Các định nghĩa

Một phần của tài liệu Dịch vụ Logistics và các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam với WTO (Trang 37)

Hiệp định GATT về thương mại hàng hoá của WTO chỉ phải xem xét hình thức cung cấp duy nhất là sản phẩm đi qua biên giới quốc gia. Trong GATS, một phương thức tiếp cận mới đã được hình thành để tính đến bản chất khác biệt của dịch vụ so với hàng hóa, và thực tế là việc cung cấp dịch vụ cũng diễn ra dưới nhiều hình thức hay phương thức khác nhau. Các phương thức cung cấp dịch vụ được định nghĩa trên cơ sở xuất xứ của người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng dịch vụ đó, cũng như mức độ và hình thức hiện diện trên lãnh thổ của các bên vào thời điểm dịch vụ được tiếp nhận và chuyển giao. Theo Khoản 2 Điều I hiệp định GATS, thương mại dịch vụ được hiệp định điều chỉnh là hoạt động dịch vụ được cung cấp chỉ giới hạn trong phạm vi 4 phương thức sau:

“ - Từ lãnh thổ của một thành viên đến lãnh thổ của bất kỳ thành viên nào khác;

- Trên lãnh thổ của một thành viên cho người tiêu dùng dịch vụ của bất kỳ thành viên nào khác;

- Bởi một người cung cấp dịch vụ của một thành viên, thông qua sự hiện diện thương mại trên lãnh thổ của bất kỳ thành viên nào khác;

- Bởi một người cung cấp dịch vụ của một thành viên, thông qua sự hiện diện thể nhân trên lãnh thổ của bất kỳ thành viên nào khác”

Phương thức cung cấp qua biên giới (gọi tắt là PT1) là phương thức theo đó dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của một Thành viên này sang lãnh thổ của một Thành viên khác, tức là không có sự di chuyển của người cung cấp và người tiêu thụ dịch vụ sang lãnh thổ của nhau mà chỉ có bản thân dịch vụ di chuyển qua biên giới. Ví dụ về loại hình cung cấp này có thể kể đến

như việc chuyển các thông tin hay tư vấn bằng fax hoặc email, phân phối hàng qua mạng hay vận tải hàng hoá. Nhà cung cấp dịch vụ không thiết lập bất kỳ một hiện diện nào trên lãnh thổ nước Thành viên tiêu dùng dịch vụ.

Phương thức tiêu dùng ngoài lãnh thổ (gọi tắt là PT2) là phương thức theo đó người tiêu dùng của một Thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một Thành viên khác để tiêu dùng dịch vụ. Phương thức này đề cập đến những dịch vụ được tiêu dùng bởi các công dân của một nước Thành viên trên lãnh thổ một nước Thành viên khác khi dịch vụ được cung cấp. Về bản chất, dịch vụ được cung cấp cho người tiêu dùng trên lãnh thổ nước Thành viên không phải là nơi người tiêu dùng đó cư trú. Ví dụ hàng hóa nước ngoài chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam có sử dụng đến dịch vụ bốc xếp, vận chuyển của nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, hoặc trường hợp tài sản của người tiêu dùng dịch vụ được di chuyển qua biên giới để sử dụng các dịch vụ nước ngoài, như tàu biển, tàu bay được đem đi sửa chữa ở một nước khác.

Phương thức hiện diện thương mại (gọi tắt là PT3) là phương thức theo đó nhà cung cấp dịch vụ của một Thành viên thiết lập các hình thức hiện diện như công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh, chi nhánh v.v…trên lãnh thổ của một Thành viên khác để cung cấp dịch vụ thông qua hiện diện này. Ví dụ, công ty vận tải biển nước ngoài góp vốn thành lập liên doanh vận tải biển với đối tác Việt Nam để kinh doanh các dịch vụ vận tải biển tại Việt Nam. Đây chính là phương thức cung cấp dịch vụ phổ biến và quan trọng nhất, và luôn là chủ đề nóng trong các cuộc thương lượng đàm phán về mở cửa thị trường.

Phương thức hiện diện thể nhân (gọi tắt là PT4) là phương thức theo đó thể nhân (tự nhiên nhân) của một Thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một Thành viên khác để cung cấp dịch vụ. Phương thức cung cấp dịch vụ này chỉ áp dụng cho tự nhiên nhân, khi họ có mặt tạm thời tại thị trường. Ví

dụ, các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam để thực hiện các dịch vụ phân tích, kiểm định kỹ thuật chuyên môn.

Một phần của tài liệu Dịch vụ Logistics và các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam với WTO (Trang 37)