Các nguyên tắc cơ bản của GATS: Tối huệ quốc và Minh bạch

Một phần của tài liệu Dịch vụ Logistics và các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam với WTO (Trang 39)

Một nguyên tắc cơ bản của thương mại quốc tế, vốn là nền tảng của GATT, cũng có trong hiệp định GATS, đó là nguyên tắc Tối huệ quốc

(MFN). Nguyên tắc này được ghi nhận tại khoản 1 Điều II GATS: “ Đối với bất kỳ biện pháp nào thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định này, mỗi thành viên phải ngay lập tức và không điều kiện dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ thành viên nào khác, sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà thành viên đó dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ tương tự của bất kỳ nước nào khác”. Nghĩa vụ này được áp dụng đối với

tất cả các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ, ở tất cả các ngành, cho dù đã có cam kết cụ thể hay chưa. Gần đây, Cơ quan Giải quyết Tranh chấp WTO đã giải thích nghĩa vụ MFN là không những các quy định không được phép tạo ra sự phân biệt đối xử trong văn bản (ví dụ như sự phân biệt đối xử được quy định cụ thể trong các luật lệ) mà còn không được phép tạo ra sự phân biệt đối xử trên thực tế (sự phân biệt đối xử bắt nguồn từ những quy tắc hay biện pháp mà về mặt hình thức không có sự phân biệt đối xử).

Mặc dầu vậy, GATS cũng cho phép có những ngoại lệ không áp dụng nguyên tắc MFN. Khoản 2 và 3 điều II quy định:

“2. Các thành viên có thể duy trì biện pháp không phù hợp với quy định tại khoản 1 của điều này (quy định tối huệ quốc-người viết), với điều kiện là biện pháp đó phải được liệt kê và đáp ứng các điều kiện của Phụ lục về các ngoại lệ đối với điều II.

3. Các quy định của hiệp định này không được hiểu là để ngăn cản bất kỳ một thành viên nào dành cho các nước lân cận những lợi thế nhằm tạo thuận

lợi cho việc trao đổi dịch vụ được tạo ra và tiêu thụ trong phạm vi giới hạn của vùng biên giới”

Quy chế MFN trong hệ thống pháp luật Việt Nam được ghi nhận trong Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế (Pháp lệnh MFN và NT) và một số văn bản khác như Luật đầu tư... Điều 4.6

Pháp lệnh quy định: “Đối xử tối huệ quốc trong thương mại dịch vụ là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của một nước so với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự của nước thứ ba”. Điều 4.2 Luật đầu tư quy định nhưng không hoàn toàn trùng hợp với định nghĩa của GATS: “Nhà nước đối xử bình đẳng trước pháp luật đối với các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư”. Nhìn chung hệ thống các quy định pháp luật của Việt

Nam liên quan đến quy chế MFN về cơ bản tuân thủ quy định của GATS, tuy nhiên Pháp lệnh MFN và NT cần chi tiết hơn nữa về phạm vi áp dụng MFN theo đúng tinh thần các quy định của GATS và quan niệm của cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO để loại trừ bất kỳ nghi ngờ nào từ các thành viên WTO khác về khả năng tuân thủ quy chế MFN của Việt Nam.

Ngoài nguyên tắc Tối huệ quốc, GATS còn ghi nhận nguyên tắc minh bạch. Minh bạch có nghĩa là những vấn đề pháp lý cần phải được phổ biến và thông tin rộng rãi, cũng như có thể dự đoán được. Nguyên tắc này giúp các quốc gia và các doanh nghiệp xác định được những hạn chế và bảo hộ. Các nghĩa vụ cơ bản của nguyên tắc này là việc ấn bản và thông báo nhanh chóng các văn bản pháp luật, duy trì các điểm hỏi đáp và tiến hành rà soát

pháp lý một cách công bằng. Điều III GATS: “ 1. Các thành viên phải nhanh chóng công bố mọi biện pháp có liên quan hoặc tác động đến việc thi hành hiệp định này, chậm nhất trước khi các biện pháp đó có hiệu lực thi hành,

trừ trường hợp khẩn cấp. Những hiệp định quốc tế có liên quan hoặc tác động tới thương mại dịch vụ mà các thành viên tham gia cũng phải được công bố” và “4. Mỗi thành viên phải trả lời không chậm trễ tất cả các yêu cầu của bất kỳ một thành viên nào khác về những thông tin cụ thể liên quan đến các biện pháp được áp dụng chung hoặc hiệp định quốc tế nêu tại khoản 1”. Ngoài nghĩa vụ công bố tất cả các biện pháp liên quan, các Thành viên

còn có nghĩa vụ thông báo nhanh chóng, ít nhất là mỗi năm một lần cho Hội đồng Thương mại Dịch vụ về các luật lệ, quy định hay hướng dẫn hành chính mới (hay các thay đổi) trong các ngành và tiểu ngành đã có cam kết cụ thể.

Cơ chế minh bạch hóa của Việt Nam có trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002, các Nghị định hướng dẫn như 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 và 161/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005, Luật ký kết gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005… Rà soát pháp lý cho thấy nói chung các quy định của Việt Nam phần nào đáp ứng yêu cầu minh bạch của GATS, tuy còn một số hạn chế. Khoản 1 và 2 điều 75 Luật sửa đổi bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (năm 2002) quy định thiếu logic: văn bản luật của Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày Chủ tịch nước ký lệnh công bố (trừ khi tại luật có quy định khác), còn các văn bản của Chủ tịch nước (trong đó bao gồm cả lệnh công bố luật) có hiệu lực kể từ ngày đăng công báo, như vậy có thể xảy ra trường hợp luật có hiệu lực trước khi được đăng công báo vì có độ trễ về thời gian kể từ khi Chủ tịch nước ký lệnh công bố - tức là luật đã bắt đầu có hiệu lực thi hành, cho đến khi lệnh này được đăng công báo - tức là khi lệnh có giá trị thi hành trên thực tế. Tuy nhiên, Luật văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 đã khắc

phục vấn đề này thông qua việc quy định các văn bản quy phạm pháp luật phải xác định thời điểm có hiệu lực ngay tại văn bản đó (điều 78). Ngoài ra, thực tế trong quá trình thi hành pháp luật, các tổ chức cá nhân nhiều khi khó có cơ hội tiếp cận với các nguồn thông tin về chính sách quy hoạch, định hướng phát triển… nhất là tại các địa phương, điều này làm giảm đi tính minh bạch của hệ thống pháp luật.

Một phần của tài liệu Dịch vụ Logistics và các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam với WTO (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)