- Về công tác thanh tra, kiểm tra thuế:
a) Về thuế suất thuế TNDN
Thuế suất được coi là linh hồn của một sắc thuế, thể hiện nhu cầu cần tập trung nguồn tài chính và biểu hiện chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước trong từng thời kì phát triển kinh tế. Đồng thời đó cũng là mối quan tâm hàng đầu của người nộp thuế. Vì vậy, việc xác định thuế suất trong một luật thuế phải quán triệt quan điểm, vừa coi trọng lợi ích quốc gia, vừa đảm bảo lợi ích của người nộp thuế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tích tụ và tập trung trong việc sử dụng công cụ thuế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thuế suất của một chính sách thuế còn là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư, nhà quản lý và phải phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thuế suất thuế TNDN ở nước ta có xu hướng ngày càng giảm và thực hiện thống nhất giữa các thành phần kinh tế: (từ việc áp dụng 2 thuế suất: 32% và 25 % tiến đến áp dụng thống nhất một thuế suất 28%, bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và giảm thuế suất từ 28% xuống 25 % từ 1/1/2009). Thuế suất 25% là mức trung bình so với trong khu vực (bằng Trung quốc) nhưng còn cao hơn một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Hongkong, Singapore... Mức này đã trở thành lạc hậu so với bối cảnh thực tế chi phí đầu vào đều tăng cao và việc huy động vốn khó khăn. Điều này chưa thực sự tạo cơ hội để doanh nghiệp tích lũy vốn, tái sản xuất đầu tư, kích thích sản xuất
kinh doanh. Việc xác định mức thuế suất chính là xác định mức độ điều tiết về thuế của nhà nước đối với thu nhập của doanh nghiệp. Mức thuế suất cao sẽ tăng điều tiết tập trung cho NSNN, nhưng việc giảm thuế suất thuế TNDN sẽ có tác động tăng động viên cho NSNN. Bởi vì giảm thuế suất thuế TNDN chính là tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy tái đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi doanh nghiệp phát triển sẽ tạo ra nhiều hàng hóa, của cải vật chất cho xã hội, tạo thêm nhiều lợi nhuận và thuế TNDN nộp cho NSNN cũng sẽ tăng thêm. Vì vậy, việc quy định mức thuế suất cụ thể nên được tính toán sao cho vừa đảm bảo nguồn thu NSNN, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ vốn, tái đầu tư vừa tương đồng hoặc thấp hơn mức thuế suất của các nước trong khu vực nhằm đảm bảo tính cạnh tranh quốc tế cần thiết cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, trong thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế như hiện nay, khi mà số lượng các doanh nghiệp đi đến phá sản, giải thể ngày một tăng sẽ kéo theo hệ lụy xấu cho nền kinh tế nếu lực lượng này không được khôi phục và tiếp tục đi xuống. Lúc này rất cần một chính sách tài chính để các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và tồn tại. Một trong những chính sách tài chính về thuế cần được áp dụng là giảm mức thuế suất cho các doanh nghiệp. Để đảm bảo số thu NSNN không bị giảm mạnh khi giảm mức thuế suất thuế TNDN trong thời gian ngắn thiết nghĩ rằng mức thuế suất thuế TNDN nên được điều chỉnh giảm theo lộ trình sau:
- Áp dụng mức thuế suất 23% từ năm 2012 đến 2015 - Áp dụng mức thuế suất 20% từ năm 2016 đến 2020.