Trong giai đoạn hiện nay, NHNN đang cố gắng thực hiện việc tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, đưa ra một hệ thống văn bản pháp luật chặt chẽ và thống nhất để giúp cho các ngân hàng an tâm hơn trong tiến hành các hoạt động, tránh khỏi tình trạng gồng mình lên để đáp ứng các quy chuẩn thay đổi liên tục của NHNN. Với sự hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như các ngành nghề lĩnh vực khác, NHNN có thể học hỏi mô hình quản lý, quản trị rủi ro của Ngân hàng quốc gia các nước hay các tập đoàn ngân hàng lớn trên thế giới. Dưới đây là kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang
Đức về mô hình xây dựng ngân hàng Bảo lãnh- một mô hình đã triển khai thành công mà chúng ta có thể học tập và áp dụng.
Trong hoạt động tín dụng, các cá nhân và doanh nghiệp muốn vay vốn từ ngân hàng đều phải có tài sản đảm bảo. Trong rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp thiếu vốn nhưng không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng do thiếu tài sản bảo đảm. Các ngân hàng bảo lãnh ra đời giải quyết thực tiễn khó khăn này.
Ngân hàng Bảo lãnh ở Đức được thành lập và hoạt động theo luật công ty. Chức năng chủ yếu của nó là bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn ngân hàng trong trường hợp các doanh nghiệp này hoạt động tốt nhưng thiếu tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng. Ngân hàng Bảo lãnh sẽ đứng ra bảo lãnh phần tiền vay thiếu tài sản thế chấp cho các doanh nghiệp đề nghị. Nguồn thu chủ yếu của Ngân hàng Bảo lãnh đến từ việc kinh doanh chứng khoán có giá, lệ phí 1% giá trị bảo lãnh và hoa hồng bảo lãnh cả năm. Theo quy định của Đức, khi có rủi ro trong khoản vay thì Ngân hàng Bảo lãnh chịu 80% và ngân hàng cho vay chịu 20% còn lại. Ngân hàng Bảo lãnh có mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế để được hỗ trợ và bảo lãnh lại. Ngoài ra, ngân hàng này còn nhận được sự tham gia cấp vốn, tư vấn, quan hệ công việc và khách hàng xin bảo lãnh từ Ngân hàng Tín dụng tái thiết, các NHTM và các quỹ tiết kiệm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này.
Ngân hàng Bảo lãnh ở Cộng hòa Liên bang Đức đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này. Để được bảo lãnh, các doanh nghiệp gửi toàn bộ hồ sơ xin vay đến Ngân hàng Bảo lãnh của mình. Sau khi thẩm định toàn diện dự án vay vốn và khả năng trả nợ, hiệu quả kinh tế, giá trị tài sản thế chấp,…, nếu thấy phương án vay vốn tốt, dù giá trị tài sản có nhỏ hơn khoản tiền vay, doanh nghiệp vẫn được chấp nhận bảo lãnh.
Có thể thấy rằng, mô hình ngân hàng Bảo lãnh ở Cộng hòa Liên bang Đức khá phù hợp với tình hình thực tiễn nước ta hiện nay. Như đã từng đề cập đến ở trên, 90% doanh nghiệp nước ta là loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất khó khăn trong việc tìm vốn để đầu tư tiếp tục sản xuất, kinh doanh; trong khi vốn ngân hàng đang có thừa nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ này không đủ các điều kiện về tài
sản bảo đảm và các yếu tố khác để ngân hàng có thể thông qua hồ sơ cho vay. Một phần nữa, thị trường hiện nay đang rơi vào trạng thái ảm đạm ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, cho nên, các chủ doanh nghiệp cũng không dám mạnh dạn xin vay vốn, thực hiện dự án, làm cho thị trường càng rơi vào tình thế chững. Lúc này, vai trò của mô hình Ngân hàng Bảo lãnh đóng vai trò hiệu quả trong việc giải quyết khó khăn trên. Đứng ra đảm bảo uy tín thay cho doanh nghiệp, tạo thêm niềm tin cho ngân hàng, san sẻ rủi ro cho ngân hàng, Ngân hàng Bảo lãnh có thể giúp tháo gỡ cho rất nhiều doanh nghiệp thiếu vốn hiện nay.
Thêm vào đó, để hạn chế rủi ro tín dụng cho hệ thống ngân hàng, NHNN cần quy định cụ thể, chặt chẽ, bắt buộc các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tình hình dư nợ, khả năng trả nợ, nợ xấu của khách hàng tại các tổ chức tín dụng cho Trung tâm Thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước (CIC). CIC cần thường xuyên thông tin về các doanh nghiệp và cảnh báo những khách hàng vay vốn có vấn đề để các NHTM biết và phòng ngừa.
Các nội dung liên quan đên kiểm soát và xử lý rủi ro tín dụng tuy đã được điều chỉnh tương đối toàn diện tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ là các quyết định, thông tư do Thống đốc Ngân hàng và NHNN ban hành như Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trich lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng; Thông tư số 15/2006/TT- NHNN của NHNN quy định về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đối với tổ chức tín dụng; Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN về việc ban hành quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thiết nghĩ, để đảm bảo tính hiệu lực pháp lý cao của các quy định liên quan đến rủi ro tín dụng, pháp luật về vấn đề này cần được tập trung trong văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cao hơn ban hành như Nghị định của Chính phủ hay Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng có thể thấy rằng, các văn bản quy định về rủi ro trên đã được ban hành và áp dụng trong một thời gian khá dài nên việc xem xét, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế là cần thiết, tạo điều kiện, công cụ và cơ sở
pháp lý thuận tiện hơn cho các tổ chức tín dụng trong việc phân loại, quản lý nợ và kiểm soát rủi ro trong hoạt động tín dụng. Cùng với đó, có thể nâng cao các chỉ tiêu an toàn phù hợp với chuẩn mới về điều kiện an toàn của quốc tế như Nguyên tắc Basel III.
NHNN cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát các ngân hàng thương mại thông qua hình thức giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ; cảnh báo các ngân hàng thương mại có nguy cơ gặp rủi ro cao; cần có quy định buộc các ngân hàng phải thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ để tiện cho việc quản lý của NHNN; đưa ra các hình phạp thật nghiêm khắc đối với các ngân hàng vi phạm, cố ý vượt rào trong các giới hạn an toàn mà NHNN đưa ra.