Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới hoạt động kinh doanh BH

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện nội dung và phương pháp phân tích báo cáo tài chính tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (Trang 102)

Trong thời gian qua, để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường bền vững, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý và bảo vệ người tiêu dùng, bên cạnh việc tập trung sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của quản lý và hội nhập, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 03/2010 ngày 12/1/2010 hướng dẫn Nghị định 41/2009/NĐ-CP ngày 05/05/2009 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; phối hợp với Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch số 35/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 25/2/2009 hướng dẫn thực hiện một số

điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Thông tư số 86/2009/TT-BTC ngày 28/4/2009 sửa đổi bổ sung một số điểm của Thông tư số 155/2007/TT - BTC và Thông tư số 156/2007/TT – BTC ngày 20/12/2007;Thông tư 103/2009/TT-BTC ngày 25/5/2009 quy định việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán Quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Tuy vậy, hệ thống pháp luật BH vẫn cần được rà soát nhằm điều chỉnh các quy định chưa phù hợp, bổ sung quy định còn thiếu hoặc chưa rõ ràng, cụ thể:

Điều chỉnh những quy định chưa hợp lý và chưa rõ ràng:

- Đối với bất kỳ một DN nào, đặc biệt là DNBH khoản chi phí giao dịch quảng cáo là một khoản chi rất lớn, ảnh hưởng rất nhiều tới kết quả hoạt động kinh doanh của DN. Việc nhà nước quy định trần chi phí giao dịch, quảng cáo 10% trên tổng chi phí như áp dụng đối với các ngành công nghiệp, dịch vụ khác là hợp lý. Tuy nhiên, một công ty BH với kỹ năng đánh giá và quản lý rủi ro tốt thường có chi phí bồi thường (bao gồm cả bồi thường đã giải quyết và dự phòng bồi thường cho những hồ sơ chưa giải quyết) thấp hơn dẫn đến tổng chi phí của DN thấp. Với định mức chi phí giao dịch, quảng cáo 10% trên tổng chi phí, các công ty được quản lý tốt sẽ bị kém lợi thế hơn do giới hạn chi phí giao dịch, quảng cáo của họ sẽ thấp hơn các đối thủ cạnh tranh.

- Các quy định về chấm dứt hợp đồng và hợp đồng vô hiệu cần được rà soát lại nhằm đảm bảo việc áp dụng các quy định được rõ ràng và chính xác. Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và hợp đồng vô hiệu hoàn toàn khác nhau, do đó việc cung cấp sai thông tin để giao kết hợp đồng BH không thể dẫn đến hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc hợp đồng vô hiệu.

- Một số phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ cũng cần nghiên cứu và xem xét lại cho phù hợp. Hiện nay, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 156/2007/TT-BTC ngày 20/12/2007 tuy đã có một số điểm điều chỉnh so với Thông tư 99/2007/TT-BTC ngày 19/10/2004 nhưng thực tế vẫn bộc lộ nhiều bất cập do tính lỏng của quy định vẫn còn cao. Vì dự phòng nghiệp vụ được tính vào chi phí kinh doanh của DN nên các DN thường sử dụng các phương pháp trích lập như một công cụ hữu hiệu để điều chỉnh kết quả kinh doanh hàng năm theo ý muốn.

Bổ sung các quy định còn thiếu:

Bộ Tài chính nên chuẩn hóa các thuật ngữ điều khoản và điều kiện của hợp đồng BH tạo điều kiện cho người mua BH đọc, hiểu và so sánh được các hợp đồng của các công ty BH khác nhau, tránh việc hiểu sai, hiểu lầm gây tranh chấp pháp lý trong tương lai, từ đó dễ dàng xây dựng hệ thống hóa các chỉ tiêu để thấy được bức

tranh chung cho toàn ngành.

Cần ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan tới các hoạt động cho vay, đầu tư vào bất động sản, cổ phiểu của các công ty BH, đặc biệt các công ty có vốn nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư vốn nhàn rỗi của các công ty, và nhờ đó một mặt tăng lượng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế, mặt khác tăng lợi nhuận của các công ty và người mua BH.

Cần phải ban hành những quy định pháp lý chặt chẽ hơn liên quan tới hoạt động tái BH của các công ty BH. Các văn bản pháp lý hiện nay có quy định các tiêu chuẩn mà công ty tái BH nước ngoài phải đáp ứng, nhưng không quy định về việc các công ty BH trong nước phải công bố thông tin về công ty nhận tái BH của họ. Việc cung cấp thông tin về hoạt động tái BH của các công ty không chỉ hỗ trợ người mua BH, mà còn hỗ trợ các cơ quan phát hiện các trường hợp công ty ký kết hợp đồng BH chỉ nhằm để tái ra nước ngoài. Mặc dù loại hình kinh doanh này không bị cấm ở nước ta, song vẫn cần được quản lý, giám sát chặt chẽ, vì có thể gây ảnh hưởng xấu tới quyền lợi của người mua BH bởi các công ty chịu trách nhiệm pháp lý về trách nhiệm đã cam kết nhưng lại không có đủ năng lực để BH những rủi ro này.

Một công ty BH rút lui khỏi thị trường hoặc trở nên mất khả năng thanh toán cần được quy định chi tiết và cụ thể hơn. Các quy định hiện hành có đề cập tới việc chuyển giao các hợp đồng BH nhưng không đề cập cụ thể tới trường hợp một công ty BH chủ động chấm dứt hoạt động trên thị trường. Luật kinh doanh BH có dẫn chiếu đến Luật Phá sản DN nhưng không giống với các công ty thông thường, quyền lợi của người mua BH phải được ưu tiên bảo vệ. Vì vậy, cần rà soát kỹ các văn bản pháp lý có liên quan để đảm bảo các nguyên tắc của Luật Phá sản DN vẫn được tuân thủ, trong khi quyền lợi của người mua BH vẫn được bảo vệ.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện nội dung và phương pháp phân tích báo cáo tài chính tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (Trang 102)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w