pháp luật khiếu nại, tố cáo
Địa vị pháp lý của các chủ thể với nghĩa chung là xác định quyền nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật nào đó. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để bảo đảm cho các chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội đã được pháp luật điều chỉnh. Nó là cơ sở để mỗi bên xem xét, kiểm soát trách nhiệm, nghĩa vụ của bên kia, nhà nước quản lý, kiểm tra việc tuân theo pháp luật của các chủ thể. Các qui định của pháp luật cũng là cơ sở để xã hội kiểm soát trở lại hoạt động tuân theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức và các cá nhân có thẩm quyền. Xuất phát từ bản chất quyền khiếu nại, tố cáo và từ thực tiễn thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo cần phải hoàn thiện các quy định về địa lý pháp lý của các chủ thể trong quan hệ pháp luật khiếu nại, tố cáo theo hướng:
Xác định các chủ thể và mối quan hệ giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật khiếu nại, tố cáo. Khi phân tích các qui định hiện hành về các chủ thể trong quan hệ pháp luật khiếu nại, tố cáo cho thấy: Thực tế không có sự phân biệt giữa người bị khiếu nại và người giải quyết khiếu nại khi đối tượng của khiếu nại là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của các thủ trưởng cơ quan, tổ chức. Đây là một trong những cản trở lớn trong xác định
trách nhiệm giải quyết khiếu nại và xử lý các sai phạm có thể đối với các hành vi vi phạm. Đặc biệt hơn, nó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho người khiếu nại thiếu tin tưởng vào quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu. Xác định vị trí, vai trò các cơ quan tham mưu giúp việc và cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo quy định hiện hành việc tham mưu giải quyết vụ, việc phụ thuộc vào chủ quan của người có thẩm quyền giải quyết. Có những vụ, việc giao cho thanh tra là cơ quan thẩm tra, xác minh, kiến nghị; có vụ, việc giao cho cơ quan chuyên môn tham mưu giải quyết. Hơn thế nữa, mối quan hệ của các cơ quan này trong giải quyết vụ việc không được làm rõ gây cản trở lớn cho xác đinh trách nhiệm.
Để xác định rõ vị trí, vai trò các chủ thể trong quan hệ pháp luật khiếu nại, tố cáo thì có thể phân chia thành các nhóm sau:
Nhóm 1: Các chủ thể liên quan trực tiếp đến quyết định hành chính, hành vị bị khiếu nại, tố cáo. Người khiếu nại, người tố cáo - là người có quyền, lợi ích bị xâm hại bởi quyết định hành chính, hành vị hành chính; hoặc người thực hiện quyền tố cáo trước cơ quan nhà nước về hành vi vi phạm pháp luật. Người bị khiếu nại, người bị tố cáo - là người ban hành quyết định hành chính hoặc người thực hiện hành vi là đối tượng của khiếu nại, đối tượng của tố cáo.
Nhóm 2: Các chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo xác định theo từng cấp giải quyết và lần giải quyết xác định. Người giải quyết khiếu nại; người giải quyết tố cáo - là thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước. Có thể là chủ thể giải quyết lần đầu; giải quyết lần thứ hai đối với khiếu nại hoặc chủ thể giải quyết lần đầu và lần tiếp theo đối với tố cáo.
Nhóm 3: Các chủ thể có trách nhiệm tham mưu giúp việc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhóm này bao gồm các cơ quan thanh tra nhà nước các cấp; các cơ quan chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó cần xác định mối quan hệ giữa các cơ quan này và phân định nhiệm vụ, thẩm quyền cụ thể trách đùn đẩy trách nhiệm.
Nhóm 4: Các chủ thể có trách nhiệm, thẩm quyền quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại và tố cáo. Nhóm nay bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước từ Chính phủ, Bộ tới Ủy ban nhân dân các cấp.
Nhóm 5: Các chủ thể có trách nhiệm giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội khi tham gia vào quá trình giải quyết.
Mặc dù, khi xem xét tổng thể Luật Khiếu nại, tố cáo và các qui định liên quan chúng ta thấy rằng địa vị pháp lý của các chủ thể được đề cập ở mức độ khác nhau. Nhưng việc xác định vai trò, vị trí của các chủ thể đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không được rõ ràng, không phân định được trách nhiệm, giới hạn cụ thể của cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết mỗi vụ, việc. Hiện tượng thiếu trách nhiệm xảy ra trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không được khắc phục cơ bản có nguyên nhân về xác định trách nhiệm của các chủ thể.