Nâng cao chất lượng và phẩm chất cán bộ tín dụng

Một phần của tài liệu luận văn báo cáo: Hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội Chi nhánh Hoàn Kiếm (Trang 69)

Không chỉ ở riêng Ngân hàng TMCP Quân đội mà ở hầu hết các ngân hàng khác trong cả nước, hoạt động tín dụng đã được xây dựng với một quy trình khá chặt chẽ và đảm bảo được an toàn cho khoản vay nếu được triển khai đúng với từng bước hướng dẫn. Nhưng hiện tượng rủi ro tín dụng vẫn xảy ra, loại bỏ các nguyên nhân từ phía bên ngoài, việc rủi ro tín dụng do sự thiếu ý thức, tránh nhiệm và kinh nghiệm của nhân viên tín dụng là hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam.

Có thể nói, con người là yếu tố quyết định đến thành công hay thất bại của một ngân hàng. Để đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ ngân hàng, có thể thể hiện qua các yếu tố: số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, cơ cấu nhân sự, phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý và tác nghiệp.

Một cán bộ tín dụng giỏi là một người có hiểu biết rộng vè pháp luật, tinh thần trách nhiệm cao với công việc, phẩm chất đạo đức tốt, am hiểu kiến thức chuyên môn về lĩnh vực mình quản lý, có cái nhìn sắc bén và trọng tâm vào các đối tượng khách hàng giao dịch. Với một cán bộ giỏi và có kinh nghiệm giao dịch với khách hàng, họ có thể nhận ra rất nhiều vấn đề để ra quyết định đầu tư và khả năng thành công của dự án chỉ qua những lần tiếp xúc, đàm phán với khách hàng.

Đội ngũ nhân viên của MB Hoàn Kiếm có ưu điểm là sự trẻ trung và nhiệt tình trong công việc. Không chỉ riêng Chi nhánh mà đây có thể nói là đặc điểm chung của lực lượng cán bộ MB do ngân hàng cũng là một ngân hàng còn khá trẻ trong ngành ngân hàng. Chính vì vậy, việc quản lý chất lượng và sàng lọc nhân viên còn mới ở giai đoạn sơ khai và chưa chú trọng đến. Một giải pháp hữu hiệu có thể đưa ra, vừa nhằm nâng cao tinh thần thi đua của nhân viên và dễ dàng hơn trong công tác đánh giá chất lượng cán bộ nhân viên đó là việc tiêu chuẩn hóa cán bộ tín dụng. Theo đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý rủi ro tín dụng có kinh nghiệm, có kiến thức, có khả năng nhanh nhạy khi xem xét, đánh giá các đề xuất tín dụng được đưa ra. Ngân hàng cũng có thể xây dựng một hệ tiêu chuẩn với cán bộ rủi to tín dụng như đánh giá trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, thời gian trải qua công tác tại các bộ phận,…. Những chỉ tiêu này sẽ là các tiêu chuẩn giúp nhân viên có thể xử lý nhanh chóng, hiệu quả và có một sự thận trọng hợp lý trong quá trình thẩm định, phân tích và giám sát tín dụng. Đồng thời, cần nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ ngân hàng, theo đó mỗi nhân viên đều có khả năng áp dụng các công nghệ kỹ thuật hiện đại vào công việc, có khả năng làm việc hỗ trợ theo nhóm, thực hiện đầy đủ hết phần công việc của bản thân và tương trợ các bộ phận khác.

Với tình hình của chi nhánh, hiện nay chi nhánh có 06 phòng giao dịch trực thuộc; đội ngũ nhân viên trẻ, chưa gắn bó lâu với Chi nhánh và dễ vấp phải những cái bẫy của những đối tượng kinh doanh dày dặn kinh nghiệm trên thị trường. Việc mở các khóa tập huấn ngắn hạn, tổ chức các buổi giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các nhân viên trong chi nhánh là biện pháp hữu hiệu để có thể nâng cao công tác nghiệp vụ và tăng sự giao lưu, hiểu biết giữa các nhân viên cùng chi nhánh. Việc mời các chuyên gia uy tín về đạo tạo các kỹ năng mềm, học tập kỹ năng giao tiếp và cử chỉ ngôn ngữ cơ thể để đoán tính cách và phân tích thái độ là những yếu tố quan trọng và hữu ích cho công tác của những nhân viên tín dụng nói riêng và nhân viên ngân hàng có yêu cầu tiếp xúc với khách hàng nói chung.

Cùng với đó, trong cơ cấu nhân sự của chi nhánh tại các bộ phận, ngân hàng cần đặc biệt chú trọng chất lượng nguồn nhân lực ở bộ phận thẩm định. Đây là một bộ phận có thể nói là quan trọng nhất trong vấn đề quyết định khả năng hạn chế rủi

ro trong hoạt động này. Đối với nhân viên tín dụng, có thể tuyển các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, nhưng nhân viên thẩm định chắc chắn phải là những người xuất sắc, chứ không phải chỉ cần có kinh nghiệm là đủ. Với kỹ thuật làm giả giấy tờ, hồ sơ ngày càng tinh vi, đội ngũ nhân viên thẩm định tốt có thể tháo gỡ nhiều mối lo về rủi ro trong điều kiện thông tin khách hàng chưa được thực sự minh bạch trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài trình độ nhân viên, đạo đức nghề nghiệp cũng cần phải được chú ý. Rủi ro đạo đức là một vấn đề nổi cộm trong rủi ro tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian gần đây. Thực tế đã có trường hợp nhân viên phòng tín dụng lợi dụng chức vụ, quyền hạn ký khống nhiều hợp đồng bảo lãnh không hồ sơ, không hạch toán và không thu phí; hay một hồ sơ vay mà giá trị tài sản đảm bảo dưới mức chuẩn cấp số vốn đó rất nhiều lần, hồ sơ thông tin doanh nghiệp mập mờ, không rõ ràng mà vẫn được quyền cho vay. Có thể thấy, quy trình đưa ra đã đạt chuẩn, nhưng nhân viên tín dụng cần phối hợp thực hiện đúng theo quy trình, nguyên tắc đặt ra thì rủi ro tín dụng mới có thể hạn chế được. Trên lý thuyết, rủi ro đạo đức đến từ cả nhân viên và khách hàng. Và ở trên thực tế, thì thường là sự liên minh, cấu kết từ cả hai phía, rủi ro đạo đức của khách hàng và của nhân viên là đi liền với nhau. Tình trạng này là hệ quả của việc làm ăn theo quan hệ. Một hiện tượng nữa cũng đáng quan tâm là nhiều cán bộ ngân hàng hàng đã rơi vào cảnh vỡ nợ do vay mượn ở bên ngoài. Những hoạt động này chỉ khi xảy ra tổn thất nghiêm trọng mới được phát hiện, gây thiệt hại và giảm uy tín của ngân hàng. Chính vì vậy, cần nâng cao công tác quản lý con người để vừa tăng uy tín của ngân hàng và phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Hiện nay, do có nhiều phòng giao dịch trên địa bàn nên việc phân tán trong quản lý là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, hệ thống cần nâng cao các quy định trong nội bộ để tăng cường quản lý chất lượng nhân viên. Một sự kiểm soát chặt chẽ trong quy định sẽ tạo được ý thức kỷ luật cao cho nhân viên, tạo nên một văn hóa làm việc lành mạnh tại Ngân hàng. Đảm bảo mức tiền lương hợp lý cho nhân viên để họ có thể trung thành và tránh khỏi những cám dỗ từ việc móc nối, nhận tiền hoa hồng từ khách hàng đến vay để làm giả giấy tờ. Ngân hàng cũng có thể tổ chức các đợt

thi đua trong toàn thể nhân viên để họ có hứng thú trong công tác và có thêm động lực phấn đấu.

Một phần của tài liệu luận văn báo cáo: Hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội Chi nhánh Hoàn Kiếm (Trang 69)