ thể, chặt chẽ trách nhiệm giải quyết đơn thư của công dân nói chung và giải quyết tranh chấp đất đai nói riêng; đưa tiêu chí này vào công tác đánh giá cán bộ và thi đua khen thưởng của cá nhân và tổ chức, có như vậy công tác này mới được quan tâm giải quyết nhanh chóng, kịp thời.
Tăng cường công tác đối thoại, hòa giải khi giải quyết vụ việc để bớt áp lực và sự quá tải số lượng đơn thư về đất đai hiện nay đối với các cơ quan Nhà nước. Kinh nghiệm cho thấy, ở địa phương nào làm tốt công tác hòa giải các tranh chấp, khiếu kiện của người dân thì vụ việc sớm chấm dứt, ít phát sinh phức tạp, giảm đáng kể các khiếu kiện của công dân
- Tổ chức các hội nghị tham vấn trong quá trình giải quyết các vụ việc nhằm ban hành quyết định giải quyết phù hợp luật, có tình, có lý, đảm bảo được quyền lợi chính đáng cho người dân.
- Công khai quyết định giải quyết trên mạng thông tin Internet của cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai.
Đây là việc làm hết sức cần thiết bởi hiện nay sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại đối với các phương tiện nghe, nhìn và mạng thông tin Internet,… Thậm chí, nhiều thủ tục hành chính đã được thực hiện qua mạng Internet (như ở các tỉnh phía Nam). Điều này sẽ tạo điều kiện cho các công dân, cơ quan chức năng theo dõi, giám sát việc giải quyết của các cấp có thẩm quyền.