6. Bố cục của luận văn
1.3.1. Thẩm quyền xét xử riêng biệt
Mặc dù có các quy tắc xác định thẩm quyền của Tòa án dựa trên những mối liên hệ nhất định như quốc tịch, nơi cư trú, thường trú của đương sự hay sự liên hệ gần gũi của vụ việc đối với quốc gia có Tòa án hay sự lựa chọn của các bên, pháp luật của hầu hết các quốc gia đều có những quy định về thẩm quyền xét xử riêng biệt của Tòa án đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
Thẩm quyền xét xử riêng biệt là trường hợp quốc gia sở tại tuyên bố chỉ có Tòa án nước họ mới có thẩm quyền xét xử đối với những vụ việc nhất định. Nếu Tòa án nước khác vẫn tiến hành xét xử đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt, hậu quả là bản án, quyết định được tuyên bởi Tòa án nước này sẽ không được công nhận, cho thi hành tại quốc gia sở tại. Trong trường hợp này, kể cả các bên chủ thể thỏa thuận lựa chọn Tòa án nước khác thì về nguyên tắc, Tòa án nước đó cũng cần phải từ chối thụ lý vụ việc để tôn trọng thẩm quyền xét xử riêng biệt của quốc gia sở tại [5].
Thẩm quyền riêng biệt trong việc xét xử các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là thẩm quyền duy nhất luôn thuộc về Tòa án của một quốc gia trong những trường hợp đặc biệt. Thông thường, quốc gia ấn định cho Tòa án của quốc gia mình có thẩm quyền xét xử riêng biệt đối với những vụ việc có tính chất quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự của quốc gia (ví dụ: Việt Nam xác định thẩm quyền xét xử riêng biệt đối với các vụ án dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất
động sản có trên lãnh thổ Việt Nam) hay nhằm mục đích bảo vệ cho các cá nhân, pháp nhân, một lĩnh vực ngành nghề nào đó trong nước (ví dụ: Liên Bang Nga xác định thẩm quyền xét xử riêng biệt đối với tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Liên bang Nga) [11]. Vì thế, để chắc chắn rằng vụ việc có thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của quốc gia nào đó hay không, chỉ cần xem xét pháp luật của các quốc gia có mối liên hệ mật thiết tới vụ việc đó.