Về công tác thanh tra, kiểm tra thuế

Một phần của tài liệu Pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và thực tiễn trên địa bàn Hà Nội Luận văn ThS. Luật (Trang 89)

- Thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ hoặc hoàn; thuế TNDN; thuế thu nhập cá nhân.

h) Về công tác thanh tra, kiểm tra thuế

Ý thức được vai trò, nhiệm vụ của công tác kiểm tra, thanh tra thuế, Cục Thuế Hà Nội đã chú trọng công tác quy hoạch nguồn nhân lực triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác kiếm tra, thanh tra thuế. Cụ thể:

- Khối Thanh tra: Cục Thuế Hà Nội có 4 Phòng Thanh tra, tổng số cán bộ làm công tác thanh tra: 152 người, chiếm 20% tổng số cán bộ Chi Cục, Văn phòng Cục (100% có trình độ đại học trở lên). Tuy nhiên độ tuổi bình quân của cán bộ làm công tác thanh tra tương đối cao nên hạn chế trong việc áp dụng các kỹ thuật tin học hỗ trợ cho công tác thanh tra, đặc biệt hạn chế khi kiểm tra xác định doanh có giao dịch liên kết hay không.

- Khối Kiểm tra: Tổng số có 767 cán bộ làm công tác kiểm tra, chiếm gần 19% tổng số cán bộ chi Cục toàn ngành thuế Hà Nội (chỉ có 10,3% có trình độ dưới đại học), trong đó: Tại Văn phòng Cục Thuế có 6 phòng Kiểm tra thuế với 159 cán bộ Chi Cục làm công tác kiểm tra. Tại các Chi cục Thuế có 41 đội Kiểm tra thuế với 608 cán bộ Chi Cục làm công tác kiểm tra.

Cục thuế thành phố Hà Nội không ngừng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, tại trụ sở người nộp thuế. Đặc biệt kể từ khi thực hiện thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chống thất thu NSNN, các chi cục thuế trên địa bàn Hà Nội đã siết chặt hoạt động thanh, kiểm tra thuế, qua đó giúp doanh nghiệp trên địa bàn nghiêm túc tuân thủ pháp luật về thuế. Thời gian vừa qua, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đã được triển khai dựa trên việc phân tích cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, bộ tiêu chí đánh giá rủi ro và chương trình gán điểm rủi ro cho từng doanh nghiệp thuộc diện quản lý của Cục Thuế. Đơn vị đã tăng cường kiểm tra hồ sơ khai thuế, thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề: chống thất thu thuế, chống chuyển giá... Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn để thanh, kiểm tra chống thất thu ngân sách.

Công tác thanh tra:

Với vai trò mũi nhọn trong công tác chống thất thu và nợ đọng thuế, công tác thanh tra đã được cải cách mạnh mẽ từ khâu lập kế hoạch, chỉ đạo,

điều hành, cho đến khâu triển khai thực hiện kế hoạch. Công tác này cũng liên tục ghi nhận những đổi mới để đáp ứng yêu cầu quản lý. Nếu trong hai năm 2009 - 2010, việc xây dựng kế hoạch thanh tra theo mô hình phân tán làm bộc lộ những khiếm khuyết khi chưa bao quát hết được các doanh nghiệp, quá trình triển khai tốn nhiều thời gian, công sức, lại phụ thuộc nhiều vào ý chủ quan của cán bộ quản lý, thì từ năm 2011, để khắc phục các nhược điểm này, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, đồng thời thiết kế bộ tiêu chí rủi ro để áp dụng tính điểm đối với 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Trong triển khai kế hoạch thanh tra, Cục Thuế Hà Nội đã mạnh dạn thay đổi cách thức theo hướng tăng thời gian phân tích, đánh giá hồ sơ tại bàn, rút ngắn thời gian làm việc tại doanh nghiệp để tận dụng tối đa quỹ thời gian, giảm bớt phiền hà cho người nộp thuế, đồng thời đưa công tác thanh tra đi vào trọng tâm, trọng điểm. Nhờ đó:

Giai đoạn 2009-2011, mặc dù hạn chế về nguồn nhân lực, Cục Thuế Hà Nội vẫn tiến hành được 2.012 cuộc thanh tra, với tổng số thuế truy thu, phạt qua thanh tra đạt 1.454 tỷ đồng. Riêng năm 2011, việc cải cách mạnh mẽ cách thức tiến hành thanh tra đã giảm lỗ 1.295 tỷ đồng.

Trong năm 2011, qua thanh tra tại doanh nghiệp, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã phát hiện nhiều vi phạm, truy thu 528 tỷ đồng nộp NSNN. Trong đó, có 448 tỷ đồng truy thu từ công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại 481 doanh nghiệp và hơn 81,1 tỷ đồng truy thu qua kiểm tra gần 80.000 bộ hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế và hoàn thành 1.273 cuộc kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp. Giảm số lỗ doanh nghiệp đã kê khai hơn 253 tỷ đồng; giảm số thuế do doanh nghiệp kê khai được giảm thuế, ưu đãi thuế hơn 26 tỷ đồng. Ngành đã nỗ lực thu hồi nợ đọng thuế với số tiền đã thu hồi đạt 2.940 tỷ đồng, bằng 83% chỉ tiêu đặt ra năm nay [20].

Để triển khai hiệu quả Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, Cục Thuế Thành phố Hà Nội đã nỗ lực loại bỏ bớt

những thủ tục không cần thiết và sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Cơ quan thuế Hà Nội sẽ tập trung thanh tra tại doanh nghiệp lớn và vừa theo chuyên đề, đồng thời tiếp tục rà soát những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xây nhà để bán nơi tiềm ẩn nhiều dấu hiệu gian lận thuế. Đặc biệt với càng phải kiểm tra đối với những trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu gian lận về thuế.

Trong 6 tháng đầu năm 2012 Cục Thuế đã hoàn thành 365 cuộc thanh tra, kết quả: Giảm số lỗ doanh nghiệp đã kê khai: 428.318 triệu; tổng số thuế truy thu: 244.420 triệu đồng, phạt: 88.930 triệu đồng. Bao gồm: thanh tra 55 doanh nghiệp báo cáo lỗ, thanh tra tại 23 doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, 117 doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Số đã nộp ngân sách: 202.365 triệu đồng, số còn phải tiếp tục đôn đốc thu nộp: 161.784 triệu đồng. Số kiến nghị truy thu qua công tác thanh tra trước 31/12/2011 còn nợ đọng: 333.714 triệu đồng, số đã thực hiện thu vào NSNN: 69.250 triệu, số còn phải tiếp tục đôn đốc thu nộp: 264.464 triệu đồng [21]. Từ thực tế trên cho thấy hầu hết các doanh nghiệp còn nợ đọng tiền thuế truy thu và phạt là do khó khăn về tài chính. So kết quả công tác thanh tra 6 tháng /2012 với 6 tháng /2011: về số đối tượng được thanh tra tăng 11%; về tổng số thuế truy thu và phạt tăng 63,2%; kết quả truy thu và phạt bình quân trên một doanh nghiệp tăng 47%.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, triển khai ứng dụng "Phân tích thông tin rủi ro người nộp thuế hỗ trợ công tác lập kế hoạch thanh tra thuế", Cục Thuế đã thành lập Tổ chỉ đạo và Tổ triển khai ứng dụng. Công tác lập kế hoạch thanh tra năm 2012 đối với các doanh nghiệp thuộc văn phòng Cục quản lý được thực hiện trên cơ sở rà soát, bổ sung thông tin các doanh nghiệp có điểm rủi ro cao nhất để lựa chọn đối tượng thanh tra. Ngoài 16 tiêu chí tĩnh do Tổng cục quy định, Cục thuế Hà Nội đã đề xuất 15 tiêu chí động và trọng số điểm từng tiêu chí để gán điểm rủi ro các doanh nghiệp thuộc văn phòng Cục quản lý. Các kết quả đạt được cho thấy đã giảm thiểu thời gian xử lý dữ liệu, giảm thiểu thời gian khai thác dữ liệu từ hệ thống. Nhìn chung, kết quả

thanh tra thuế đã cho thấy sự hợp lý và hiệu quả của mô hình kết hợp giữa các tiêu chí tĩnh với các tiêu chí động trong bộ tiêu chí đánh giá rủi ro. Các trường hợp lựa chọn thanh tra (1.295 doanh nghiệp) đều thuộc nhóm có rủi ro cao, đặc biệt là các doanh nghiệp có quan hệ liên kết, các chỉ tiêu bất thường trên hồ sơ khai thuế đã được đưa vào các tiêu chí động.

Căn cứ kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, Cục Thuế đã chỉ đạo các phòng thanh tra triển khai thực hiện, đã đạt được kết quả khả quan, nhất là về số thuế xử lý sau thanh tra, giảm lỗ doanh nghiệp đã kê khai, giảm số thuế doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ.

Công tác kiểm tra:

Theo số liệu thống kê từ phòng Thanh tra I Cục Thuế Hà Nội, từ năm 2009 đến nay Hà Nội đã đổi mới toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý nợ theo hướng hiện đại, chuyên sâu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế trên địa bàn. Trong lĩnh vực kiểm tra thuế, bằng việc chuyển hướng từ kiểm tra toàn diện sang kiểm tra theo dấu hiệu rủi ro; xây dựng sổ tay nghiệp vụ để thống nhất quy chuẩn các bước thực hiện quy trình kiểm tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác kiểm tra thuế. "Trong 3 năm (2009-2011), toàn ngành thuế Hà Nội đã kiểm tra tại bàn 398.836 lượt hồ sơ khai thuế, tiến hành kiểm tra tại 8.567 doanh nghiệp. Qua đó đã điều chỉnh tăng 99,8 tỷ đồng, giảm 6,1 tỷ đồng và truy thu 975,6 tỷ đồng tiền thuế" [19].

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Cục thuế Hà Nội đã kiểm tra 62.765 hồ sơ, số hồ sơ chấp nhận: 61.639; số hồ sơ điều chỉnh: 198, số thuế điều chỉnh tăng: 59.278 triệu; số hồ sơ đề nghị kiểm tra tại doanh nghiệp: 924; ấn định 04 hồ sơ, số thuế ấn định: 195 triệu. Qua kiểm tra 365 cuộc kiểm tra (kiểm tra 43 doanh nghiệp báo cáo lỗ, 322 doanh nghiệp kê khai hưởng ưu đãi thuế), số cuộc kiểm tra có xử lý về thuế: 1.131/1.612. Kết quả: Giảm lỗ: 56.058 triệu, tổng số thuế truy thu và phạt là 189.805 triệu đồng (trong đó, số thuế truy thu là 123.152 triệu đồng, số tiền phạt: 55.547 triệu đồng). Số đã nộp ngân sách: 64.686 triệu đồng, số còn phải đôn đốc thu nộp:

125.119 triệu đồng. Số kiến nghị truy thu qua công tác kiểm tra trước 31/12/2011 còn nợ đọng: 64.921 triệu đồng, số đã thực hiện thu vào ngân sách nhà nước: 41.329 triệu, số còn phải tiếp tục đôn đốc thu nộp: 23.592 triệu đồng. Hầu hết các doanh nghiệp còn nợ đọng tiền thuế truy thu và phạt là do khó khăn về tài chính. So kết quả công tác kiểm tra 6 tháng /2012 với 6 tháng/ 2011: về số đối tượng được kiểm tra tăng 77,5% về số cuộc kiểm tra có xử lý thuế tăng 72,2%; về tổng số thuế truy thu và phạt tăng 34% so với năm 2011 [21].

Ngoài việc đảm bảo kế hoạch thanh, kiểm tra chung, nỗ lực chống thất thu của ngành thuế Hà Nội còn được ghi nhận qua kết quả các cuộc thanh, kiểm tra theo chuyên đề và việc phối hợp với các ngành chức năng để phòng, chống các hành vi gian lận, trốn thuế. Cụ thể trong 3 năm 2009-2011, với chuyên đề thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, đã điều chỉnh giảm lỗ 309 tỷ đồng, phạt 62 tỷ đồng; với chuyên đề thanh tra doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế đã tăng số thuế phải nộp 26,6 tỷ đồng; với chuyên đề thanh tra các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lỗ, đã giảm lỗ 943 tỷ đồng, truy thu và phạt 133 tỷ đồng; với chuyên đề thanh tra doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh bất động sản đã giảm lỗ 118 tỷ đồng, truy thu và phạt 251 tỷ đồng.

Trên thực tế, các hành vi gian lận, trốn thuế, sửa chữa hóa đơn chứng từ của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi gây khó khăn rất lớn trong công tác thanh tra kiểm tra thuế. Và thực tế đã có những doanh nghiệp thu hút những nhân sự có kinh nghiệm lâu năm, các cán bộ thuế đã về hưu... đủ khả năng sử dụng những mánh khóe nghề nghiệp thực hiện hành vi gian lận thuế. Trong khi đội ngũ nhân lực kỳ cựu trong quản lý thuế không đủ để kịp thời phát hiện kiểm tra xử lý các gian lận trong kê khai nộp thuế.

Các hành vi vi phạm pháp luật về thuế TNDN trên địa bàn Hà Nội được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra như sau:

Về doanh thu tính thuế TNDN:

- Xác định thiếu doanh thu tính thuế TNDN do bán hàng thấp hơn giá thị trường (chủ yếu là đối với hoạt động kinh doanh ô tô, xe máy theo Thông tư số 71/2010/TT-BTC ngày 07/05/2010 của BTC).

- Kê khai doanh thu tính thuế TNDN chưa đúng niên độ (công trình, dịch vụ hoặc hàng hóa đã bán, hoàn thành bàn giao nhưng chưa xác định doanh thu tính thuế TNDN).

Về hạch toán chi phí:

- Đối với chi phí giá vốn: Giảm giá vốn do không có hóa đơn chứng từ

theo qui định, hạch toán chi phí giá vốn vượt định mức, giảm giá vốn do hạch toán chi phí sai nguồn, chi phí không phục vụ hoạt động kinh doanh; kết chuyển sai giá vốn.

- Đối với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp: Hạch toán

chi phí khấu hao tài sản cố định không đúng thời hạn theo qui định, hạch toán chi phí tiền lương không có đủ hồ sơ theo qui định, thù lao thành viên hội đồng quản trị không trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, hạch toán và phân bổ chi phí vận chuyển hàng hóa, dịch vụ mua vào, hạch toán và phân bổ các chi phí dài hạn không đúng qui định.

- Trích trước chi phí bảo hành không đúng chế độ, hạch toán các khoản chi phí trích trước nhưng thực tế không chi hết; hạch toán chi phí không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh; Hạch toán chi phí quảng cáo, khuyến mãi... vượt mức khống chế; hạch toán chi phí mua vào của hóa đơn bất hợp pháp; trích quỹ trợ cấp mất việc làm vượt mức quy định.

- Đối với chi phí hoạt động tài chính:

Hạch toán chi phí lãi vay góp vốn điều lệ công ty; hạch toán chi phí lãi vay vượt tỷ lệ khống chế 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố; hạch toán chi phí lãi vay không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hạch toán chi phí lãi vay trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, hình thành tài sản cố định vào chi phí; hạch toán chi phí lãi vay dùng cho hoạt

động góp vốn điều lệ các công ty góp vốn; hạch toán chi phí lãi, lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản phải thu, phải trả ngắn hạn vào chi phí hoạt động tài chính không đúng quy định.

- Thu nhập khác và chi phí khác:

Hạch toán các khoản chi phí tiền phạt hành chính vào chi phí; kê khai thiếu các khoản thu nhập khác được thưởng, hỗ trợ của hãng hoặc của các đối tác, khách hàng thường xuyên.

Với những kết quả từ nỗ lực đổi mới, cải cách công tác thanh tra, kiểm tra của Cục thuế Hà Nội trong những năm qua sẽ là nền tảng, động lực để Cục Thuế Hà Nội tích cực triển khai Chỉ thị số 01 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và nợ đọng thuế trong năm tới.

Một phần của tài liệu Pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và thực tiễn trên địa bàn Hà Nội Luận văn ThS. Luật (Trang 89)