- Rủi ro do lừa đảo và giả mạo
2.2.3.8. Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán
Trong quan hệ kinh tế quốc tế, hầu hết các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đều áp dụng các quy định quốc tế về bảo lãnh như Quy tắc thống nhất về bảo lãnh theo yêu cầu của ICC, Công ước của Liên hợp quốc về bảo lãnh độc lập và tín dụng thư dự phòng...URDG 758 khẳng định:
Bảo lãnh về bản chất là những giao dịch riêng biệt với (các) hợp đồng hoặc điều kiện dự thầu mà những điều kiện này có thể là cơ sở của bảo lãnh và người bảo lãnh về mọi phương diện không liên quan đến hoặc bị ràng buộc vào (các) hợp đồng như thế hoặc các điều kiện dự thầu, dù cho trong bảo lãnh có tham chiếu đến chúng. Trách nhiệm của người bảo lãnh là thanh toán những số tiền hay số tiền đã được quy định trong bảo lãnh khi xuất trình văn bản yêu cầu thanh toán và những chứng từ khác thể hiện trên bề mặt của chúng là hoàn toàn phù hợp với những điều kiện của bảo lãnh [43]. Theo đó, trước khi thực hiện thanh toán số tiền bảo lãnh, ngân hàng phát hành thư bảo lãnh sẽ kiểm tra tính đúng đắn, chính xác của yêu cầu thực hiện bảo lãnh cùng với các chứng từ kèm theo do bên nhận bảo lãnh gửi đến (nếu trong thư bảo lãnh có yêu cầu). Ngân hàng chỉ thực hiện trả tiền theo thư bảo lãnh đã phát hành nếu các chứng từ này tuân thủ, phù hợp đúng như các điều kiện đã quy định cụ thể tại thư bảo lãnh. Có thể thấy, bảo lãnh của các ngân hàng theo các quy tắc quốc tế về bảo lãnh độc lập sẽ phát huy được tính độc lập trong việc xác định trách nhiệm kiểm tra của ngân hàng bảo lãnh khi
nhận được yêu cầu, chứng từ do bên nhận bảo lãnh chuyển đến. Hơn nữa, thông qua việc quy định xuất trình giấy tờ, quy định trách nhiệm của ngân hàng bảo lãnh trong việc kiểm tra tính phù hợp, đúng đắn của yêu cầu, chứng từ do bên nhận bảo lãnh chuyển đến, bên được bảo lãnh cũng có thể phần nào bảo vệ được quyền lợi của mình
Theo quy định tại Điều 20 Thông tư 28/2012/TT-NHNN:
Trong thời hạn bảo lãnh, bên bảo lãnh hoặc bên xác nhận bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi bên nhận bảo lãnh xuất trình yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và các hồ sơ, tài liệu, chứng từ kèm theo hợp pháp, hợp lệ (nếu có) thỏa mãn đầy đủ các điều kiện đã quy định trong cam kết bảo lãnh hoặc cam kết xác nhận bảo lãnh. Chậm nhất sau 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày bên nhận bảo lãnh xuất trình đầy đủ bộ hồ sơ đề nghị thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối [11].
Quy định này thể hiện được phần nào tính chất độc lập của nghĩa vụ bảo lãnh và nghĩa vụ được bảo lãnh và tính căn cứ chứng từ của bảo lãnh. Tuy nhiên, MB vẫn còn giữ quan điểm cứng nhắc về vấn đề tính độc lập của bảo lãnh thanh toán ngân hàng, theo đó, MB thường chỉ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình khi bên nhật bảo lãnh xuất trình được đầy đủ các hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh vi phạm nghĩa vụ thanh toán của bên được bảo lãnh.
Trong thực tế áp dụng pháp luât, một số Tòa án Việt Nam hiện nay vẫn còn giữ quan điểm cứng và không thể hiện rõ tính độc lập bảo lãnh trong quá trình xét xử, cụ thể là không căn cứ trên các yêu cầu là điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh ghi nhận trên bề mặt thư bảo lãnh mà yêu cầu các bên
nhận bảo lãnh phải có nghĩa vụ chứng minh bên được bảo lãnh chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh để xác định xem sự kiện bảo lãnh đã xuất hiện hay chứ. Thực tế áp dụng pháp luật này đang dẫn đến hạn chế trong hoạt động bảo lãnh thanh toán, đó là:
- Bên nhận bảo lãnh sẽ rất khó khăn trong việc yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp Thư bảo lãnh không có quy định việc cung cấp các tài liệu chứng minh bên được bảo lãnh chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh là điều kiện tiên quyết để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng;
- Quyền lợi cũng như uy tín của ngân hàng với tư cách là ngân hàng bảo lãnh có thể bị ảnh hưởng do bảo lãnh thanh toán do ngân hàng phát hành trở nên kém an toàn và không bảo vệ được quyền lợi của bên nhận bảo lãnh.
- Ngân hàng tự ràng buộc thêm trách nhiệm của mình, đó là phải xem xét tính đúng đắn của các tài liệu do bên thụ hưởng cung cấp và chứng minh lỗi của bên được bảo lãnh. Việc này sẽ dẫn đến việc ngân hàng liên đới chịu trách nhiệm nếu có tranh chấp xảy ra.