Chiến tranh phương tiện, con đường dẫn đến hôn nhân

Một phần của tài liệu Hôn nhân trong sử thi Tây Nguyên (qua khảo sát một số tác phẩm sử thi Ê Đê, Ba Na, Mơ Nông (Trang 77)

4 Cho đến nay, nhiều nhà khoa học vẫn khẳng định sự tồn tại thứ tự của hai loại hình thị tộc mẫu hệ và phụ hệ với chủ trương cho rằng thị tộc mẫu hệ tồn tại trước thị tộc phụ hệ và coi đó là quy luật phổ biến của xã

3.2.2. Chiến tranh phương tiện, con đường dẫn đến hôn nhân

Hôn nhân là nguyên do, là mục đích của chiến tranh, nhưng mặt khác, chiến tranh - đến lượt nó - lại trở thành phương tiện, con đường dẫn tới hôn nhân. Trong sử thi Cướp Bung con Klêt, chàng Lêng ước ao được lấy nàng

Bung làm vợ. Nhưng thay vì trao chuỗi vòng làm tin, rồi dạm hỏi, kết hôn, Lêng đã “lên kế hoạch” cho một cuộc chiến tranh cướp vợ và sẵn sàng đương đầu với đối thủ để chiếm đoạt bằng được người phụ nữ mà mình thích. Vì Lêng mà một cuộc chiến tương tàn đã xảy ra:

“Tiếng đánh gươm vang thấu tầng trời

Vang lên trời một đoạn dây diều

Họ chém nhau vào thân, vào lưng

Họ chém nhau vào đầu, vào chân

Họ chém nhau rơi từng núm tóc…”

Nhưng cũng thông qua cuộc chiến này mà Lêng đã sở hữu được người phụ nữ mà mình ước ao, đã đạt được mục đích của mình. Ở đây, chiến tranh là phương tiện, là con đường dẫn tới hôn nhân. Nhưng mặt khác, chiến tranh

- máu và cái chết cũng là cái giá không rẻ mà người anh hùng phải trả để có được một cuộc hôn nhân như ý.

Các anh hùng Dăm Săn, Mdrong Dăm, Giông… cũng đã phải lao vào những cuộc chiến để giữ hoặc giành lại người phụ nữ của mình, để bảo vệ cuộc hôn nhân của mình. Như vậy, trong sử thi Tây Nguyên, chiến tranh có một vai trò vô cùng quan trọng đối với hôn nhân. Chiến tranh là phương

tiện, là vũ khí để người anh hùng thực hiện các mục tiêu lấy vợ, giữ vợ hoặc giành lại vợ.

Những ví dụ trên đây cho thấy người anh hùng đã chủ động “nắm lấy” chiến tranh, đã chủ động “sử dụng” chiến tranh như một thứ vũ khí đắc lực và sắc bén để đạt được mục đích, nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, dù hôn nhân không nằm trong dự tính ban đầu, nhưng chiến tranh đã bất ngờ “đưa đẩy”, “dẫn dắt” người anh hùng đến với những cuộc hôn nhân tốt đẹp một cách thú vị.

Trong sử thi Giông cứu nàng Rang Hu, chính chiến tranh đã xe duyên cho cuộc hôn nhân giữa chàng trai thượng nguồn dũng cảm và cô gái xinh đẹp bị quái vật bắt cóc. Trước Giông đã có năm chàng trai khỏe mạnh khác đánh nhau với quái vật Jơ Gốk để cứu nàng Rang Hu, nhưng tất cả đều đầu hàng, bỏ cuộc. Dăm Hơ Dang Phang Yal lao xuống biển hồ để tìm giết quái vật nhưng sau ba ngày ba đêm, chàng không chịu nổi bèn ngoi lên mặt nước, đành uống rượu chia buồn với gia đình. Rồi lần lượt Giơ Hu Ơl, Glang Mam cũng từ bỏ cuộc chiến giữa chừng. Còn Jrai, Lao sau tám tháng lặn dưới biển sâu và tìm được chỗ ở của Jơ Gốk, tưởng chừng hai chàng trai ấy sẽ mang được nàng Rang Hu trở về, nhưng mới nghe Jơ Gốk cất tiếng hỏi thì cả hai đã run lên vì khiếp sợ và ngoi lên mặt nước. Khác với năm chàng trai kia, Giông tự tin và đầy bản lĩnh. Chàng xách gươm thiêng, khiên bạc lặn xuống

nước, vật lộn với Jơ Gốk khổng lồ. Cuộc chiến dữ dội đến mức trời đất cũng phải rung lên. Đây không chỉ là cuộc đấu lực mà còn là cuộc đấu trí. Chàng Giông thông minh đã đánh vào đầu, vào miệng, vào răng Jơ Gốk khiến nó phải mở miệng. Chàng chui vào trong bụng quái vật và gặp nàng Rang Hu. Sau khi giết chết Jơ Gốk, Giông và Rang Hu đã nên vợ nên chồng trong niềm vui của buôn làng. Như vậy, nếu Giông cũng đầu hàng, bỏ cuộc như năm chàng trai kia thì chàng sẽ không bao giờ có được Rang Hu. Nếu không có cuộc chiến giữa Giông và con quái vật kia thì sẽ không thể có cuộc hôn nhân tốt đẹp ấy. Giông lấy được nàng Rang Hu đó là nhờ vào sự dũng cảm, tài năng của chàng, và chiến tranh chính là phương tiện, là cơ hội để Giông thể hiện tài năng, sức mạnh và bản lĩnh ấy. Vì thế, chính chiến tranh đã đưa

Giông đến với Rang Hu, đã xe mối lương duyên cho một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Hôn nhân là phần thưởng xứng đáng dành cho kẻ thắng trận và người bất bại ấy là Giông. Trong sử thi này, hôn nhân là cái kết có hậu, khép lại một cuộc chiến tranh; nhưng chính cuộc hôn nhân ấy lại “châm ngòi” cho một cuộc chiến khác (vì ghen tức trước việc Giông và Rang Hu thành vợ thành chồng mà năm kẻ bại trận kia đã thách thức, gây sự với vợ chồng Giông). Điều đó cho thấy, trong sử thi Tây Nguyên, chiến tranh và hôn nhân quan hệ, ràng buộc nhau khăng khít đến mức nào.

Dăm Noi trong hơmon cùng tên đã tiến hành cuộc chiến tiêu diệt Drang hạ - Drang hơm vì mục đích trả thù. Drang hạ - Drang hơm chính là kẻ đã giết hại, tàn phá buôn làng Noi, là kẻ thù của Noi. Noi cầm gươm lên đường là để đòi nợ máu (Cướp vợ không nằm trong dự tính ban đầu của Noi). Nhưng chiến thắng trước kẻ thù đã mang lại cho Dăm Noi nhiều hơn những gì chàng muốn. Chàng Thánh Gióng của người Ba Na đã không chỉ rửa sạch mối thù truyền kiếp cho gia đình, cho buôn làng mà còn mang về

rất nhiều tôi tớ và phụ nữ xinh đẹp. Vì Dăm Noi đại diện cho cái thiện, cho lẽ phải, cho ước mơ, khát vọng, lí tưởng của cộng đồng nên trong cuộc chiến đấu sống còn với Drang hạ - Drang hơm, chàng đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ những nữ thần khiên, và cả những người phụ nữ của kẻ thù. Nhưng cũng chính Dăm Noi đã giải cứu cho những người phụ nữ ấy thoát khỏi sự cùm kẹp của con quỷ đội lốt người. Cảm phục Noi, rất nhiều cô gái đã đem lòng yêu Noi nhưng chàng chỉ lấy một người làm vợ là Bia Kơ Nhi, còn các cô gái khác chàng nhường cho các anh, các chú. Như vậy, chiến tranh đã mang đến cho Noi uy quyền, sức mạnh và những người phụ nữ. Hôn nhân ở đây, vì thế, cũng gần như một thứ “chiến lợi phẩm” của chiến tranh…

Tóm lại, mối quan hệ qua lại giữa chiến tranh và hôn nhân trong sử thi Tây Nguyên là rất mật thiết. Chiến tranh khởi nguồn từ hôn nhân nhưng chiến tranh cũng là phương tiện, là con đường dẫn tới hôn nhân. Trong khi đó, hôn nhân là kẻ châm ngòi, mở màn và cũng là người kết thúc, hạ màn

cho chiến tranh. Mở đầu và kết thúc của những cuộc chiến thường có sự góp mặt của hôn nhân. Vậy tại sao chiến tranh và hôn nhân lại quan hệ với nhau khăng khít, chặt chẽ và khó tách rời nhau đến vậy?

Thật thú vị, câu trả lời nằm ngay trong câu nói của nhân vật Lêng trong sử thi Mơ Nông Cướp Bung con Klêt: “Cướp vợ người tự hào ta giàu/ Đánh thắng trận tự hào ta tài”. Một câu trả lời không thể chính xác hơn. Bởi lẽ, chiến tranh và hôn nhân trong thời đại sử thi là “phương tiện” để người anh hùng khẳng định sức mạnh, quyền lực và uy thế của mình. Sở hữu những người phụ nữ giàu có xinh đẹp, đánh bại kẻ thù, giành lấy những chiến công là cách người anh hùng khuếch trương thanh thế và nâng cao quyền lực của mình. Nghĩa là, địa vị của người anh hùng tỉ lệ thuận với

những chiến công, thành quả mà anh ta có; và những thành quả ấy sẽ được tìm thấy ở đâu, tồn tại ở nơi nào nếu không phải là trong hôn nhân và trong những cuộc chiến đẫm máu. Chiến tranh và hôn nhân là hai yếu tố hỗ trợ nhau, “tung hứng” cho nhau trong việc góp phần khẳng định sức mạnh, bản lĩnh và quyền uy của người anh hùng. Bởi vậy, nếu đã đồng ý sử thi là những câu chuyện kể về sự nghiệp vĩ đại, phi thường của những người hùng thì không thể phủ nhận rằng chiến tranh và hôn nhân là hai đề tài phù hợp và thích đáng nhất đối với sử thi. Đó cũng chính là lí do cắt nghĩa vì sao chiến tranh và hôn nhân lại gắn bó với nhau bền chặt và khăng khít đến vậy. Mối quan hệ qua lại giữa chúng góp phần tạo nên một bức tượng đài kì vĩ về người dũng sĩ trong thời đại sử thi, góp phần làm nên chất anh hùng ca ở thể loại văn học độc đáo này.

CHƯƠNG 4

Một phần của tài liệu Hôn nhân trong sử thi Tây Nguyên (qua khảo sát một số tác phẩm sử thi Ê Đê, Ba Na, Mơ Nông (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)