Cam kết trong lĩnh vực dịch vụ kho bãi

Một phần của tài liệu Dịch vụ Logistics và các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam với WTO (Trang 68)

Kho bãi là một trong những yếu tố quan trọng và thiết yếu của nền sản xuất và chuỗi dịch vụ logistics. Hệ thống kho bãi có tác dụng lưu trữ nguyên liệu đầu vào chờ sản xuất và thành phẩm đầu ra chờ được phân phối, cũng

như hàng hóa trong quá trình vận chuyển cần chuyển tải phương tiện. Có nhiều loại kho: kho thông thường và kho bảo quản đặc biệt; có kho đơn giản nhưng cũng có kho với trang thiết bị xếp dỡ, hệ thống quản lý thông tin hiện đại... Rất nhiều doanh nghiệp có hệ thống kho bãi riêng, nhưng sự hạn chế về mặt bằng sản xuất cũng như tính hiệu quả và các giá trị gia tăng trong vận hành hệ thống kho bãi làm cho các doanh nghiệp tìm đến những nhà cung cấp dịch vụ kho bãi chuyên nghiệp. Cùng với xu hướng phát triển logistics Pull (kéo) thay dần cho logistics Push (đẩy), kho bãi cũng thay đổi ý nghĩa từ nơi cất trữ hàng hóa trở thành trung tâm trung chuyển, nơi gom rất nhiều lô hàng nhỏ thành lô hàng lớn hay tách từ lô lớn thành những lô hàng nhỏ theo nhu cầu khách hàng để giảm thiểu chi phí vận tải, khi hệ thống thông tin về cung cầu hàng hóa được cập nhật chính xác và đầy đủ. Cả hệ thống logistics sẽ có nguy cơ bị phá vỡ tính thống nhất cũng như hiệu quả nếu như quá trình vận hành kho bãi gặp trục trặc.

Các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường dịch vụ kho bãi nói chung khá mở, không có hạn chế nào với phương thức hiện diện thương mại, ngoại trừ kể từ ngày gia nhập chỉ được thành lập liên doanh với vốn góp nước ngoài không quá 51%, và sau 7năm thì không còn bất cứ hạn chế nào ở phương thức này. Phương thức cung cấp qua biên giới, tương tự dịch vụ bốc xếp, chưa cam kết do không có tính khả thi, vì kho bãi là bất động sản, nó gắn liền với quốc gia, do đó không thể cung cấp dịch vụ này qua biên giới. Cũng không có hạn chế đối xử quốc gia nào với phương thức hiện diện thương mại.

Một lưu ý quan trọng, đó là cam kết về dịch vụ kho bãi nói trên bao hàm cả những dịch vụ kho đặc thù như: kho gom tách hàng lẻ (CFS – container freight station) cho vận tải biển, kho ngoại quan…, những loại kho này có các yêu cầu đặc biệt về giám sát hải quan và điều kiện thành lập kho.

Các quy định pháp lý của Việt Nam liên quan đến kho bãi là không nhiều, nằm rải rác trong một số văn bản như: Luật thương mại, Luật đất đai, Luật hải quan, Nghị định 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007, Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005, Thông tư 112/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005… Về lộ trình mở cửa thị trường, các quy định pháp lý của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với cam kết. Tuy nhiên thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư xin lập kho bãi là chưa hoàn toàn minh bạch và có phân biệt đối xử trên thực tế. Một số các nhà đầu tư được tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình lập dự án, xin thuê đất.. trong khi ở chiều ngược lại, rất nhiều doanh nghiệp khó có thể tiếp cận nguồn quỹ đất để thực hiện dự án, điều này khiến lòng tin của các nhà đầu tư trong đó có đầu tư nước ngoài giảm sút. Cơ chế cấp phép thành lập kho ngoại quan của Tổng cục hải quan theo quy định tại mục VII.1 Thông tư 112/2005/TT-BTC nói trên cũng rất không rõ ràng, việc cấp phép hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan hải quan sau khi xem xét hồ sơ bao gồm: Đơn xin thành lập kho, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Sơ đồ thiết kế kho bãi và giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp, ngoài ra không có một quy định nào liên quan đến việc phải căn cứ vào điều kiện và nhu cầu kinh tế, khả năng khai thác và tính hiệu quả… hoặc các tiêu chí khác để cấp phép.

2.3.5 Các cam kết trong linh vực dịch vụ phân phối: bán buôn và bán lẻ Hàng hóa thành phẩm đã sẵn sàng cho việc tiêu thụ, nhưng vấn đề mới lại xuất hiện với doanh nghiệp, đó là trực tiếp phân phối hay thông qua các kênh trung gian, và nếu thông qua trung gian thì sẽ lựa chọn hình thức nào trong số các hình thức: mua bán, đại lý hoa hồng, nhượng quyền thương mại… Rất ít doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu có hệ thống phân phối hàng hóa trực tiếp và độc lập, bởi vì điều này đòi hỏi khả năng về vốn và trình độ quản lý cao, nên thông thường các doanh nghiệp lựa chọn hình thức

phân phối thông qua các kênh trung gian. Hệ thống phân phối hàng hóa có nhiệm vụ giải quyết các xung đột giữa sản xuất khối lượng lớn và chuyên môn hóa với nhu cầu tiêu dùng với khối lượng nhỏ và đa dạng, giải quyết sự khác biệt về không gian và thời gian giữa sản xuất và tiêu dùng. Với những nhiệm vụ đó, hệ thống phân phối có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với từng doanh nghiệp cũng như toàn thể nền kinh tế, chính vì vậy mà mở cửa thị trường dịch vụ phân phối luôn là đề tài quan trọng trong đàm phán của các quốc gia khi gia nhập WTO.

Dịch vụ phân phối, theo quan niệm của GATS, bao gồm các phân ngành dịch vụ: (i) đại lý hoa hồng; (ii) bán buôn; (iii) bán lẻ; (iv) nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam chỉ có dịch vụ bán buôn và dịch vụ bán lẻ là thuộc nhóm các dịch vụ logistics (Nghị định 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics) và như vậy, các cam kết được phân tích dưới đây chỉ tập trung vào 2 loại hình dịch vụ này.

Với thị trường khoảng 80 triệu dân, dân số có tuổi đời trung bình thấp và nền kinh tế đang phát triển khá nhanh, xu hướng tiêu dùng hình thành trong thế hệ trẻ, Việt Nam đang trở thành thị trường được quan tâm của rất nhiều các tập đoàn phân phối trên thế giới. Mặc dù chịu sức ép mở cửa thị trường rất lớn, nhưng vì lý do an ninh năng lượng, an ninh lương thực, kiểm soát văn hóa, đảm bảo sức khỏe con người, an toàn xã hội... mà Việt Nam cũng loại trừ một số mặt hàng ra khỏi các cam kết về bán buôn và bán lẻ. Các mặt hàng đó bao gồm: thuốc lá và xì gà, sách báo tạp chí, vật phẩm đã ghi hình, kim loại quý và đá quý, dược phẩm, thuốc nổ, dầu thô và dầu đã qua chế biến, gạo, đường mía và đường củ cải. Điều này có nghĩa Nhà nước Việt Nam được phép đặt ra quy định cấm kinh doanh hoặc chỉ cho phép các nhà bán buôn bán lẻ nước ngoài kinh doanh phân phối các mặt hàng trên

theo lộ trình. So sánh với một số thành viên WTO khác thì có thể thấy số mặt hàng Việt Nam loại trừ là khá rộng. Nhật Bản loại trừ dầu mỏ và các chế phẩm dầu mỏ, gạo, thuốc lá, muối, nước uống có cồn. Úc loại trừ các nguyên liệu nông nghiệp thô và động vật sống, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, phương tiện cơ giới và phụ tùng, dược liệu và dược phẩm.

Các cam kết về hạn chế tiếp cận thị trường:

- Phương thức cung cấp qua biên giới: chưa cam kết, ngoại trừ không có hạn chế đối với hoạt động phân phối các sản phẩm phục vụ nhu cầu cá nhân; phân phối các chương trình phần mềm máy tính hợp pháp phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc vì mục đích thương mại. Mặc dầu vậy đây cũng là một thách thức đối với thương mại điện tử của Việt Nam, do các nhà cung cấp dịch vụ mua bán qua mạng trực tuyến của nước ngoài như e-Bay, Amazon, Alibaba... đã phát triển ở trình độ cao, trong khi dịch vụ mua bán qua mạng trực tuyến tại Việt Nam mới chỉ ở mức manh nha và đang tích lũy kinh nghiệm.

- Phương thức hiện diện thương mại: không hạn chế, ngoại trừ các biện pháp

sau

Về hình thức hiện diện thương mại, từ khi gia nhập, doanh nghiệp nước ngoài phải thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam, tỷ lệ vốn góp nước ngoài không vượt quá 49%. Kể từ ngày 1/1/2008, hạn chế tỷ lệ 49% bị bãi bỏ. Kể từ ngày 1/1/2009 không còn hạn chế gì về hình thức thành lập doanh nghiệp

Về lĩnh vực kinh doanh của hiện diện thương mại, kể từ ngày gia nhập, hiện diện thương mại sẽ được phép cung cấp dịch vụ bán buôn bán lẻ tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và sản phẩm nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam, ngoại trừ 10 loại sản phẩm: xi măng và clinke; lốp (trừ lốp máy bay); giấy; máy kéo; phương tiện cơ giới; ôtô con và xe máy; sắt thép;

thiết bị nghe nhìn; rượu; phân bón. Kể từ ngày 1/1/2009, hiện diện thương mại được phép cung cấp thêm dịch vụ bán buôn bán lẻ với mặt hàng: máy kéo; phương tiện cơ giới; ôtô con và xe máy. Trong vòng 3năm kể từ ngày gia nhập, Việt Nam cho phép hiện diện thương mại được bán buôn bán lẻ tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam.

Cơ sở bán lẻ thứ nhất được phép thành lập không cần phê chuẩn, việc thành lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế, các tiêu chí xem xét là số lượng các nhà cung cấp đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và quy mô địa lý.

Về hạn chế đối xử quốc gia, Việt Nam không có cam kết nào với

phương thức cung cấp qua biên giới và không có hạn chế nào đối với phương thức hiện diện thương mại.

Trung Quốc cũng có những cam kết khá tương đồng với Việt Nam về cả hình thức và lịch trình dỡ bỏ rào cản. Các hiện diện thương mại tại Trung Quốc được phép kinh doanh các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp và sản xuất trong nước. 1năm sau khi gia nhập được phép thành lập liên doanh với mức vốn góp nước ngoài không quá 49%, 2 năm sau gia nhập mức hạn chế vốn góp bị bãi bỏ. Và sau 5 năm gia nhập, không còn hạn chế nào với phương thức hiện diện thương mại cả về loại hình hiện diện thương mại cũng như quyền kinh doanh mặt hàng (trừ muối và thuốc lá) [9].

Cơ chế pháp lý điều chỉnh hoạt động dịch vụ phân phối của Việt Nam bao gồm một số văn bản: Luật thương mại; Luật doanh nghiệp; Luật đầu tư; Nghị định 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007; Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 quy đinh chi tiết Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của các doanh

nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Quyết định 10/2007/QĐ- BTM ngày 21/5/2007 công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 quy định chi tiết Luật thương mại về hàng hóa và dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện…. và rất nhiều văn bản khác. Về lộ trình mở rộng quyền phân phối, không có quy định nào của Việt Nam vi phạm các cam kết, nhưng còn khá nhiều quy định chưa đạt yêu cầu về minh bạch của GATS và còn mang tính phân biệt đối xử. Theo quy định tại điều 5.1 và 5.2 Nghị định 23/2007/NĐ- CP, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với doanh nghiệp đã có giấy phép đầu tư) hoặc cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư (doanh nghiệp đầu tư lần đầu – chưa có giấy phép đầu tư) cấp giấy phép kinh doanh để hoạt động mua bán hàng hóa sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ thương mại, tuy nhiên những trường hợp nào được Bộ thương mại chấp thuận hay không được chấp thuận thì chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm cụ thể. Việc tự định đoạt này không thỏa mãn yêu cầu của GATS về tính minh bạch. Cũng tương tự là vấn đề cấp phép cho cơ sở bán lẻ sau cơ sở thứ nhất, các văn bản pháp lý chưa xác định cụ thể các yêu cầu về đánh giá nhu cầu kinh tế được sử dụng để cấp phép theo danh mục cam kết với WTO, điều 14.2 và 14.3 Nghị định 23/2007/NĐ-CP chỉ ghi nhận việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ thương mại, và trong vòng 15 ngày làm việc, Bộ thương mại sẽ cho ý kiến bằng văn bản về các vấn đề thuộc chức năng quản lý của mình. Sự không rõ ràng và thiếu dự đoán trước được của các quy định làm cho các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy thiếu tin tưởng vào chính sách pháp lý của Việt Nam. Ngoài ra, việc yêu cầu xem xét nhu cầu kinh tế khi xin lập cơ sở bán lẻ sau cơ sở thứ nhất đối với các doanh nghiệp có vồn đầu tư nước ngoài trong khi không

bắt buộc áp dụng quy chế này với các doanh nghiệp kinh doanh phân phối nội địa là vi phạm nguyên tắc đãi ngộ quốc gia, vì theo danh mục cam kết, không có hạn chế nào về đối xử quốc gia đối với phương thức hiện diện thương mại.

2.3.6 Các cam kết về miễn trừ đối xử Tối huệ quốc theo điều II của GATS Như đã phân tích trong phần các nguyên tắc chung của GATS, Việt Nam và các quốc gia thành viên của WTO có nghĩa vụ phải áp dụng quy chế tối huệ quốc, tức là không phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ của các quốc gia khác trong tất cả các ngành dịch vụ. Tuy vậy, GATS cũng cho phép đặt ra các ngoại lệ được miễn trừ áp dụng nguyên tắc này, miễn là nó phải được ghi nhận trong một danh mục cụ thể và được các quốc gia thành viên khác thừa nhận. Trong danh mục miễn trừ đối xử tối huệ quốc của Việt Nam, với dịch vụ logistics, chỉ có duy nhất dịch vụ vận tải biển là không phải áp dụng tối huệ quốc trong một số trường hợp nhất định. Có hai trường hợp quốc gia mà Việt Nam được phép miễn trừ áp dụng, đó là Cộng hòa Singapore và một số các quốc gia thành viên WTO khác mà Việt Nam mong muốn có hợp tác vận tải biển. Đối với trường hợp Singapore, giữa hai bên đã ký hiệp định hàng hải nên có 3 phân ngành trong dịch vụ vận tải biển Việt Nam được phép miễn trừ tối huệ quốc trong vòng 10 năm, đó là: vận chuyển hàng hóa bằng xe tải trong nội địa; dịch vụ lưu kho hàng hóa; trạm làm hàng container. Còn với các quốc gia thành viên WTO mà Việt Nam mong muốn có hợp tác về vận tải biển trên cơ sở hiệp định song phương, Việt Nam được phép miễn trừ tối huệ quốc trong vòng 5 năm đối với các biện pháp dựa trên những thỏa thuận về các hoạt động kinh doanh thông thường của các công ty con thuộc sở hữu toàn bộ của các hãng tàu nước ngoài. Ngoài ra, có một loại trừ áp dụng tối huệ quốc không thời hạn, chung cho tất cả các ngành dịch vụ có hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt

Nam, trong đó có dịch vụ logistics, đó là các biện pháp đối xử ưu đãi về đầu tư theo các hiệp định đầu tư song phương với tất cả các quốc gia đã ký hiệp định này với Việt Nam.

Kết luận chương 2:

Trên đây là một số các cam kết chung và cam kết trong các phân ngành cụ thể của Việt Nam về mở cửa thị trường dịch vụ logistics. So sánh với một số các cam kết của Trung Quốc - thành viên WTO có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về thể chế chính trị, văn hóa và xuất phát điểm của nền kinh tế thì có thể nhận xét các cam kết của Việt Nam tương đối chặt chẽ

Một phần của tài liệu Dịch vụ Logistics và các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam với WTO (Trang 68)