Những rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện bảo lãnh thanh toán

Một phần của tài liệu Thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo lãnh thanh toán tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (Trang 47)

thanh toán

Tuy là một trong những công cụ được sử dụng rộng rãi trong hoạt động kinh doanh ngân hàng thu hút được sự lựa chọn của khách hàng, nhưng cũng giống như các hoạt động sinh lời khác trong ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, bảo lãnh thanh toán luôn tiềm ẩn những rủi ro khó tránh khỏi.

Khi cam kết bảo lãnh được phát hành, trong việc đòi tiền, ưu thế thường nghiêng về bên thụ hưởng. Bên được bảo lãnh thường ở thế thụ động và chịu rủi ro cao nếu đối tác không trung thực. Bản chất của bảo lãnh là phòng ngừa việc vi phạm cam kết, đương nhiên bên được bảo lãnh hiểu rõ khi nào sẽ bị đòi tiền; thế nhưng, trên thực tế họ lại phải trả tiền bất kỳ lúc nào vì ngân hàng không lệ thuộc vào thực tế phát sinh từ hợp đồng cơ sở. Do đó, khi gian lận, lừa đảo và giả mạo xảy ra, rủi ro và tổn thất là điều không tránh khỏi đối với bên được bảo lãnh cũng như ngân hàng bảo lãnh.

Giao dịch bảo lãnh ngân hàng với đặc trưng là bằng chứng từ và trên cơ sở chứng từ là điều kiện thuận lợi cho sự lạm dụng, gian lận và lừa đảo xuất hiện. Điều này xuất phát từ thực tế là thủ tục đòi tiền của bảo lãnh ngân hàng khá đơn giản, thường chỉ xuất trình văn bảo đòi tiền cùng tuyên bố vi phạm, nên đã vô tình trở thành những ưu đãi đối với bên thụ hưởng. Khi chứng từ được xuất trình đầy đủ, ngân hàng bảo lãnh phải thanh toán cho bên thụ hưởng theo đúng điều khoản nêu trong cam kết bảo lãnh, dù bên được bảo lãnh có thực sự vi phạm hay không. Khi rủi ro xảy ra đối với bên được bảo lãnh, trong trường hợp họ không có khả năng bồi hoàn cho ngân hàng số tiền ngân hàng đã thanh toán cho bên được bảo lãnh, ngân hàng sẽ gặp rủi ro.

Cùng với cho vay, chiết khấu và cho thuê tài chính, bảo lãnh là một trong những nghiệp vụ cấp tín dụng của ngân hàng. Bên cạnh rủi ro tín dụng, hoạt động bảo lãnh còn có những rủi ro đặc thù riêng. Dưới đây trình bày một số rủi ro đặc thù trong hoạt động bảo lãnh là rủi ro do gian lận, rủi ro do lừa đảo và rủi ro do giả mạo.

- Rủi ro do gian lận

Trong giao dịch bảo lãnh ngân hàng, gian lận là hành vi đòi tiền vượt quá mức tổn thất của vi phạm, lập chứng từ khống để hợp thức hóa việc xuất trình chứng từ hoặc xuất trình chứng từ không đúng thực tế dù rất hoàn thiện, sửa chữa các số liệu của chứng từ cho phù hợp… để được thanh toán theo cam kết bảo lãnh.

Năm 2011, MB - Chi nhánh Thanh Xuân phát hành bảo lãnh thanh toán cho bên thụ hưởng là Công ty N - bên cung ứng thép thành phẩm cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Cửu Long - bên được MB bảo lãnh thanh toán. Theo hợp đồng mua bán giữa Công ty N và Công ty trách nhiệm hữu hạn Cửu Long, việc giao hành sẽ được tiến hành thành 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 30 ngày với các đợt thanh toán tương ứng sau khi Công ty N giao hàng đúng số lượng, chất lượng theo Hợp đồng cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Cửu Long. Sau 2 đợt thanh toán đầu tiên, Công ty N giao hành theo đúng yêu cầu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cửu Long và được thanh toán theo đúng tiến độ. Tuy nhiên đến đợt giao hàng thứ ba, mặc dù chưa giao đủ số lượng hàng hóa cho trách nhiệm hữu hạn Cửu Long và hai bên đang có tranh chấp về chất lượng của hàng hóa không đúng với tiêu chuẩn đã thỏa thuận trong Hợp đồng, giám đốc công ty N đã làm văn bản yêu cầu MB thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho đợt giao hàng thứ ba do trách nhiệm hữu hạn Cửu Long vi phạm nghĩa vụ thanh toán và làm giả các giấy tờ chứng nhận chất lượng hàng hóa, biên bản nhập kho, biên bản nghiệm thu... gửi cho MB - chi nhánh Thanh Xuân để nhận tiền bảo lãnh. Hành vi gian lận của Công ty N đã bị MB - Chi nhánh Thanh Xuân phát giác và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cuối năm 2010, Công ty X có thỏa thuận "thuê" 10 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (trú ở quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh) để ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ nhận nợ phát sinh từ giao dịch bảo lãnh với chi nhánh MB tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian tối đa 60 ngày theo thời hạn của thư bảo lãnh MB Hồ Chí Minh phát hành cho người thụ hưởng của bên bán hàng cho Công ty X, theo thỏa thuận, bên thuê không được rút tiền ra khỏi ngân hàng và mọi giao dịch liên quan đều phải có đồng thời 2 chữ ký của cả hai bên.

Tuy nhiên, ngay sau khi bà Bích chuyển số tiền cho thuê vào tài khoản của Công ty X tại MB - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, giám đốc công ty X đã cùng với đồng phạm tạo dựng hồ sơ mua bán hàng hóa giả và đề nghị MB - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phát hành chứng thư bảo lãnh thanh toán, với điều khoản bảo đảm trong hợp đồng cấp bảo lãnh là số tiền ký quỹ sẽ được giảm trừ dần tương ứng với giá trị hợp đồng đã được thanh toán. Sau đó, Công ty X tiếp tục làm giả các giấy tờ biên nhận, nhập kho, hóa đơn nhằm rút tiền trong tài khoản ký quỹ. Sau đó hành vi phạm tội của giám đốc Công ty X đã được phát hiện và ngăn chặn.

Một phần của tài liệu Thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo lãnh thanh toán tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (Trang 47)