Phương pháp đánh giá mà Công ty lựa chọn là phương pháp thang điểm và MBO. Nhưng sử dụng hai phương pháp này thì hệ thống đánh giá chưa được toàn diện. Đánh giá theo thang điểm và mục tiêu thì chỉ đánh giá được NLĐ theo phương diện của nhà quản trị, không thể bao quát được tất cả, không thể đánh giá được một cách toàn diện nhất. Mặc dù có mục tiêu cụ thể, từng thang điểm cụ thể nhưng việc đánh giá có thể vẫn mang tính chủ quan của người đánh giá.
Vì vây, Công ty có thể sử dụng phương pháp 360°. Đánh giá 360° đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Khi tiến hành đánh giá, người quản lý sẽ được quyền xem xét toàn bộ thông tin đánh giá, điều này giúp họ có cái nhìn chính xác nhất về đối tượng cần được đánh giá. Và người quản lý sẽ không còn là người duy nhất đưa ra quyết định đánh giá. Đánh giá 360° có sự tham gia của nhiều thành phần trong quá trình đánh giá, bao gồm: nhà quản lý, nhân viên dưới quyền, đồng nghiệp và cả cá nhân tự đánh giá.
Lãnh đạo trực tiếp: Là người quan sát quá trình thực hiện công việc của người lao động, sẽ là người đánh giá chủ yếu và trực tiếp chỉ đạo, đưa ra các biện pháp điều chỉnh phù hợp để quá trình thực hiện công việc của người lao động có hiệu quả hơn. Lãnh đạo trực tiếp ở đây là các trưởng phòng, giám đốc khối, giám đốc vùng, giám đốc chi nhánh,…
Đồng nghiệp: Là những người cùng làm việc, hiểu rõ về kết quả thực hiện công việc của người cùng làm việc với mình. Do đó, họ có thể đưa ra những đánh giá phù
hợp về sự thực hiện công việc của người lao động. Ví dụ, trong phòng quản trị thông tin và chính sách nhân sự thì có thể để các nhân viên tự đánh giá về nhau. Có thể thể hiện bằng văn bản nhưng có thể là sự góp ý về quá trình làm việc của họ: như họ thường đi muộn, về sớm, không tập trung vào công việc trong giờ hành chính, sử dụng điện thoại vào các việc riêng,...
Nhân viên dưới quyền: Là người cùng làm việc và chịu sự điều hành quản lý của người được đánh giá. Trong quá trình thực hiện công việc, người dưới quyền cũng có một số nhận xét cơ bản về quá trình thực hiện công việc của cấp trên. Chẳng hạn nhận xét của nhân viên trong phòng cho trưởng phòng.
Tự đánh giá: Nhân viên sẽ được tự đánh giá về mức độ hoàn thành công việc của mình dựa trên các mục tiêu đã thống nhất với nhà quản trị từ đầu kỳ và những thang điểm cụ thể đã được đưa ra. Qua cách đánh giá này nhà quản trị có thể biết được nhân viên có đánh giá được khả năng của mình hay không và xác định được độ trung thực của nhân viên đó.
Sử dụng phương pháp đánh giá này, bộ phận phụ trách ĐGTHCV phải xây dựng được mẫu phiếu đánh giá để gửi đến từng đối tượng tham gia đánh giá.
Ví dụ về mẫu phiếu tự đánh giá đối với nhân viên:
Họ và tên: Mã nhân viên: Giới tính:
Chức danh: Phòng/ban: Đơn vị:
Ngày sinh: Ngày vào: Kỳ đánh giá:
Cán bộ quản lý trực tiếp: Chức danh: