Cải tiến phương pháp, tiêu thức lựa chọn hồ sơ kiểm tra, thanh tra

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế trong tiến trình hiện đại hoá công tác quản lý thuế ở việt nam hiện nay (Trang 79)

- Phân bổ kế hoạch dựa trên nguồn nhân lực

a.Cải tiến phương pháp, tiêu thức lựa chọn hồ sơ kiểm tra, thanh tra

Cần phải xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cấp quốc gia để phân bổ hợp lý nguồn lực thanh tra, kiểm tra. Kế hoạch này được hỗ trợ bởi một hệ thống báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra và chương trình cần dựa trên một phạm vi thanh tra, kiểm tra rộng với các tiêu thức đánh giá rủi ro để lựa chọn người nộp thuế để thanh tra, kiểm tra và cần sử dụng các loại hình thanh tra, kiểm tra khác nhau dựa trên các trường hợp cụ thể.

Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm hướng dẫn các Cục Thuế địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, xác định và chuyển tải các mục tiêu của kế hoạch cho các cán bộ thanh tra, kiểm tra địa phương; giám sát việc thực hiện kế hoạch.

Khi Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm chung về việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra quốc gia hàng năm, Cục Thuế địa phương sẽ chịu trách nhiệm cung cấp đầu vào liên quan đến các người nộp thuế mà họ quản lý, phân tích và lựa chọn các doanh nghiệp đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Cục Thuế địa phương chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các người nộp thuế .

Để đạt được các mục tiêu về kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn quốc hàng năm, thông thường số cán bộ thanh tra, kiểm tra chiếm khoảng 35% số cán bộ ngành thuế. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn quốc phải bao quát được một số lượng lớn người nộp thuế do ngành thuế quản lý. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn quốc phải phân loại các người nộp thuế trên cơ sở qui mô hoạt động (doanh thu và số thuế nộp), địa bàn (tỉnh, thành phố) và theo ngành kinh tế (Mã số ngành theo chuẩn quốc gia theo phân ngành kinh tế quốc dân).

Các Cục Thuế địa phương sẽ đánh giá, phân loại số người nộp thuế trong phạm vi mình quản lý theo quy mô, theo ngành kinh tế để xác định số lượng cuộc kiểm tra, thanh tra, loại hình kiểm tra, thanh tra (thanh tra toàn diện; thanh tra, kiểm tra hạn chế...) thoả mãn các mục tiêu của kế hoạch thanh tra toàn quốc của Tổng cục Thuế.

Kế hoạch thanh tra, kiểm tra được xây dựng phải đảm bảo người nộp thuế không bị thanh tra, kiểm tra trùng lắp bởi các cấp khác nhau và người nộp thuế không bị thanh tra, kiểm tra quá 1 lần về cùng một nội dung trong 1 năm trừ trường hợp người nộp thuế đề nghị hoàn thuế, hoặc bị truy thu số thuế lớn trong kỳ thanh tra, kiểm tra trước hoặc thanh tra, kiểm tra bất thường trong trường hợp có chứng cứ vi phạm pháp luật về thuế.

Cần sử dụng các tiêu thức phân tích, đánh giá rủi ro để lựa chọn các người nộp thuế cụ thể tương ứng với các loại hình thanh tra, kiểm tra khác nhau.

• Phạm vi và tính thường xuyên:

Người nộp thuế có qui mô lớn cần được thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn các người nộp thuế khác với phạm vi thanh tra, kiểm tra rộng hơn. Với các người nộp thuế này có thể thực hiện thanh tra, kiểm tra hàng năm (Theo kinh nghiệm các nước 2 năm/ 1 lần).

• Loại hình thanh tra, kiểm tra:

Chương trình thanh tra, kiểm tra sẽ bao gồm các cuộc thanh tra toàn diện (đối với tất cả các sắc thuế và các kỳ tính thuế), thanh tra, kiểm tra hạn chế. Phần lớn các cuộc thanh tra toàn diện được thực hiện với người nộp thuế lớn và chủ yếu diễn ra tại cơ sở của người nộp thuế nhiều hơn là thanh tra tại cơ quan thuế.

• Các đội thanh tra:

Cơ quan thuế thành lập các đội thanh tra, kiểm tra được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra các người nộp thuế lớn và vừa, có thể tăng số cán bộ thanh tra trong đội theo yêu cầu của cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong phạm vi thanh tra toàn diện, các đội cần được tổ chức theo các ngành để các cán bộ thanh tra, kiểm tra quen với các vấn đề đặc thù của những ngành cụ thể và các đội này cũng phải sử dụng các kiến thức đã được đào tạo cũng như kỹ thuật thanh tra theo từng ngành cụ thể.

• Phương pháp:

Các cán bộ thanh tra, kiểm tra cần được đào tạo về kỹ năng thanh tra, kiểm tra thuế để phát hiện các trường hợp không tuân thủ tinh vi như tránh thuế; lợi dụng giá chuyển nhượng (chuyển giá); lợi dụng cách giải thích chung của luật thuế áp dụng cho những trường hợp phức tạp.

• Trao đổi thông tin:

Cần tăng cường và liên tục việc thu thập, trao đổi và đối chiếu chéo thông tin giữa các người nộp thuế có qui mô lớn và các cơ quan chính phủ khác cụ thể là

với Hải quan, Kho bạc, Bộ Thương mại và các bên thứ 3 (nhà cung cấp cho các người nộp thuế lớn, khách hàng).

• Giám sát và rà soát đánh giá:

Việc thanh tra, kiểm tra các người nộp thuế lớn và các hoạt động thanh tra toàn diện đòi hỏi phải được giám sát và rà soát lại nhiều hơn so với thanh tra, kiểm tra người nộp thuế qui mô vừa, nhỏ.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế trong tiến trình hiện đại hoá công tác quản lý thuế ở việt nam hiện nay (Trang 79)