Trong các thế kỷ XV – cuối thế kỷ XVI, nhà nước phong kiến Việt Nam vẫn tiến hành thu thuế đối với từng loại ruộng đất và mức độ nặng nhẹ khác nhau. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, ruộng đất thời Lê sơ chịu thuế theo ba loại: thượng đẳng 60 thăng thóc và 6 tiền/ mẫu; trung đẳng 40 thăng thóc và 4 tiền; hạ đẳng 20 thăng thóc và 3 tiền. Tô thuế thời kỳ này chỉ thu đối với ruộng đất công và lần đầu tiên đã xuất hiện thu thuế bằng tiền, mặc dù phần nộp bằng thóc vẫn là chủ yếu [10, 138].
Năm 1498, nhà nước thu thuế đối với bãi dâu và chia làm hai loại: nửa trồng dâu, nửa trồng hoa màu: 1 quan 2 tiền/ mẫu; ruộng chuyên trồng dâu: 1 cân 8 lạng tơ / mẫu, quy ra tiền mỗi cân tơ là 8 tiền [10, 139].
Trong thời kỳ nhà Lê sơ, theo các nguồn tài liệu không thấy ghi chép về việc nhà nước thu thuế ruộng tư. Đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này:
Thứ nhất, có ý kiến cho rằng nhà Lê là đại diện cho quyền lợi của giai cấp địa chủ dân tộc vì cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi được giai cấp địa chủ ủng hộ. Đại bộ phận quan lại chủ yếu được chọn lựa qua thi cử, nhiều con em địa chủ có điều kiện vào quan trường khác với thời Lý – Trần, quan lại phần lớn xuất thân từ quý tộc theo kiểu cha truyền con nối. Chính vì vậy, sau khi nắm được chính quyền, nhà Lê phải có một số khoan nhượng với giai cấp địa chủ (thổ hào).
Thứ hai, trong thời kỳ này, tuy ruộng đất tư đã phát triển nhưng do ruộng công chiếm ưu thế, nguồn cung cấp tô thuế của ruộng công còn nhiều đủ đáp ứng chỉ tiêu của nhà nước nên không đánh thuế ruộng tư. Nhưng có ý kiến khác cho rằng, thuế ruộng tư thường nhẹ hơn thuế ruộng công, miễn thuế ruộng tư chưa ảnh hưởng đến công quỹ nhà nước mà còn tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của người có ruộng để phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nhìn chung, thời kỳ này cuộc sống của người nông dân dễ chịu hơn so với các triều đại trước, đặc biệt dưới thời Lê sơ. Bởi xã hội tương đối ổn định, nhà nước Lê sơ quan tâm nhiều đến sản xuất nông nghiệp, đem lại những quyền lợi tối thiểu cho người nông dân với chính sách quân điền. Bên cạnh đó, quân đội thời Lê sơ còn theo chế độ “ngụ binh ư nụng”, bình thường vẫn cày cấy sản xuất, được chia khẩu phần ruộng thay lương, khi có chiến tranh tham gia quân đội thì được nhà nước cấp tiền lương và phụ cấp. Chế độ tô thuế thời kỳ này cũng không quá khắt khe nên nhân dân có cuộc sống khá ổn định.