Vấn đề giảng dạy câu đồng nghĩa và các dạng bài tập liên quan trong

Một phần của tài liệu Khảo sát các biến thể đồng nghĩa câu đơn trần thuật tiếng Việt và ứng dụng vào giảng dạy cho người nước ngoài (Trang 75)

5. Bố cục của Luận văn

3.1. Vấn đề giảng dạy câu đồng nghĩa và các dạng bài tập liên quan trong

trong các giáo trình dạy tiếng

Giáo trình dạy tiếng được xem là phương tiện không thể thiếu trong quá trình dạy tiếng. Người học trước hết phải thông qua các giáo trình dạy tiếng để tiếp cận với ngôn ngữ mới. Vì thế, phần lớn các hiện tượng ngữ pháp đều được đề cập đến trong các loại sách dạy tiếng Việt.

Về hiện tượng câu đồng nghĩa, người học đã được làm quen với các từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa từ trình độ sơ cấp (trình độ A). Cũng từ trình độ sơ cấp (A2), về mặt kiến thức, người học tiếng Việt phải đạt được yêu cầu “Nhận biết được các hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa, đa nghĩa” [20, tr. 75]. Các dạng bài tập phổ biến thường là bài tập tìm hoặc chọn từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa với từ đã cho. Trình độ trung cấp, vốn từ được mở rộng hơn, trong các giáo trình cũng xuất hiện nhiều cấu trúc ngữ pháp hơn trong đó có các cấu trúc ngữ pháp tương đương. Dạng bài tập phổ biến về hiện tượng câu đồng nghĩa là dạng bài viết lại câu sao cho nghĩa của câu không thay đổi. Mục đích của dạng bài tập này là luyện tập các cấu trúc ngữ pháp, yêu cầu của dạng bài tập này là dựa trên một câu cho sẵn, người học sử dụng một cấu trúc ngữ pháp tương đương để viết lại.

Bên cạnh học tiếng qua các giáo trình, việc dạy tiếng và học tiếng nói chung có thể được hình dung như một quá trình truyền và nhận thông tin giữa một bên là người phát (giáo viên) với một bên là người nhận (học viên) và

74

phương tiện được đưa ra trao nhận là ngôn ngữ, một thứ tiếng cụ thể mà người học cần. Việc dạy tiếng và học tiếng cũng có thể được xem như một hoạt động giao tiếp, trong đó người dạy đóng vai trò hướng dẫn người học hiểu, làm chủ được một ngôn ngữ mới, còn người học đóng vai trò người tìm hiểu, lĩnh hội một ngôn ngữ mới. Các giáo viên chính là những người trang bị cho học viên của mình vốn ngôn ngữ đầy đủ và những cách diễn đạt đa dạng để họ có thể giao tiếp tự nhiên nhất với người bản ngữ. Vì thế, không thể không kể đến vai trò của người giáo viên trong công tác dạy tiếng. Đối với các hiện tượng đồng nghĩa trong tiếng Việt, các giáo viên cũng đã cố gắng giới thiệu cho người học những kiến thức cơ bản về các hiện tượng đồng nghĩa. Trong quá trình giảng dạy, khi đưa ra một từ mới, các giáo viên thường đồng thời giới thiệu các từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với nó để người học ghi nhớ. Các giáo viên cũng là những người giúp học sinh của mình tổng hợp những cấu trúc ngữ pháp nào là tương đương, những cách diễn đạt nào là giống nhau. Một số giáo viên đã tự biên soạn những dạng bài tập rèn luyện vốn từ đồng nghĩa, trái nghĩa hay những dạng bài tập biến đổi câu ở nhiều hình thức khác nhau.

Nếu nhìn một cách khái quát thì hiện tượng đồng nghĩa và các câu đơn đồng nghĩa tiếng Việt cũng đã được đề cập đến trong quá trình dạy tiếng. Tuy nhiên, việc giảng dạy này cũng mới ở mức độ sơ sài và chưa đầy đủ. Cụ thể:

Trong các giáo trình dạy tiếng, số lượng các từ đồng nghĩa, trái nghĩa được giới thiệu tương đối ít, chủ yếu là các từ đơn giản, thiếu hẳn hoặc rất hạn chế trong mảng giới thiệu về các từ địa phương, các từ đa nghĩa hoặc các khẩu ngữ. Mặc dù các từ này đóng vai trò khá quan trọng trong việc tạo nên những phát ngôn đồng nghĩa nhờ phương pháp thay thế, nhưng các dạng bài tập hiện có chưa chú ý đến việc ứng dụng phương pháp này để tạo câu mới. Do đó, người học chưa có cơ hội rèn luyện kỹ năng thế từ để tạo câu đồng nghĩa.

Bên cạnh hệ thống từ vựng, các cấu trúc ngữ pháp tương đương được giới thiệu rời rạc, cách xa nhau và không có chú giải rõ ràng nên người học thường

75

lầm tưởng đó là những cấu trúc khác nhau. Hệ thống bài tập cũng đơn giản và đơn điệu, phần lớn là dạng bài viết lại câu. Người học không có cơ hội được rèn luyện các phương pháp biến đổi câu mà chỉ viết lại câu bẳng cấu trúc khác đã cho sẵn. Một số dạng bài tập khác như bài tập chọn câu đồng nghĩa với câu đã cho, bài tập ghép câu đồng nghĩa, bài tập chọn câu đồng nghĩa đúng,.. cũng có xuất hiện nhưng ít gặp và với một tần suất rất thấp.

Thiết nghĩ, rèn luyện những cách diễn đạt khác nhau cho người học là một vấn đề quan trọng bởi nó không chỉ giúp người học nắm vững được một đơn vị từ vựng hay một đơn vị ngữ pháp mà còn tạo cho người học tư duy sáng tạo, khả năng tổng hợp, liên kết các đơn vị ngôn ngữ với nhau. Khi đó, việc giao tiếp đối với người học giống như một “trò chơi xếp chữ” mà người học có thể chủ động làm chủ lời nói của mình. Vì vậy, dạy biến thể câu có liên quan đến sư phạm – ngôn ngữ học.

Một phần của tài liệu Khảo sát các biến thể đồng nghĩa câu đơn trần thuật tiếng Việt và ứng dụng vào giảng dạy cho người nước ngoài (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)