Pháp luật là thành tựu của văn minh, của tiến bộ xã hội. Nó là cơ sở không thể thiếu được của tự do và dân chủ, của việc bảo vệ các giá trị của con người, của xã hội và Nhà nước. Trong xã hội Việt Nam hiện nay, pháp luật là công cụ quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa công dân và xã hội và điển hình nhất là mối quan hệ giữa công dân và Nhà nước. Vì thế, pháp luật ở phạm vi và lĩnh vực nào cũng cần phải có hiêu quả cao nhất.
Hiệu quả pháp luật là một trong những vấn đề cơ bản của lý luận chung về Nhà nước và pháp luật. Nó là vấn đề khá phức tạp trong khoa học pháp lý, cho đến nay có nhiều quan điểm về hiệu quả pháp luật.
Quan điểm thứ nhất: Xuất phát từ góc nhìn hiệu quả pháp luật từ chính pháp luật coi chất lượng của pháp luật là nhân tố ảnh hưởng quyết định tới hiệu quả pháp luật. Theo quan điểm này hiệu quả pháp luật được hiểu đồng nhất hoặc về cơ bản là đồng nhất với sự đúng đắn, tính tối ưu và có cơ sở của pháp luật.
Quan điểm thứ hai: Nhìn hiệu quả pháp luật từ việc áp dụng pháp luật, là mức độ đạt được những mục đích xã hội có ích mà vì chúng mà pháp luật được ban hành, phải xem xét hiệu quả pháp luật từ thực tiễn thực hiện pháp luật và áp dụng pháp luật.
Quan điểm thứ ba: Lại xem xét hiệu quả pháp luật từ góc độ kinh tế, cho rằng hiệu quả pháp luật được hiểu là sự đạt được mục đích đề ra khi ban hành quy phạm pháp luật với những chi phí thấp nhất.
Quan điểm thứ tư: Cho rằng hiệu quả pháp luật là khả năng của pháp luật có thể tác động được vào các quan hệ xã hội và có ý thức xã hội để điều chỉnh các quan hệ đó với những chi phí vật chất và tinh thần ít nhất, mang lại kết quả theo hướng cần điều chỉnh và cần được xác định của pháp luật.
Như vậy, hiệu quả pháp luật là một phạm trù pháp lý rất phức tạp, có nhiều cách xem xét, tiếp cận ở những góc độ khác nhau. Việc xem xét, đánh
giá hiệu quả pháp luật ở góc độ nào là tùy thuộc vào quan điểm và mục đích của người nghiên cứu. ở mỗi cách tiếp cận như vậy họ có thể đưa ra một khái niệm tương ứng về hiệu quả pháp luật, nếu tổng hợp tất cả các quan điểm đã nêu trên và xét theo quan điểm toàn diện thì có thể khái niệm về hiệu quả pháp luật như sau: "Hiệu quả pháp luật là kết quả đạt được trên thực tế do sự tác động pháp luật mang lại, phản ánh đúng mục đích, yêu cầu và định hướng mà pháp luật quy định với những chi phí thấp nhất và mang lại nhiều lợi ích xã hội" [43, tr. 17]. Khái niệm nêu trên là cơ sở để xem xét hiệu quả pháp luật ở các phương diện và cấp độ khác nhau: hiệu quả pháp luật của ngành luật, chế định luật, quy phạm pháp luật, của cơ chế điều chỉnh pháp luật, hiệu quả của các văn bản áp dụng pháp luật.
Tóm lại, để đánh giá hiệu quả pháp luật cần phải đặt chúng trong một hệ thống vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau, trong phạm vi thời gian, không gian, xác định với đối tượng áp dụng cụ thể (mục đích của pháp luật, chất lượng của pháp luật, tương quan giữa kết quả đạt được với quan hệ xã hội do có sự tác động của pháp luật, hiệu quả kinh tế trong điều chỉnh pháp luật).
1.2.3.2. Hiệu quả pháp luật về hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo -
hình thức đặc thù của hiệu quả pháp luật
Căn cứ vào tính chất của hoạt động thực hiện pháp luật, khoa học pháp lý xác định những hình thức thực hiện pháp luật sau:
- Tuân thủ pháp luật; - Thi hành pháp luật; - Sử dụng pháp luật; - Áp dụng pháp luật.
Như vậy, áp dụng pháp luật là một trong bốn hình thức của thực hiện pháp luật trong đó Nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật đề ra các quyết định cá biệt làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật cụ thể. Nếu
như tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật là những hình thức mà mọi chủ thể pháp luật đều có thể thực hiện được thì áp dụng pháp luật là áp dụng là hình thức luôn luôn có sự tham gia của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tiến trình thẩm tra, xác minh, kết luận và ra quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với khiếu nại, tố cáo. Giải quyết khiếu nại, tố cáo bao gồm hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, đó là quan hệ áp dụng pháp luật.
Áp dụng pháp luật là hoạt động thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước, nó vừa là hình thức thực hiện pháp luật vừa là một cách thức Nhà nước tổ chức cho các chủ thể thực hiện pháp luật. Mục đích trực tiếp của áp dụng pháp luật là đảm bảo cho những quy định của pháp luật được hiện thực hóa trong đời sống thực tế. Thiếu sự đảm bảo này thì trong nhiều trường hợp các quy định của pháp luật sẽ không thể hiện trong hoạt động thực tế, nói cách khác thông qua hình thức áp dụng pháp luật và bằng các thủ tục hành chính thì các quyền và nghĩa vụ cụ thể của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật mới được trở thành hiện thực.
Hiệu quả pháp luật trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo có thể hiểu là các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền trực tiếp căn cứ vào các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các văn bản có liên quan để giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả.
Từ những phân tích trên có thể khái quát hiệu quả pháp luật trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo như sau: Hiệu quả pháp luật trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo là kết quả của quá trình sử dụng quyền lực nhà nước, thông qua năng lực áp dụng pháp luật do các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tiến hành thẩm tra, xác minh, kết luận theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo để ra các quyết định xử lý các trường hợp cụ thể từ các khiếu nại, tố cáo của công dân nhằm xác định trách nhiệm pháp lý
cụ thể và đảm bảo quyền, nghĩa vụ tương ứng đối với các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Mục đích của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, mở rộng dân chủ.
Chất lượng của pháp luật khiếu nại, tố cáo là nhân tố trực tiếp ảnh hưởng tới hiệu quả pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Được ban hành trên cơ sở Hiến pháp, giữa pháp luật về khiếu nại, tố cáo với các văn bản pháp luật khác phải phù hợp với nhau. Mặt khác, các văn bản hướng dẫn thi hành phải thống nhất, đồng bộ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, phù hợp với ý thức pháp luật xã hội có như vậy thì pháp luật khiếu nại, tố cáo mới là tiền đề quan trọng để tác động và điều chỉnh có hiệu quả với các quan hệ pháp luật khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đánh giá kết quả thực tiễn đạt được do sự tác động, điều chỉnh của pháp luật khiếu nại, tố cáo cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan tới các quan hệ xã hội về khiếu nại, tố cáo là tính kinh tế của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Nếu kết quả thực tế đạt được trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tốt mà các chi phí cho các hoạt động đó ở mức thấp thì có thể coi là đạt kết quả kinh tế cao và ngược lại.
Hiệu quả pháp luật trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ phụ thuộc vào tính toàn diện của hệ thống văn bản pháp luật khiếu nại, tố cáo mà còn phụ thuộc vào việc Nhà nước ban hành kịp thời các văn bản pháp luật để điều chỉnh các quan hệ pháp luật khiếu nại, tố cáo nảy sinh sẽ có tính khả thi cao. Hiệu quả pháp luật trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ phụ thuộc vào tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo (luật, nghị định, thông tư…) mà còn phụ thuộc kỹ thuật lập pháp, lập quy khi xây dựng hệ thống văn bản pháp luật cần phải có tính hệ thống hóa cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động áp dụng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong cuộc sống.
Chương 2