Bên cạnh ứng dụng chính của phytase trong thức ăn chăn nuôi, phytase cũng có nhiều ứng dụng trong quá trình chế biến và sản xuất thực phẩm cho con người [32]. Trung bình người trưởng thành sử dụng khoảng 1 g inositol mỗi ngày từ thực vật và động vật [136]. Lượng phytate lấy vào phụ thuộc vào lượng thức ăn có nguồn gốc thức vật, trung bình khoảng 2-2,6 g/ngày đối với những người ăn chay và những người sống ở các vùng ngoại ô của các nước phát triển, ngoài ra chế độ ăn giàu ngũ cốc, hạt đậu và đỗ tương cũng làm tăng hàm lượng phytate lấy vào [26, 35]. Những người ăn chay hầu hết ăn các sản phẩm nguyên hạt và các loại ngũ cốc đóng hộp, những người già thường có chế độ ăn không cân bằng với một lượng lớn các loại ngũ cốc, những người sống ở các nước phát triển thường ăn những loại bánh mỳ không lên men, các trẻ em thường ăn thức ăn nhiều đậu nành cũng làm tăng lượng phytate vào cơ thể. Như vậy với những tập tính ẩm thực khác nhau cũng có chi phối rất lớn đến hàm lượng phytate vào cơ thể.
Mặc dù đã có những nghiên cứu cho rằng phytate là một chất chống oxy hóa với hoạt tính kháng ung thư nhưng nó lại có những ảnh hưởng xấu liên quan tới sự thiếu hụt các nguyên tố khoáng mà ngày càng phổ biến ở một số nước phát triển và đang phát triển [113, 154]. Chỉ có một lượng rất thấp hoạt tính phytase hoạt động trong ruột của người do đó cần bổ sung phytase trong quá trình chế biến thức ăn cũng như trong ống ruột dạ dày [48]. Phytase được bổ sung vào thực phẩm phải có khả năng bền nhiệt để không bị biến tính trong quá trình chế biến và chịu được axit trong dạ dày cũng như với các enzyme tiêu hóa khác, mặt khác chúng có thể hoạt động trước khi chế biến và trong suốt thời gian bảo quản. Sandberg và cộng sự đã bổ sung phytase từ A. niger vào bột mỳ chứa cám mỳ có thể làm tăng sự hấp thụ sắt ở người [120]. Một số nghiên cứu cho rằng, có thể tạo ra các loại thực vật có hàm lượng thấp phytate bằng cách gây đột biến ở ngô, lúa mạch, gạo, đỗ tương, tăng hàm lượng phytase ở hạt nhờ chuyển gen, ăn nhiều hơn các loại hạt đang nảy mầm, sử dụng nấm men, các vi khuẩn lactic và các vi sinh vật khác có sản sinh phytase trong quá trình làm bánh mỳ, các thực phẩm lên men, sử dụng quá trình thủy phân phytate hiệu quả không cần enzyme trong suốt quá trình chế biến như ngâm nước,
loại bỏ nước nấu... Sự bổ sung phytase vào quá trình sản xuất bánh mỳ không chỉ làm giảm hàm lượng phytate mà còn làm tăng hàm lượng Ca2+ giải phóng từ phức IP6-Ca cho sự hoạt động của α- amylase, do đó gián tiếp làm tăng chất lượng bánh mỳ. Phytase từ thực vật và một số loại vi sinh vật an toàn như nấm men bánh mỳ, lactobacilli và bifidobacteria được ưa chuộng hơn cả do không gây các phản ứng đáp ứng miễn dịch ở người [35]. Để cải thiện khả năng hấp thụ các nguyên tố khoáng, sự phân giải inositol hexakis- và pentakisphosphates là rất cần thiết. Tuy nhiên, phytate và những dẫn xuất thấp hơn của chúng cũng có những ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe con người như phytate ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do (•OH), ức chế các phản ứng oxy hóa xúc tác bởi sắt do đó phytate được coi là một chất chống oxy hóa và chống ung thư ruột kết và ung thư vú [33, 48, 80]. Một số lợi ích khác của phytate như cải thiện các đáp ứng glucose, giảm cholesterol và triglycerides màng, khử tính độc của các kim loại nặng như cadmium và chì cũng như là một liệu pháp tốt điều trị sỏi canxi và chống lại bệnh sâu răng [53, 116, 159]. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng cứ thêm 2% phytate vào nước uống có thể làm giảm tỷ lệ mắc khối u ở chuột.