5 Thời gian bảo lãnh thanh toán

Một phần của tài liệu Thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo lãnh thanh toán tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (Trang 70 - 73)

- Rủi ro do lừa đảo và giả mạo

2.2.3.5 Thời gian bảo lãnh thanh toán

Theo thông tư 28/2012/TT-NHNN, thời hạn bảo lãnh được xác định như sau: Thời hạn bảo lãnh được xác định từ ngày phát hành bảo lãnh hoặc khi bảo lãnh có hiệu lực theo thỏa thuận của bên bảo lãnh với các bên liên quan cho đến thời điểm hết hiệu lực của bảo lãnh được ghi trong cam kết bảo lãnh. Trường hợp cam kết bảo lãnh không ghi cụ thể thời điểm hết hiệu lực của bảo lãnh thì thời điểm hết hiệu lực của bảo lãnh được xác định tại thời điểm nghĩa vụ bảo lãnh hết hiệu lực theo quy định tại Điều 21 của Thông tư này, cụ thể:

- Nghĩa vụ của bên được bảo lãnh chấm dứt.

- Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo cam kết bảo lãnh.

- Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

- Hiệu lực của cam kết bảo lãnh đã hết.

- Bên nhận bảo lãnh miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh.

- Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

- Theo thỏa thuận của các bên [11].

Thời gian bảo lãnh thông thường được xác định từ khi phát hành bảo lãnh cho đến thời điểm chấm dứt bảo lãnh được ghi trong cam kết bảo lãnh

(thư bảo lãnh). Tuy nhiên, đối với một số trường hợp thì thời gian bắt đầu hiệu lực của thư bảo lãnh có thể khác với ngày phát hành thư bảo lãnh nếu theo yêu cầu của bên nhận bảo lãnh và được ngân hàng chấp nhận hoặc trường hợp cam kết bảo lãnh không ghi cụ thể thời điểm chấm dứt bảo lãnh thì thời điểm chấm dứt bảo lãnh được xác định tại thời điểm nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt.

Quy định về thời gian bảo lãnh của thông tư 28/2012/TT-NHNN linh động hơn và đề cao sự thỏa thuận của các bên về thời hạn bảo lãnh. Tuy nhiên việc tự do ý chí của các bên trong quan hệ bảo lãnh vẫn chưa triệt để nếu so sánh với các Quy định quốc tế về bảo lãnh ngân hàng như URDG 758 hay Quy tắc chung về bảo lãnh độc lập và thư tín dụng dự phòng UNCITRAL. Vì một trong những tính chất của bảo lãnh thanh toán ngân hàng khác với các loại bảo lãnh thông thường là tiến hành trên cơ sở chúng từ, do đó các quy tắc quốc tế về bảo lãnh rất đề cao vấn đề chứng từ làm căn cứ chấm dứt bảo lãnh, cụ thể: Việc hết hạn hiệu lực xuất trình yêu cầu thanh toán quy định trong bảo lãnh dựa vào ngày niên lịch cụ thể (ngày hết hiệu lực) hoặc phải dựa vào việc xuất trình các chứng từ quy định về việc hết hiệu lực cho người bảo lãnh (trường hợp hết hiệu lực). Nếu cả hai ngày hết hiệu lực và trường hợp hết hiệu lực đều được quy định trong bảo lãnh thì bảo lãnh đó sẽ kết thúc vào ngày hết hiệu lực hay khi trường hợp hết hiệu lực hết ra tùy theo sự việc nào xảy ra trước, dù cho bảo lãnh và bất cứ các tu chỉnh nào của nó có được hoàn trả hay không [43]. Ngoài ra, điều khoản về thời hạn bảo lãnh trong chứng thư bảo lãnh vô điều kiện hiện nay đã phát sinh vấn đề đang tranh cãi. Ví dụ trong quy định về thời hạn của bảo lãnh được ghi nhận là "bảo lãnh này có giá trị trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày phát hành thư bảo lãnh". Vậy ngày hết hạn của bảo lãnh là ngày nào? 90 ngày là tính cả các ngày nghỉ, ngày lễ hay chỉ bao gồm các ngày làm việc? Đã có nhiều tranh chấp xảy ra liên quan đến thời hạn của bảo lãnh khi bên nhận bảo lãnh thì cho rằng 90 ngày là chỉ tính ngày làm việc còn ngân hàng lại tính cả ngày nghỉ nên ngày hết hạn bảo lãnh mà hai bên

tính ra là khác nhau. Thông tư 28/2012/TT-NHNN đã giải quyết một phần vấn đề này, theo đó khi ngày bảo lãnh hết hạn rơi vào ngày nghỉ thì ngày hết hiệu lực bảo lãnh được tính vào ngày làm việc tiếp theo. Điều 25 Bộ quy tắc thống nhất về bảo lãnh theo yêu cầu URDG 758 cũng quy định tương tự về việc nếu ngày đáo hạn của bảo lãnh thư trùng với ngày nghỉ, lễ thì ngày đáo hạn sẽ được chuyển sang ngày làm tiếp tiếp theo ngay sau kỳ nghỉ. Vô hình trung, quy định này có thể tạo thêm cơ hội để ngân hàng từ chối thanh toán bảo lãnh, dẫn đến tranh chấp kéo dài giữa các bên.

Trong thực tiễn hoạt động của MB đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp tương tự. Ví dụ Một bảo lãnh thông thường có quy định về thời hạn giống như sau: "Bảo lãnh này có giá trị trong thời gian 300 ngày, kể từ ngày 3/4/2012". Vậy ngày đến hạn là ngày nào? Đã có nhiều tranh chấp xảy ra khi doanh nghiệp cho rằng, 300 ngày là chỉ tính ngày làm việc, còn ngân hàng tính cả ngày nghỉ. Thậm chí, trong giao dịch kinh doanh có nhiều cách xác định về ngày trong một năm, có người nói một năm là 365 ngày, nhưng ngay bản thân ngân hàng trong mọi công thức tính toán lãi suất đều áp 360 ngày. Vậy đâu là chuẩn mực về ngày tháng? Do đó, doanh nghiệp khi nhận bảo lãnh nên đưa luôn ngày đến hạn cụ thể vào chứng thư, ví dụ: "Bảo lãnh này có giá trị từ ngày 3/4/2012 đến 16h ngày xx/yy/2013". Hiện nay đã có một số tranh chấp phát sinh liên quan đến thời hạn bảo lãnh ghi trên bề mặt thư bảo lãnh nhưng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý như Ngân hàng nhà nước hoặc Tòa án vẫn chưa đưa ra quy định cụ thể hoặc hướng dẫn để quản lý cũng như định hướng cho các bên tham gia giao dịch bảo lãnh trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Do đó, để hạn chế những tranh chấp về thời hạn bảo lãnh nêu trên, trong hợp đồng cấp bảo lãnh, chứng thư bảo lãnh nên ghi rõ ngày hết hạn cụ thể. Ngoài ra, đối với bên nhận bảo lãnh, để bảo đảm quyền lợi cho mình thì nếu trong thư bảo lãnh không ghi nhận rõ ngày hết hạn bảo lãnh thì khi ngày đến hạn rơi vào ngày nghỉ nên thông báo cho ngân hàng về sự kiện vi phạm của bên được bảo lãnh (nếu có) để tránh nguy cơ bị từ chối thanh toán tiền bảo lãnh.

Một phần của tài liệu Thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo lãnh thanh toán tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (Trang 70 - 73)