Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại Khánh Hòa (Trang 27)

Dựa trên các lý thuyết cấu trúc vốn trình bày ở mục trên, đã có rất nhiều nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn ở các quốc gia phát triển và đang phát triển. Các nhân tố tác động đến cấu trúc vốn đã được nhiều tác giả đưa vào mô hình nghiên cứu và có nhiều ý nghĩa nhất bao gồm: khả năng sinh lời của DN, TSCĐ hữu hình, thuế thu nhập DN, quy mô của DN, cơ hội tăng trưởng, đặc thù sản phẩm DN và tính thanh khoản của DN. Trong phần này, tác giả luận văn trình bày mối quan hệ giữa các nhân tố này với cấu trúc vốn đã được dự đoán bởi lý thuyết và phát hiện của các nhà nghiên cứu thực nghiệm.

* Khả năng sinh lời của doanh nghiệp: Theo lý thuyết trật tự phân hạng trong tài trợ (POT), khả năng sinh lời của doanh nghiệp và cấu trúc vốn có quan hệ tỷ lệ nghịch là do các doanh nghiệp có lợi nhuận cao sẽ ít phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn

phải huy động thêm từ bên ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp ưa chuộng sử dụng nguồn tài trợ nội sinh và lợi nhuận giữ lại, sau đó đến nợ vay và vốn chủ sở hữu nếu phải huy động vốn từ bên ngoài. Các doanh nghiệp có lợi nhuận cao sẽ sử dụng nguồn tài trợ nội sinh từ lợi nhuận giữ lại tích lũy qua các năm do đó sẽ ít sử dụng nợ vay. Các nghiên cứu của Nguyễn Hải Sơn (2001), Trần Thị Thanh Tú (2007), Lê Ðạt Chí (2013), cho thấy khả năng sinh lời và cấu trúc vốn có quan hệ tỷ lệ nghịch.

Tuy nhiên theo lý thuyết TOT, các doanh nghiệp có khả năng sinh lời cao sẽ sử dụng nhiều nợ vay bởi vì các doanh nghiệp có nhiều lợi nhuận sẽ có khả năng phá sản thấp và các doanh nghiệp này sử dụng nhiều nợ vay để tận dụng lợi ích thuế từ nợ vay. Mối quan hệ dương giữa khả năng sinh lời với cấu trúc vốn cũng được củng cố khi xét trên góc độ của phía cung. Theo Rajan và Zingales (1995) các chủ nợ thích cho các DN có dòng tiền cao vay mượn hơn. Các nghiên cứu trong nước của Nguyễn Ngọc Vũ (2004) Nguyễn Thành Cường (2008), cho thấy khả năng sinh lời và cấu trúc vốn có quan hệ tỷ lệ thuận.

* Quy mô của doanh nghiệp: Được đo lường bằng giá trị logarith của tổng tài sản Theo lý thuyết TOT, các doanh nghiệp lớn thường có khả năng vay mượn nhiều hơn vì thế quy mô của doanh nghiệp tỷ lệ thuận (+) với cấu trúc vốn. Điều này có thể được giải thích do các doanh nghiệp lớn thường đa dạng hóa và ít có khả năng phá sản nên có khả năng tiếp cận nợ vay nhiều hơn (Titman và Wessels, 1988). Theo Wiwattanakantang (1999), các doanh nghiệp lớn có lợi thế hơn các doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận thị trường tín dụng và có thể vay mượn với các điều kiện tốt hơn nên có đòn bẩy tài chính cao hơn. Một số nghiên cứu thực nghiệm khác cũng cho thấy quy mô doanh nghiệp và cấu trúc vốn có quan hệ thuận (Booth (2001), Rajan và Zingales (1995), Huang và Song (2006), Frank và Goyal (2009). Nghiên cứu của Nguyen và Ramachandran (2006), Biger và cộng sự (2008), Hidenobu Okuda và Lai Thi Phuong Nhung (2010), Nguyễn Thành Cường (2008), Nguyễn Văn Thắng (2013) cũng cho thấy quy mô tỷ lệ thuận với cấu trúc vốn các doanh nghiệp tại Việt Nam.

* Tính thanh khoản: Theo lý thuyết POT, các doanh nghiệp thanh khoản cao (có nhiều tài sản thanh khoản) sẽ ưa tiên sử dụng các tài sản này để đầu tư cho các dự án của mình, vì thế tính thanh khoản tỷ lệ nghịch với nợ vay. Các nghiên cứu của Ozkan (2001), Deesomsak và cộng sự (2004) tại các nước đang phát triển cho thấy tính thanh khoản của DN tỷ lệ nghịch với cấu trúc vốn.

* Cơ hội tăng trưởng (Growth opportunities): Lý thuyết đánh đổi cấu trúc vốn (TOT) cho rằng, những doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng lớn thường duy trì một tỷ số nợ thấp. Tức là, có một mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa cơ hội tăng trưởng và cấu trúc vốn. Các nghiên cứu thực nghiệm ủng hộ cho quan điểm này bao gồm Nikolaos và cộng sự (2007), Attaullah Shah và cộng sự (2007), Gurcharan (2010), Monica và cộng sự (2010), Akinlo (2011), Alhassan và cộng sự (2012). Tại Việt Nam, một số các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy cơ hội tăng trưởng có quan hệ tỷ lệ nghịch với cấu trúc vốn các doanh nghiệp (Nguyen và Ramachandran (2006), Nahum Biger, Nam V. Nguyen và Quyen X. Hoang (2008).

* Tài sản cố định hữu hình (Tangibility): Tài sản cố định hữu hình được xem là khoản thế chấp khi đi vay nợ của DN. Theo lý thuyết TOT, tài sản cố định hữu hình của doanh nghiệp tỷ lệ thuận với cấu trúc vốn (Harris và Ravis, 1990). Theo lý thuyết POT, do vấn đề chênh lệch thông tin nên TSCĐ hữu hình có thể được sử dụng như vật thế chấp trong trường hợp đi vay, các doanh nghiệp có nhiều TSCĐ hữu hình có thể đi vay dễ dàng hơn (Myers và Majluf, 1984). Tại Việt Nam, các tác giả Trần Thị Thanh Tú (2007) Nguyễn Văn Thắng (2013) cũng cho thấy, tài sản cố định hữu hình của doanh nghiệp tỷ lệ thuận với cấu trúc vốn.

* Thuế thu nhập doanh nghiệp (Tax): Tác động của thuế thu nhập DN đến cấu trúc vốn là nội dung chính trong các nghiên cứu về cấu trúc vốn. Theo lý thuyết TOT, các doanh nghiệp có mức thuế suất cao sẽ sử dụng nhiều nợ vay để tận dụng việc giảm trừ thuế từ lãi vay. Nếu thuế suất thuế thu nhập chính thức của các DN đều giống nhau thì thuế thu nhập thực tế (effective tax rate) của mỗi DN là khác nhau. Vì thế thuế thu nhập thực tế được sử dụng để đánh giá tác động của thuế lên chính sách của DN. Tại Việt Nam, các tác giả Lê Ðạt Chí (2013) Nguyễn Văn Thắng (2013) đã phát hiện mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa thuế TNDN với cấu trúc vốn.

* Đặc thù sản phẩm doanh nghiệp (Uniqueness): Theo Titman và Wessels (1988), đặc thù sản phẩm của doanh nghiệp có thể đo lường bằng tỷ lệ giá vốn hàng bán trên tổng doanh thu thuần hoặc tỷ lệ chi phí R&D trên tổng doanh thu. Các doanh nghiệp có các sản phẩm độc đáo thường có đòn bẩy tài chính thấp bởi vì nếu doanh nghiệp bị phá sản, thị trường thứ cấp có tính cạnh tranh cho hàng tồn kho và các thiết bị sản xuất của doanh nghiệp có thể không có. Do vậy, đặc thù sản phẩm của doanh nghiệp tỷ lệ nghịch với cấu trúc vốn doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại Khánh Hòa (Trang 27)