Là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực kiểm toán, cùng với đó là bề dày lịch sử đã được xây dựng hàng thập kỉ đã cho phép KPMG xây dựng được quy trình kiểm toán với sự hỗ trợ đắc lực của các công cụ hữu ích như MUS, Vecto … và gần đây nhất là bộ phần mềm e-audit. Theo đó, quy trình đánh giá rủi ro kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính được xây dựng khá hoàn thiện và hiệu quả với nhiều ưu điểm sau:
• Tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình chuẩn mực được chấp nhận rộng rãi
Quy trình đánh giá rủi ro kiểm toán do KPMG Việt Nam thực hiện tuân thủ theo đúng các quy định và hướng dẫn của chuẩn mực kế toán Việt Nam, chuẩn mực kế toán quốc tế, phương pháp kiểm toán của KPMG, và các quy định pháp lý có liên quan. Tuy nhiên, KPMG không vận dụng các quy định, hướng dẫn này một cách máy móc, mà được kết hợp một cách linh hoạt, áp dụng vào thực tiễn môi trường kinh doanh tại Việt Nam một cách nhuần nhuyễn, chính điều đó đã giúp KTV dễ dàng và chủ động hơn trong công việc của mình.
• Quy trình đánh giá rủi ro kiểm toán được xây dựng một cách khoa học với từng bước công việc cụ thể
Là thành viên của KPMG quốc tế, quy trình kiểm toán tại KPMG Việt Nam được áp dụng một cách nhất quán theo mô hình kiểm toán chung của mạng lưới KPMG toàn cầu. Theo cách thức này, việc đánh giá rủi ro được thực hiện theo các bước cơ bản nhằm xác định các thông tin thích hợp giúp KTV có thể tiến hành cuộc kiểm toán một cách hợp lý, và hiệu quả. Một mặt, điều này giúp việc đánh giá rủi ro trở nên nhanh gọn, tiết kiệm thời gian và chi phí mặt khác nó giúp việc đánh giá rủi ro vẫn đảm bảo khoa học và hiệu quả. Những thông tin cần thu thập đã được hướng dẫn trong phương pháp kiểm toán KPMG (KAM), tuy nhiên với từng khách hàng cụ thể, KTV sẽ thu thập những thông tin thích hợp và cần thiết một cách linh hoạt, chứ không dập khuôn máy móc. Điều này không những giúp KTV giảm chi phí và thời gian thực hiện cuộc kiểm toán, mà nó giúp KTV có cái nhìn khái quát nhất về khách hàng.
• Quy trình đánh giá rủi ro kiểm toán được thực hiện bởi KTV có nhiều kinh nghiệm và được kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ từ các Giám đốc kiểm toán, Chủ phần hùn.
Quá trình đánh giá rủi ro kiểm toán rất phức tạp, đòi hỏi rất nhiều ở sự phán xét nghề nghiệp của KTV, đòi hỏi KTV phải có đủ năng lực cũng như kinh nghiệm để thực hiện quá trình này. Do vậy, tại KPMG, đánh giá rủi ro kiểm toán luôn được thực biện bởi các Giám đốc kiểm toán, thậm chí là các chủ phần hùn. Quá trình đánh giá rủi ro được dựa trên những thông tin tài liệu đã được thu thập từ các trưởng nhóm kiểm toán, những người đảm bảo về năng lực và kinh nghiệm kiểm toán. Theo đó, các Giám đốc kiểm toán sẽ nhận diện được những vùng có mức rủi ro cao, từ đó xác định mức rủi ro
kiểm toán cũng như lập kế hoạch kiểm toán phù hợp nhằm làm giảm rủi ro kiểm toán xuống mức có thể chấp nhận được.
• Quy trình đánh giá rủi ro được tiến hành một cách thận trọng
Nhìn chung, việc đánh giá rủi ro là thống nhất và không có nhiều sự khác biệt giữa các phòng kiểm toán thuộc lĩnh vực khác nhau. Quy trình đánh giá rủi ro luôn được thực hiện dựa trên việc đánh giá rủi ro của các sai phạm trọng yếu trên phương diện toàn bộ BCTC, số dư khoản mục và loại nghiệp vụ. Trong đó, rủi ro của các sai phạm trọng yếu được xác định dựa trên đánh giá mức rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát tương ứng; Mặc dù quy trình đánh giá rủi ro không đưa ra được kết luận trực tiếp về rủi ro phát hiện, tuy nhiên, các thủ tục kiểm toán được thiết kế hiệu quả dựa trên đánh giá rủi ro về các sai phạm trọng yếu sẽ giúp KTV tìm hiểu và phát hiện được những vấn đề, khoản mục, loại nghiệp vụ chứa đựng rủi ro; Theo đó, KTV sẽ thiết kế các thủ tục kiểm toán nhằm làm giảm rủi ro của các sai phạm phát hiện được tới mức có thể chấp nhận được, từ đó làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán. Mặt khác, các khách hàng thường có sự khác biệt về quy mô và lĩnh vực hoạt động nên việc đánh giá rủi ro cũng có những sự khác biệt liên quan đến xác định rủi ro cho các khoản mục và loại nghiệp vụ trọng yếu. Một cách cụ thể, đối với khách hàng là ngân hàng, tổ chức tài chính, trọng tâm cuộc kiểm toán thường tập trung vào các khoản cho vay, tiền gửi trong khi đó ở bộ phận sản xuất lại thường tập trung đến các khoản liên quan đến chi phí, doanh thu; ở các khách hàng thuộc bộ phận dự án, các nghiệp vụ chi tiền lại được tập trung, chú ý hơn cả.
• Vận dụng thủ tục phân tích trong đánh giá rủi ro kiểm toán
Thủ tục phân tích mà đặc biệt là kỹ thuật phân tích ngang rất hay được các KTV của KPMG sử dụng để đánh giá sơ bộ về tình hình tài chính khách hàng, bao gồm so sánh số liệu các năm, so sánh với số liệu của toàn ngành…
Nguồn thông tin sử dụng để phân tích không chỉ là số liệu thu thập từ khách hàng mà còn được sử dụng thông tin từ các bên độc lập. Điều này làm tăng hiệu quả của việc sử dụng các thủ tục phân tích, do tính chính xác của số liệu được đảm bảo. Từ đó, KTV có thể đưa ra kết luận chính xác về những biến động bất thường trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của khách hàng, và rút ra được những đánh giá chính xác về rủi ro kiểm toán.