Trước khi có Pháp lệnh TTTM 2003, ở Việt Nam tồn tại hai loại hình trọng tài, đó là Trọng tài kinh tế nhà nước và Trọng tài phi chính phủ. Trọng tài kinh tế nhà nước là mô hình Trọng tài do Nhà nước thành lập ra, có chức năng giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp nhà nước. Mô hình này được hình thành đầu tiên bằng Nghị định số 20/TTg ngày 14/4/1960. Sau đó, được nâng lên bằng Pháp lệnh Trọng tài kinh tế nhà nước năm 1990, theo đó, Trọng tài được tổ chức ở ba cấp, đó là Trọng tài kinh tế nhà nước, Trọng tài kinh tế tỉnh và Trọng tài kinh tế huyện. Mô hình này tồn tại đến năm 1993 và bị thay thế bởi hệ thống Tòa án kinh tế theo Luật sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Tòa án năm 1993.
Đối với Trọng tài phi Chính phủ, tồn tại hai mô hình khác nhau. Mô hình thứ nhất ra đời từ năm 1963 bằng Nghị định số 59/CP ngày 30/4/1963 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Trọng tài ngoại thương. Tiếp sau đó, ngày 5/10/1964, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 153/CP về việc thành lập Hội đồng Trọng tài hàng hải. Đến ngày 28/4/1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 204/TTg về việc thành lập Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài ngoại thương và Hội đồng TTTM hàng hải. Mô hình Trọng tài thứ hai là các trung tâm
74
Trọng tài kinh tế được thành lập theo Nghị định số 116/CP ngày 05/09/1994 của Chính phủ. Có 05 trung tâm Trọng tài được thành lập theo Nghị định này (02 Trung tâm tại thành phố Hà Nội, 01 Trung tâm tại thành phố Hồ Chí Minh, 01 Trung tâm tại Cần Thơ và 01 Trung tâm tại Bắc Giang).
Tuy nhiên qua quá trình đi vào hoạt động thực tiễn, pháp luật thời kỳ này đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập, không tương thích với thực tế của hoạt động TTTM Việt nam. Cụ thể: TTTM Việt Nam thiếu một hệ thống các quy định thống nhất về Trọng tài hay một Luật quốc gia về trọng tài. VIAC hoạt động theo Quyết định số 204/TTg, có Điều lệ và Quy tắc tố tụng riêng, không có bất kỳ liên quan nào đến loại hình Trọng tài theo Nghị định số 116/CP. Trong khi đó, có 5 trung tâm Trọng tài được thành lập theo Nghị định số 116/CP và chịu sự điều chỉnh duy nhất của Nghị định số này, không có liên quan gì đến Quyết định số 204/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các văn bản pháp luật về Trọng tài trong thời điểm này đều có hiệu lực pháp lý thấp, mới dừng ở mức cao nhất là Nghị định. Nội dung văn bản còn có nhiều điểm bất cập, thiếu đồng bộ và chưa có cơ chế đảm bảo cần thiết để vận hành có hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân cơ bản là do được ban hành trong bối cảnh nền kinh tế mới trong giai đoạn bắt đầu chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật thương mại chưa được hình thành một cách đồng bộ, chưa điều chỉnh kịp thời các quan hệ thương mại phát sinh trong thực tiễn. Thêm vào đó, yếu tố quản lý nhà nước trong quá trình ban hành văn bản pháp luật luôn được đề cao, trong khi yếu tố thực tiễn lại chưa được chú ý đúng mức. Vì vậy, các văn bản pháp luật về trọng tài, đặc biệt là Nghị định số 116/CP đã quá quan tâm đến vấn đề quản lý về Trọng tài bằng việc đưa ra một loạt các điều kiện về việc thành lập các trung tâm trọng tài, về tiêu chuẩn Trọng tài viên, về quản lý nhà nước về Trọng tài...Trong khi đó, hàng loạt chế định cơ bản, quan trọng của Trọng tài lại không được đề cập đến, như: vấn đề thoả thuận Trọng tài vô hiệu và việc xử lý hậu quả của nó, sự can thiệp hỗ trợ của Tòa án trong việc chỉ định Trọng tài viên, thay đổi Trọng tài viên, áp dụng biện pháp tạm thời, công nhận và thi hành quyết định trọng tài...
75
Thực tiễn cho thấy, Trọng tài không thể phát huy được hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ của Tòa án. ở các nước trên thế giới, tuy Tòa án và Trọng tài là hai phương thức giải quyết tranh chấp độc lập, song chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhưng tại Việt Nam, Tòa án và Trọng tài không có bất kỳ mối quan hệ nào. Vào thời điểm đó, mối quan hệ duy nhất giữa Tòa án và Trọng tài được đề cập đến là việc phân định thẩm quyền giữa Tòa án và trọng tài. Điều 32 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994 quy định việc Tòa án sẽ trả lại đơn kiện trong trường hợp “sự việc đã được các bên thoả thuận trước là giải quyết theo thủ tục trọng tài”. Tuy nhiên, quy định này cũng có nhiều bất cập, chỉ đề cập một cách chung chung là Tòa án phải từ chối giải quyết tranh chấp khi các bên đã có thoả thuận trọng tài, nhưng đã bỏ sót một vấn đề quan trọng là hiệu lực pháp lý của thoả thuận trọng tài.
Trong thực tế, các bên có thỏa thuận sử dụng trọng tài, khi thể hiện bằng một điều khoản Trọng tài trong các hợp đồng. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết hoặc do sơ suất nên các bên đã ký những thoả thuận Trọng tài không chính xác. Điều đó làm cho các thỏa thuận Trọng tài trở nên không có giá trị pháp lý hoặc không thể thực hiện được. Ví dụ, VIAC nhận được nhiều điều khoản Trọng tài chỉ quy định “tranh chấp phát sinh sẽ được giải quyết bằng trọng tài”, “tranh chấp phát sinh sẽ được giải quyết bởi Trọng tài kinh tế Việt Nam” hoặc “tranh chấp phát sinh sẽ được giải quyết bởi hội đồng Trọng tài do các bên chỉ định”.. Rõ ràng, những điều khoản Trọng tài này rất khó áp dụng khi tranh chấp xảy ra, bởi nó không xác định tên của một tổ chức Trọng tài cụ thể, hoặc các bên đã lựa chọn Trọng tài adhoc (Trọng tài vụ việc), một phương thức không được pháp luật Việt Nam thừa nhận vào thời điểm đó.
Với những điều khoản Trọng tài không rõ ràng nêu trên, nếu khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án cũng sẽ từ chối giải quyết vì các bên đã có thoả thuận trọng tài. Như vậy, tranh chấp có phát sinh trong thực tế nhưng không được cơ quan nào giải quyết. Đây là điểm bất cập lớn của hệ thống pháp luật về Trọng tài trước đây.
Ngoài ra, giải quyết tranh chấp cũng đòi hỏi phải có một số biện pháp bảo đảm cần thiết để bảo vệ lợi ích của các bên tranh chấp như ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, triệu tập nhân chứng.... Do hạn chế về thẩm quyền, nhất là quyền đối với
76
bên thứ ba, Trọng tài không thể ra lệnh áp dụng các biện pháp này. Trong trường hợp này, pháp luật các nước đều có quy định vai trò hỗ trợ của Tòa án đối với trọng tài. Song pháp luật Việt nam thời kỳ đó lại chưa có quy định về điều này làm cho Trọng tài càng hoạt động kém hiệu quả
Điểm bất cập tiếp theo đó là pháp luật không có cơ chế thi hành quyết định trọng tài. Đối với VIAC, tuy có Quy tắc tố tụng quy định về trình tự giải quyết vụ tranh chấp về cơ bản được coi là phù hợp với nguyên tắc giải quyết bằng Trọng tài của các nước, nhưng dưới góc độ pháp lý, Quy tắc tố tụng chỉ giới hạn trong việc giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên và cũng chỉ ràng buộc đối với các bên tranh chấp, không có sự ràng buộc đối với bên thứ ba. Do pháp luật không có quy định về vai trò của Tòa án đối với Trọng tài nên Tòa án sẽ đứng ngoài cuộc, cho dù các bên có làm đơn yêu cầu Tòa án can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi của mình. Do vậy, đối với các doanh nghiệp, việc sử dụng Trọng tài vào thời điểm đó không những không được đảm bảo về quyền và lợi ích hợp pháp, mà còn phải gánh chịu nhiều rủi ro. Nhiều khi, Trọng tài lại được ví như “chiếc bẫy”, được một số bên thiếu thiện chí sử dụng trong các giao dịch thương mại, bởi họ biết trước rằng cho dù có vi phạm hợp đồng và sau đó không thực hiện quyết định Trọng tài thì họ cũng không phải gánh chịu một chế tài nào cả. Theo Quyết định số 204/TTg, các quyết định Trọng tài của VIAC có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trong thực tế, sau khi quyết định Trọng tài được tuyên, việc thi hành quyết định Trọng tài hoàn toàn phụ thuộc và sự tự nguyện thi hành của các bên. Nếu các bên không tự nguyện thi hành thì cũng không có chế tài nào được áp dụng. Đây là một giai đoạn có thể nói là vô cùng bất lợi cho các bên khi có thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Việt Nam. Chính vì vậy mà rất nhiều nhà tư vấn, văn phòng luật sư nước ngoài đã đưa ra những khuyến cáo các doanh nghiệp nước ngoài không nên chọn Trọng tài Việt Nam bởi có quá nhiều rủi ro.
Đối với Trọng tài được thành lập theo Nghị định số 116/CP, cơ chế thi hành quyết định Trọng tài cũng không được đề cập đến. Thậm chí, một số quy định của Nghị định đã để lại hậu quả xấu hơn, trái hẳn với nguyên tắc giải quyết của trọng tài. Điều 31 của Nghị định số 116/CP quy định “Trong trường hợp quyết định Trọng tài không được
77
một bên chấp hành thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án nhân dân có thẩm quyền xét xử theo thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế”. Quy định này đã phá bỏ nguyên tắc giải quyết của Trọng tài là quyết định Trọng tài có giá trị chung thẩm, làm cho pháp luật Trọng tài Việt Nam hoàn toàn khác biệt với pháp luật Trọng tài các nước, đồng thời làm triệt tiêu tính ưu việt của phương thức Trọng tài là tính chung thẩm. Trọng tài vốn được các bên ưu tiên lựa chọn bởi thủ tục đơn giản, linh hoạt, thời gian ngắn. Trong khi đó, Nghị định số 116/CP đã đi ngược lại nguyên tắc này, gây tốn kém thêm chi phí về thời gian và tiền bạc của các bên.
Chính vì các quy định bất cập trên, trong suốt một thời gian dài từ năm 1994 đến năm 2003, 05 trung tâm Trọng tài kinh tế được thành lập theo Nghị định số 116/CP hầu như không có việc làm, có trung tâm từ ngày được thành lập đến khi Nghị định hết hiệu lực không nhận được bất kỳ một đơn kiện nào.
Pháp luật về TTTM giai đoạn này vẫn chưa công nhận Trọng tài vụ việc là một hình thức giải quyết tranh chấp, có thể là do chưa nhận thức đầy đủ về loại hình Trọng tài này hoặc cho rằng thực tiễn giải quyết tranh chấp chưa thực sự cần đến Trọng tài vụ việc.