- Thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ hoặc hoàn; thuế TNDN; thuế thu nhập cá nhân.
a) Về mức thuế suất
"Theo điều tra ở 83 nước trên thế giới thì có đến 48/83 nước áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 26 - 45%. Trong đó, 36 nước thuế suất trên 30%, 12 nước thuế suất 25% như Việt Nam. Nếu tính trung bình tất cả các nước trên thế giới thì thuế suất là 27%" [5]. Mức thuế suất theo Luật thuế TNDN hiện nay là 25%. Đây là mức thuế suất trung bình so với khu vực, tuy nhiên mức thuế suất này vẫn còn khá cao so với một số nước, vùng lãnh thổ. Điều này sẽ là một trong những rào cản để các doanh nghiệp thực hiện tích tụ vốn và tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
b) Về thu nhập chịu thuế
Về phương pháp xác định doanh thu, chi phí được trừ, không được trừ làm cơ sở tính thuế TNDN chưa cụ thể, chưa đảm bảo tính thực thi. Cụ thể là các quy định về thời điểm xác định doanh thu; cách xác định doanh thu trong một số trường hợp cụ thể; các khoản chi phí được trừ và chưa được trừ chưa được quy định rõ ràng; một số khoản chi phí thực tế cần thiết cho sản xuất kinh doanh nhưng không được chấp nhận khi tính thuế. Điều này vô hình chung đã khiến các doanh nghiệp phải chịu thuế nhiều hơn. Mặt khác, sự thiếu minh bạch trong quy định của pháp luật sẽ tạo nên những khe hở trong việc áp dụng pháp luật và cũng dễ dàng mang đến những rủi ro nghề nghiệp từ phía doanh nghiệp và cả cán bộ thu thuế trong quá trình thực thi pháp luật. Cụ thể:
- Về vấn đề chuyển lỗ:
Điều 7 của Nghị định 124/2008 NĐ-CP ngày 11/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TNDN quy định: "Thời
gian được chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ" [15]. Thông tư 130/2008/TT-BTC xác định lỗ và chuyển lỗ như
sau: "Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau
năm phát sinh lỗ" [3]. Thông tư 18/2011/TT-BTC xác định lỗ và chuyển lỗ như sau: Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì phải chuyển toàn
bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo. Qua
trích dẫn trên cho thấy: Việc chuyển lỗ 5 năm liên tục với quy định của Thông tư 18/2011/TT-BTC: chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo và quy định của Thông tư 130/2008/TT-BTC: thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm là hoàn toàn khác nhau.
Theo cách hiểu này, chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ. Theo đó: 5 năm là tính cho thời gian từ năm tiếp theo năm lỗ liên tục hết 5 năm, doanh nghiệp có thể lựa chọn chuyển lỗ trong năm nào bất kỳ nhưng không quá 5 năm. Nếu áp dụng theo cách này sẽ có lợi và thuận tiện cho doanh nghiệp hơn: nếu năm sau có lãi và doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế thì vẫn được ưu đãi và chuyển lỗ sang các năm sau nhưng không quá 5 năm.
Theo Thông tư 18/2011/TT-BTC quy định: chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm được hiểu rằng doanh nghiệp không được lựa chọn năm chuyển lỗ. Ví dụ năm 2010 doanh nghiệp lỗ, năm 2011 doanh nghiệp có lãi và được ưu đãi miễn thuế TNDN thì doanh nghiệp không được miễn thuế mà phải chuyển lỗ ngay.
Quy định của Thông tư 18/2011/TT-BTC đã thu hẹp quyền lợi của doanh nghiệp hơn so với quy định của Luật thuế TNDN. Đây cũng là một trong những bất cập trong cách thức ban hành văn bản pháp luật bởi vì Luật
thuế TNDN là văn bản quy phạm pháp luật, là Luật khung cho việc áp dụng pháp luật, trong khi các Nghị định và Thông tư hướng dẫn là các văn bản áp dụng pháp luật, các văn bản này là sự cụ thể hóa các quy định của Luật nhưng không được trái với quy định của Luật.
- Về một số khoản chi cụ thể
Luật thuế TNDN hiện hành quy định về một số khoản chi cụ thể chưa hợp lý. Có thể dẫn chiếu như sau:
Đối với phần giá trị hàng hóa tổn thất:
Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được hạch toán vào chi phí được trừ. Cụ thể: Hàng hóa bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên không được bồi thường và nằm trong định mức do doanh nghiệp xây dựng thì được tính vào chi phí được trừ.
Trong thực tế, doanh nghiệp còn phát sinh các khoản tổn thất khác bất khả kháng, nhưng chưa có hướng dẫn thì không tính vào chi phí hợp lý như: Tai nạn bất ngờ: chìm tàu, húc tàu, tai nạn trong quá trình vận chuyển hàng hóa, cháy nổ... hàng hóa lạc mốt, lỗi mốt không tiêu thụ được.
Đối với khoản chi khấu hao tài sản cố định:
Theo Thông tư số 130/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TNDN thì: Tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, xe đưa đón người lao động, cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhà ở cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư xây dựng được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Tuy nhiên các chi phí trang thiết bị kèm theo các tài sản cố định của nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, cơ sở khám chữa bệnh như: thiết bị nhà ăn, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện, bàn ghế, tủ... do không được quy định cụ thể nên mặc nhiên các cơ quan quản lý nhà nước
hiểu là các khoản không được trừ vào chi phí, tạo nên những bất cập cho các doanh nghiệp.
Như vậy, một trong những bất cập của pháp luật thuế TNDN hiện hành là liệt kê các tài sản cố định hiện hữu được để xác định trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Đối với khoản chi nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa:
Luật thuế TNDN hiện hành quy định các doanh nghiệp tự xác định danh mục các sản phẩm chủ yếu, định mức chính để thông báo cho cơ quan thuế. Quy định này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc xác định danh mục các sản phẩm chủ yếu, định mức để thông báo cho cơ quan thuế đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, khách sạn, dịch vụ và sản xuất theo đơn đặt hàng và nếu doanh nghiệp không thông báo với cơ quan thuế thì đã vi phạm pháp luật và bị xử phạt về thuế. Rõ ràng, quy định này chưa thực sự hợp lý và tính khả thi không cao.
Đối với khoản chi là tiền lương, tiền công và các khoản phải trả cho người lao động
Luật hiện hành quy định một số khoản chi cho người lao động nước ngoài như tiền nhà, tiền học cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học phổ thông được doanh nghiệp trả nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động và có hóa đơn chứng từ hợp lệ thì được vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Ngược lại, nếu doanh nghiệp trả cho người lao động tự trả thì không được tính làm chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Quy định này là bất hợp lý, bởi suy cho cùng vẫn là chi phí mà doanh nghiệp thực chi cho người lao động chỉ khác nhau ở chủ thể chi trả.
Đối với phần chi đóng góp hình thành nguồn chi phí quản lý cho cấp trên
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được hạch toán phần đóng góp chi phí hình thành nguồn chi phí
quản lý cho cấp trên. Theo quy định đó thì các tập đoàn, tổng công ty ngoài thành phần kinh tế Nhà nước sẽ không được hạch toán vào chi phí là khoản đóng góp hình thành nguồn chi phí quản lý cho cấp trên là không đảm bảo nguyên tắc bình đẳng về động viên đóng góp giữa các thành phần kinh tế, sự công bằng trong hoạt động áp dụng pháp luật về thuế. Đây là một trong những nguyên nhân làm yếu đòn bẩy kinh tế của công tác quản lý tài chính nước nhà.
Đối với phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới
Mức chi này được quy định khống chế theo mức 10% và 15% (áp dụng trong thời gian 3 năm đầu cho doanh nghiệp mới thành lập). Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp phải cạnh tranh, giới thiếu quảng cáo để tiêu thụ được sản phẩm chiếm lĩnh thị trường thì tỷ lệ đó không còn phù hợp với đa số các doanh nghiệp.
Một trong những hạn chế của Luật thuế TNDN hiện hành là chưa có quy định cụ thể nào về việc xác định doanh thu, chi phí làm căn cứ cho thu nhập chịu thuế của các hình thức kinh doanh như bán hàng đa cấp, bán hàng qua mạng.