6. Bố cục của luận văn
2.1.1. Các Tòa án có thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế tại Hoa Kỳ
2.1.1.1. Hệ thống Tòa án liên bang
Nằm ở vị trí cao nhất trong hệ thống tư pháp liên bang là Tòa án Tối cao liên bang, ở cấp độ trung gian có những Tòa án phúc thẩm khu vực, cấp thấp nhất là các Tòa án quận.
Tòa án Tối cao liên bang (Supreme Court): Tòa án Tối cao liên bang là Tòa
án cấp cao nhất của Hoa Kỳ. Tòa án này nổi tiếng không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở nước ngoài, nó được hưởng nhiều đặc quyền đặc biệt. Tòa án Tối cao có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hai loại trường hợp sau:
- Các trường hợp liên quan tới các nhà ngoại giao nước ngoài như đại sứ và
các nhà lãnh sự;
- Các trường hợp mà một bên liên quan là một bang. Khi có tranh chấp giữa
các bang với nhau và giữa bang với liên bang thì Tòa án Tối cao liên bang sẽ giải quyết toàn bộ những tranh chấp, những xung đột này. Đây là một trong những chức năng quan trọng nhất của Tòa án liên bang. Ở Hoa Kỳ không có một cơ quan nào khác có thẩm quyền như vậy.
Tất cả các trường hợp khác liên quan tới Tòa án Tối cao là những trường hợp phúc thẩm từ các Tòa án cấp dưới và trong những trường hợp này Tòa án Tối cao sẽ có quyền xét xử phúc thẩm cả về mặt pháp lý và nội dung. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao không xét xử hết các kháng cáo mà chỉ lựa chọn những trường hợp nhất định để xử phúc thẩm. Trong thực tiễn hầu như tuyệt đại đa số các vụ việc được xét xử bởi Tòa án Tối cao là kháng án đề nghị hủy bản án .
Tòa án Tối cao cũng có quyền xem xét tài phán, tức là có quyền tuyên bố luật do Nghị viện ban hành hoặc hành động của chính quyền liên bang, các bang và các địa phương là không hợp hiến.
Các Tòa án phúc thẩm (Court of Appeal): Cấp cao thứ hai trong hệ thống xét
xử liên bang bao gồm các Tòa án phúc thẩm. Hoa Kỳ có 13 khu vực phúc thẩm riêng biệt, mỗi khu vực có một Tòa án phúc thẩm. Mỗi Tòa án phúc thẩm có phạm vi xét xử trên nhiều bang (từ 3 đến 9 bang) và có thẩm quyền xem xét lại bản án của Tòa án quận bị kháng án trong phạm vi thẩm quyền của mình. Các Tòa án này chỉ xem xét lại về mặt áp dụng luật và có thể cả về hình phạt. Thông thường quyết định của Tòa án phúc thẩm khu vực có tính chất chung thẩm, bởi vì ở Hoa Kỳ có những quy định rất chặt chẽ và hạn chế các bên kháng cáo tên Tòa án Tối cao liên bang.
Các Tòa án quận (District Court): Tại thời điểm năm 1986, Hoa Kỳ có 94 Tòa
án quận liên bang. Trong những bang nhỏ chỉ thành lập một Tòa án quận, còn ở bang lớn thành lập nhiều Tòa án quận. Các Tòa án quận khi xét xử thông thường có một thẩm phán trừ trường hợp đặc biệt có ba thẩm phán. Các Tòa án quận liên bang có thẩm quyền xét xử những vụ việc trong lĩnh vực hàng hải, hải quan, liên quan tới đại sứ, các nhà ngoại giao; những vụ tranh chấp giữa hai hay nhiều bang; giữa công dân của nhiều bang; giữa công dân của cùng một bang tranh chấp đất đai mà nhiều bang có quyền cấp phát; giữa một tiểu bang hoặc công dân của một bang với nước ngoài hoặc công dân nước ngoài.
Các Tòa án chuyên biệt: Ngoài các Tòa án trên, ở cấp liên bang, Hoa Kỳ còn
có một số các Tòa án chuyên biệt như Tòa thỉnh cầu xét xử các tranh chấp về tiền tệ; Tòa án hải quan để giải quyết các vụ việc liên quan đến thuế và quota xuất khẩu, Tòa phát minh sáng chế [13].
2.1.1.2. Hệ thống Tòa án bang
Căn cứ vào các quy định của hiến pháp và luật, mỗi bang có một hệ thống Tòa án riêng biệt cho nên có sự khác nhau rất lớn trong tổ chức và hoạt động của Tòa án các bang với nhau và Tòa án bang với Tòa án liên bang, đặc biệt là đối với các Tòa
án sơ thẩm thì sự khác nhau này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn bởi Tòa án sơ thẩm đôi khi có cùng tên với Tòa án liên bang.
Ngoài những sự khác nhau như ta thấy hệ thống Tòa án của các bang có những điểm tương đồng. Có 2/3 các bang tổ chức hệ thống Tòa án theo 3 cấp và đối với 1/3 bang nhỏ chỉ tổ chức hệ thống Tòa án theo 2 cấp khác nhau. Đứng đầu hệ thống Tòa án của các bang là Tòa án Tối cao, trong một số bang Tòa án này có tên khác nhưng chức năng cũng tương tự. Tuyệt đại đa số các vụ việc về dân sự và hình sự được các Tòa án bang giải quyết.
Tòa án sơ thẩm cấp quận: Các Tòa án này được tổ chức theo quận hoặc theo
vùng, có thẩm quyền xét xử hầu hết các vụ án hình sự và dân sự xảy ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ, trừ những vụ án có tầm quan trọng thứ yếu thuộc thẩm quyền của các Tòa án cấp thấp nhất xét xử. Thành phần xét xử của các Tòa án này gồm có các thẩm phán chuyên nghiệp. Các phiên tòa xét xử chỉ do một thẩm phán chuyên nghiệp chủ toạ và đôi khi việc xét xử được trợ giúp bởi một bồi thẩm đoàn.
Tòa án phúc thẩm: Các Tòa án phúc thẩm có thẩm quyền kiểm tra lại hồ sơ vụ
án để xác định Tòa án cấp dưới đã áp dụng pháp luật đúng hay chưa và có quyền hủy bản án của Tòa án cấp dưới, gửi trả lại hồ sơ để xét xử lại. Tòa phúc thẩm cũng có quyền bác kháng cáo hoặc giữ nguyên bản án của Tòa án cấp dưới.
Tòa án Tối cao: Tòa án cấp cao nhất trong hệ thống Tòa án bang là Tòa án Tối
cao. Nói chung ở mỗi bang có một Tòa án Tối cao, tuy nhiên có bang lại có hai Tòa án Tối cao. Tòa án Tối cao thực hiện chế độ xét xử tập thể. Nhiệm vụ của nó là đảm bảo việc áp dụng đúng luật và thống nhất của các Tòa án cấp dưới.
Tòa án Tối cao có thẩm quyền xem xét lại tất cả các quyết định của Tòa án cấp dưới trực tiếp bị kháng án. Ngoài ra, Tòa án này có thẩm quyền phán xét tính hợp hiến của bang đối với các văn bản pháp luật do Nghị viện bang ban hành hoặc hành động của chính phủ và chính quyền địa phương. Tòa án Tối cao liên bang sẽ xem xét các kháng cáo chống lại các quyết định của Tòa án Tối cao bang, nếu quyết định này có liên quan đến lợi ích của liên bang [68].
Tòa án bang có thẩm quyền chuyên biệt đối với các vụ án dân sự được điều chỉnh bởi pháp luật của bang và người thường trú tại cùng bang đó.
Tòa án liên bang có thẩm quyền chuyên biệt đối với một số vụ việc điều chỉnh bởi luật liên bang, như các vụ án phá sản, sở hữu công nghiệp, tranh chấp hàng hải và phần lớn các vụ án phân biệt chủng tộc. Tòa án liên bang có thẩm quyền giải quyết các kháng án chống lại chính quyền liên bang.
Ngoài những lĩnh vực pháp luật chuyên biệt thuộc thẩm quyền của Tòa án liên bang và bang, có nhiều vụ việc thuộc thẩm quyền của cả Tòa án liên bang và bang. Khi Tòa án ở hai hệ thông cùng có thẩm quyền về một vụ việc như vậy thì các bên tranh tụng sẽ có quyền lựa chọn Tòa án để xét xử vụ án theo thủ tục sơ thẩm, bởi trong phúc thẩm, những vấn đề về pháp luật liên bang sẽ được kiểm tra lại bởi Tòa án liên bang.
Những vụ việc dân sự sau sẽ thuộc thẩm quyền của cả Tòa án liên bang và bang:
- Các vụ kiện liên quan tới luật liên bang;
- Các vụ kiện mà các bên tranh tụng có nơi cư trú tại hai bang khác nhau mà
giá trị tranh chấp lớn hơn 50.000 USD [13].