Tiếp công dân là một khâu của quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo và có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý của các cấp các ngành. Luật Khiếu nại, tố cáo quy định việc tổ chức tiếp công dân trong Chương V, từ Điều 74 đến Điều 79. Chương này xác định trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước trong tổ chức tiếp công dân; cán bộ, công chức nghiệp vụ trong thực hiện việc tiếp công dân; quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo tại nơi tiếp công dân.
Pháp luật về khiếu nại, tố cáo quy định việc tiếp công dân nhằm mục đích tiếp nhận khiếu nại, tố cáo nhưng thực tế không phải như vậy. Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo có thể khiếu nại, tố cáo hoặc phản ánh, kiến nghị, thắc mắc về tất cả những vấn đề liên quan đến các mặt của đời sống xã hội. Tiếp công dân là kênh giao tiếp để người dân có thể góp ý, hiến kế, phản ánh, kiến nghị; các cơ quan, tổ chức có thông tin phản hồi về hệ thống và công tác điều hành quản lý của mình. Tiếp công dân còn là thủ tục để giải quyết các công việc theo thẩm quyền. Do vậy, tiếp công dân để nhận đơn thư, khiếu nại, tố cáo chỉ là một nội dung, một bộ phận của tiếp công dân nói chung.
Do còn có nhận thức rất khác nhau về mục đích, ý nghĩa của công tác tiếp công dân, cho nên việc tiếp công dân hiện nay tại tỉnh Ninh Bình nói riêng chưa được tổ chức với một mô hình thống nhất. Thông tin về tiếp công dân còn phân tán, chưa được quản lý thống nhất, chưa được phân tích xử lý triệt để phục vụ yêu cầu quản lý của các cơ quan, tổ chức và phục vụ yêu cầu đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật. Tình trạng người khiếu nại, tố cáo phải đi đến nơi tiếp công dân nhiều lần; nơi tiếp công dân thường xuyên hướng dẫn chuyển đơn và không tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, thắc mắc là hiện tượng phổ biến. Trong khi yêu cầu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ chỉ đạo triển khai "cơ chế một cửa" trong giải quyết công việc từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương. Do vậy, vấn đề này cần có các quy định như sau:
Một là, cần quy định cụ thể về mô hình tiếp công dân là nơi tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, thắc mắc và khiếu nại, tố cáo. Việc Luật Khiếu nại, tố cáo quy định nơi tiếp công dân chỉ hướng vào tiếp nhận khiếu nại, tố cáo mà không tiếp nhận kiến nghị, phản ánh, thắc mắc của dân nhưng thực tế thì không như vậy đã đưa đến một thực tế là việc thiết lập mô hình tiếp công dân rất khác nhau giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh.
Hai là, thiết lập "cơ chế một cửa" trong việc tiếp công dân. Việc tiếp công dân không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận vụ, việc thuộc thẩm quyền của cơ quan mình. Bởi việc xác định đúng thẩm quyền của cơ quan giải quyết đối với công dân là việc rất khó khăn. Thậm chí ngay các cơ quan giải quyết trong nhiều trường hợp cũng khó xác định thẩm quyền. Cho nên tiếp công dân với nghĩa là tiếp nhận toàn bộ các nguồn tin phản ánh, kiến nghị, thắc mắc và khiếu nại, tố cáo của công dân. Khi đó "cơ chế một cửa" trong tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo giúp cho người khiếu nại, tố cáo đơn giản trong việc thực hiện quyền của mình. Việc xử lý, chuyển đơn giải quyết khiếu nại thuộc cơ quan nào là công việc trong nội bộ cơ quan nhà nước.
Ba là, thiết lập cơ sở dữ liệu về nguồn thông tin qua tiếp công dân và phản hồi kịp thời về vụ, việc đã tiếp nhận, xử lý thời điểm bắt đầu đến khi giải quyết, thi hành các quyết định. Công khai về trạng thái của vụ, việc đến với người khiếu nại và người tố cáo, từ đó giúp cho quá trình kiểm tra, giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thiết lập hệ thống thông tin thống nhất về tiếp dân giữa các cơ quan ở trung uơng với cơ quan địa phương. Chia sẻ và kiểm soát thông tin của hệ thống dự báo những biến động của xã hội và những bất cập của quản lý.