- Thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ hoặc hoàn; thuế TNDN; thuế thu nhập cá nhân.
i/ Tình hình nợ thuế TNDN
2.3.3. Đối với cơ quan thuế
Trong quá trình áp dụng pháp luật thuế TNDN vào thực tiễn trên địa bàn Hà Nội đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cơ quan quản lý thuế trước hết là trong công tác hoạch định chính sách thuế TNDN, sau là tới quá trình tổ chức thực hiện và các công việc khác thuộc phạm vi quản lý. Một hệ thống chính sách thuế TNDN và cơ cấu thuế suất hợp lý nhưng tổ chức và cơ chế quản lý thu thuế kém sẽ không đạt được hiệu quả cao. Từ thực tiễn áp dụng pháp luật thuế TNDN trên địa bàn Hà Nội thời gian qua còn tồn tại một số bất cập đối với cơ quan thuế, cụ thể:
- Công tác tổng hợp, đánh giá, phân tích nguồn thu hàng tháng tại một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, nhiều yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành thu thực hiện chưa đảm bảo thời gian, ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp,
- Công tác tuyên truyền, hướng dẫn giải thích các chính sách thuế chưa được chú trọng để nâng cao tính tuân thủ tự nguyện, nâng cao hiểu biết pháp luật về thuế cho người nộp thuế. Các hình thức, nội dung tuyên truyền hỗ trợ cho người nộp thuế chưa phong phú, số lượng các tài liệu tuyên truyền chưa nhiều, panô, áp phích ở nơi công cộng nội dung đơn điệu, chưa tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp mới thành lập. Nhu cầu tập huấn, đối thoại của các doanh nghiệp là rất lớn nhưng việc tổ chức tập huấn, đối thoại của cơ quan thuế còn chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
- Trình độ hiểu biết và thực thi chính sách thuế của một bộ phận quản lý thuế còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý hiện đại và yêu cầu cải cách hành chính trong quản lý thu thuế. Thái độ và phong cách ứng xử của một số cán bộ thuế chưa thật sự khách quan, tận tụy, công tâm với người nộp thuế. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ thuế đã có sự sa sút về đạo đức nghề nghiệp, thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa giải quyết kịp thời các thủ tục và giải đáp các vướng mắc về thuế cho người nộp thuế, có hành vi ứng xử chưa văn minh, gây bức xúc cho người nộp thuế chưa kể đến các hành
vi nhũng nhiễu và phiền hà đối với người nộp thuế tạo nên các tiêu cực trong ngành thuế.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế còn còn ở mức thấp. Các Chi cục Thuế thực hiện quản lý thuế vẫn theo phương pháp thủ công, năng suất và hiệu quả quản lý thấp dẫn đến hạn chế khả năng kiểm soát và quản lý thuế của cơ quan thuế. Đặc biệt, cho đến nay Cục Thuế Hà Nội vẫn chưa xây dựng được phần mềm ứng dụng phục vụ công tác kiểm tra tại cơ quan thuế, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ, khoa học về người nộp thuế, nên chưa thực sự phân loại được doanh nghiệp để thực hiện kiểm tra theo phương pháp rủi ro. Nguyên nhân của hiện trạng này một phần do trang thiết bị tin học chưa đầy đủ, đồng bộ do vậy việc truyền, nhận dữ liệu gặp nhiều khó khăn, một số chương trình ứng dụng còn bị lỗi, chưa hỗ trợ được kịp thời tất cả các yêu cầu của người dùng tại các đơn vị, mặt khác do nguồn nhân lực công nghệ thông tin của ngành thuế còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế hiện đại, khoa học.
- Về công tác tổ chức bộ máy cán bộ quản lý thuế:
Chức năng nhiệm vụ của một số bộ phận, một số phòng vẫn còn chồng chéo. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Chi cục Thuế vẫn còn dàn trải. Một số đội thuế chỉ có 2 - 3 cán bộ do vậy rất khó khăn khi triển khai nhiệm vụ, thực hiện đào tạo cán bộ. Công tác luân chuyển, luân phiên cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ thực hiện chưa được nhiều và chưa có quy chế cụ thể phù hợp với ngạch bậc tiêu chuẩn trong ngành thuế.