Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy phạm pháp lý thuộc các lĩnh vực vận tải và liên quan đến vận tải, kinh doanh thương mại... theo hướng đầy đủ, chi tiết, thống nhất và phù hợp thông lệ quốc tế. Cụ thể:
- Khắc phục ngay các xung đột và bất hợp lý đã phân tích ở trên trong các văn bản như: Nghị định 125/2003/NĐ-CP ngày 29/10/2003, Thông tư số 10/2004/TT-BGTVT ngày 23/6/2004, Thông tư liên tịch số 08/2004/TTLT – BTM-BTC-BGTVT ngày 17/12/2004, Nghị định 79/2005/NĐ-CP ngày 16/6/2005, Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 ...v...v...
- Chi tiết hóa các quy định mang tính chất chung chung, chưa rõ ràng để tạo một cách hiểu và áp dụng pháp luật thống nhất. Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 ghi nhận có loại hình dịch vụ logistics đó là
“các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác” và quy định thương nhân nước ngoài
không được thực hiện dịch vụ này trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác (khoản 2 điều 7). Theo cách phân loại CPC của Liên Hợp quốc mà WTO sử dụng thì các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác này rất đa dạng, trong số đó có cả những dịch vụ mà theo cách phân loại của Nghị định 140/2007/NĐ-CP thì thuộc loại hình dịch vụ logistics chủ yếu như bốc xếp, đại lý vận tải... Cần định lượng cụ thể chứ không thể chỉ
quy định điều kiện mang tính cảm tính như tại Nghị định này: “có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu” đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ
logistics chủ yếu. Quy định các điều kiện cụ thể để cấp phép kinh doanh bán buôn bán lẻ, điều kiện lập cơ sở bán lẻ sau cơ sở thứ nhất mà quy định hiện tại chưa rõ ràng…
- Sớm ban hành hướng dẫn cụ thể các vấn đề liên quan đến vận tải biển còn chưa được quy định như tiêu chuẩn sức khỏe thuyền viên làm việc trên tàu biển, thủ tục bắt giữ tàu biển.. để hoàn thiện quy phạm pháp lý về hàng hải với trung tâm là Bộ luật hàng hải 2005; ban hành luật Bưu chính thay cho Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông đã lỗi thời, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh chuyển phát...
- Sửa đổi chính sách thuế cho phù hợp để khuyến khích sự phát triển của dịch vụ logistics thông qua chuyển dịch cơ cấu đầu tư ngành của xã hội, bao gồm:
+ Áp dụng thuế suất thuế GTGT mức 0% đối với các dịch vụ xuất khẩu vận tải biển quốc tế và hàng hóa cung ứng trực tiếp cho xuất khẩu vận tải biển quốc tế (hiện không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT); dịch vụ bốc xếp trung chuyển container (hiện áp dụng chung cho dịch vụ bốc xếp là 5%). Luật thuế GTGT năm 2008 có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 đã giải quyết trường hợp các dịch vụ xuất khẩu vận tải biển quốc tế và hàng hóa cung ứng trực tiếp cho xuất khẩu vận tải biển quốc tế với mức thuế suất 0%.
+ Điều chỉnh mức thuế suất GTGT từ 10% xuống còn 5% đối với các dịch vụ cho thuê nhà kho, bến bãi, nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và dịch vụ đại lý tàu biển. Việc điều chỉnh thuế suất ban đầu có thể gây thất thu ngân sách nhưng tạo thêm các cơ hội kinh doanh, thu hút đầu tư của xã hội vào các ngành dịch vụ logistics, từ đó nhà nước có thể thu ngân sách từ các khoản khác ngoài thuế GTGT.
+ Tính toán áp dụng chính sách chế độ phụ thu hoặc áp thuế XNK bổ sung đối với hàng hóa NK theo điều kiện giao hàng đã có cước vận tải (giá C&F, CIF) và XK với điều kiện giao hàng chưa có cước vận tải (giá FCA, FOB) để phần nào giảm bớt thói quen thương mại này của các doanh nghiệp thương mại Việt Nam, tạo cơ hội tham gia thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nội địa.
- Cải cách thủ tục hành chính tại các cảng biển, các cửa khẩu hải quan và lưu thông hàng hóa trong nội địa theo hướng đơn giản hóa và điện tử hóa tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ phương tiện và người XNK. Ví dụ, hiện tại việc khai báo thông tin khi tàu đến và rời cảng, theo quy định tại Nghị định 71/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006, vẫn hoàn toàn thực hiện thủ tục trực
tiếp và bằng văn bản, nhưng việc này tại Singapore đều được thực hiện thông qua sóng radio VHF, mạng Internet (tham khảo: Port Marine Circular No.9 of 2004, MPA Singapore). Phát triển hơn nữa mô hình tiếp cận một cửa đối với thủ tục hải quan, minh bạch hóa thủ tục hải quan và cho phép sử dụng các dữ liệu điện tử trong khai báo hải quan, bởi vì hiện tại hình thức thông quan điện tử ở Việt Nam mới chỉ hạn chế ở một số rất ít các doanh nghiệp. Thống kê tại Bảng xếp hạng môi trường thuận lợi cho thương mại năm 2008, Việt Nam xếp hạng 102/118 quốc gia về tính minh bạch trong quản lý tại cửa khẩu [20]. Theo báo cáo tại Hội nghị phát triển thủ tục hải quan điện tử do Cục hải quan TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 8/8/2008, sau hơn 2 năm triển khai thủ tục điện tử, số lượng tờ khai hải quan được thực hiện là 67.538 tờ, kim ngạch 6,9 tỷ USD, trung bình 130 tờ khai/ngày. Số lượng doanh nghiệp đăng ký khai điện tử là 237 đơn vị, trong đó có 180 đơn vị có hoạt động chính thức, số doanh nghiệp này vẫn còn quá nhỏ so với cộng đồng các doanh nghiệp ở Việt Nam. (http://www.haiquan.hochiminhcity.gov.vn ngày 12/8/2008). Các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép đầu tư, cho thuê đất, quản lý thị trường cũng cần thay đổi theo hướng công khai và minh bạch - Bộ Công thương cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện quy hoạch và định hướng phát triển hệ thống phân phối trong giai đoạn mới làm tiền đề cho sự phát triển của ngành phân phối thương mại Việt Nam.