Cam kết trong lĩnh vực dịch vụ thông quan

Một phần của tài liệu Dịch vụ Logistics và các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam với WTO (Trang 67)

Hàng hóa mà doanh nghiệp mua có thể xuất phát từ các nhà cung cấp trong nước hoặc quốc tế, và thành phẩm mà doanh nghiệp sản xuất ra cũng có thể được bán trong nội địa hoặc sử dụng để xuất khẩu. Trong thời đại hiện nay, quan hệ giao thương giữa các quốc gia ngày càng mật thiết và sôi động, cùng với sự có mặt của các tập đoàn xuyên quốc gia hoạt động trên phạm vi toàn cầu đã khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trở nên phổ biến. Sau khi đã tìm kiếm và chọn lựa được nhà cung cấp dịch vụ vận tải và bốc xếp cho hàng hóa của mình, hàng hóa nhập khẩu đã về đến cảng, cũng như hàng hóa xuất khẩu đã sẵn sàng cho vận tải đi, vấn đề mới lại đặt ra với doanh nghiệp, đó là thủ tục khai báo hải quan. Doanh nghiệp có thể tự mình thực hiện công đoạn này, nhưng do tính chất công việc và sự chuyên nghiệp, nhất là ở những quốc gia đang phát triển nơi mà thủ tục hải quan chưa được minh bạch cộng với hàng rào thuế quan bảo hộ, dịch vụ thông quan (còn gọi là môi giới hải quan) có cơ hội để phát triển. Dịch vụ này, theo khái niệm mà WTO đưa ra, là các hoạt động bao gồm việc thay mặt một bên khác thực hiện các thủ tục hải quan liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hoặc quá cảnh hàng hóa.

Đối với dịch vụ này, các cam kết của Việt Nam tương đối thông thoáng và cởi mở. không có hạn chế tiếp cận thị trường nào với phương thức hiện diện thương mại, ngoại trừ quy định hình thức thành lập là liên doanh kể từ ngày gia nhập với mức trần vốn góp nước ngoài là 51%, sau 5 năm sẽ bãi bỏ mức giới hạn trần này. Với phương thức cung cấp qua biên giới, cam kết ở phương thức này không khả thi, vì việc khai báo hải quan phải được tiến hành trực tiếp tại cửa khẩu nên dịch vụ không thể cung cấp qua biên giới. Lộ trình hội nhập ngành dịch vụ logistics trong khối ASEAN theo Nghị

định thư được các quốc gia ASEAN ký ngày 24/8/2007, thời hạn mở cửa hoàn toàn thị trường dịch vụ thông quan là năm 2013.

Cơ chế pháp lý điều chỉnh hoạt động dịch vụ thông quan bao gồm rất nhiều quy định nằm rải rác trong các văn bản: Luật thương mại, Luật hải quan, Nghị định 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007, Nghị định 154/2005/NĐ- CP ngày 15/12/2005 về thủ tục hải quan, Nghị định 79/2005/NĐ-CP ngày 16/6/2005 quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan, Thông tư 73/2005/TT-BTC ngày 5/9/2005 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 79/2005/NĐ-CP… Về lộ trình mở cửa thị trường, không có quy định nào vi phạm các cam kết, tuy nhiên cũng còn một số vấn đề cần bổ sung và làm rõ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dịch vụ thông quan phát triển. Theo quy định tại Nghị định 154/2005/NĐ-CP thì người đứng tên khai trên tờ khai hải quan và xác nhận các bản sao phải là người đứng đầu thương nhân hoặc người được người đứng đầu thương nhân ủy quyền, tuy nhiên trong trường hợp dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan thì không có quy định cụ thể nào về người đứng tên khai báo, nhưng theo tinh thần của Nghị định 79/2005/NĐ-CP thì người đứng tên khai trong trường hợp đại lý làm thủ tục là nhân viên đại lý hải quan có chứng chỉ (vì hồ sơ đăng ký hoạt động đại lý hải quan phải có mẫu chữ ký của nhân viên đại lý hải quan có thẩm quyền khai trên tờ khai hải quan – điểm đ điều 7.3) Sự không thống nhất này hiện đang gây rất nhiều trở ngại cho hoạt động khai thuê hải quan, vì có Chi cục hải quan yêu cầu chữ ký nhân viên có chứng chỉ, Chi cục khác lại yêu cầu người đứng đầu đại lý hải quan!!!

Một phần của tài liệu Dịch vụ Logistics và các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam với WTO (Trang 67)