Dịch vụ vận tải hàng không

Một phần của tài liệu Dịch vụ Logistics và các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam với WTO (Trang 58)

Trên thực tế, dịch vụ vận tải hàng không bao gồm rất nhiều lĩnh vực khác nhau: quyền bay thương mại, cung cấp dịch vụ tại sân bay, đặt vé đặt chỗ, bảo dưỡng sửa chữa máy bay... trong đó quan trọng nhất là quyền khai thác bay thương mại. Tuy nhiên Phụ lục về dịch vụ vận tải hàng không trong Hiệp định GATS lại chỉ giới hạn chi phối đến các biện pháp tác động tới 3 loại dịch vụ: (i) sửa chữa máy bay và dịch vụ bảo trì; (ii) việc bán và tiếp thị dịch vụ vận tải hàng không; (iii) các dịch vụ có liên quan đến hệ thống đặt vé máy bay qua mạng điện toán (Khoản 3 Phụ lục). Vì thế các cam kết của Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên WTO khác chỉ giới hạn trong phạm vi 3 loại dịch vụ đó.

Đối xử quốc gia của Việt Nam trong 3 lĩnh vực dịch vụ này là tương

tự nhau: không có hạn chế nào đối với phương thức cung cấp qua biên giới

và hiện diện thương mại. Về các cam kết hạn chế tiếp cận thị trường, do bản

chất của 3 loại dịch vụ này có sự khác biệt nên các cam kết cũng có những đặc thù riêng. Với phương thức cung cấp qua biên giới, cả ba loại hình dịch vụ này đều không có hạn chế, ngoại trừ việc nhà cung cấp dịch vụ đặt giữ chỗ bằng máy tính nước ngoài phải sử dụng mạng viễn thông công cộng dưới sự quản lý của nhà chức trách viễn thông Việt Nam. Ở phương thức hiện diện thương mại, kể từ ngày gia nhập, cho phép thành lập liên doanh bảo dưỡng sửa chữa máy bay trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51% và đến ngày 11/1/2012 cho phép thành lập doanh

nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các hãng hàng không nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ bán và tiếp thị sản phẩm hàng không tại Việt Nam thông qua văn phòng bán vé của mình hoặc thông qua các đại lý tại Việt Nam.

Khác với Việt Nam, Trung Quốc mặc dù cho phép thành lập liên doanh sửa chữa máy bay, tuy nhiên phía Trung Quốc phải nắm cổ phần kiểm soát hoặc phải có vai trò kiểm soát trong liên doanh, và việc cấp giấy phép thành lập phải dựa trên các nhu cầu về kinh tế. Nhưng điều quan trọng hơn đó là Trung Quốc đặt ra nghĩa vụ phải thực hiện các hoạt động ở phạm vi thị trường quốc tế cho những liên doanh này. Các cam kết của Trung Quốc trong lĩnh vực đặt vé qua mạng dường như chặt chẽ và cẩn trọng hơn, mặc dù Trung Quốc không đặt ra hạn chế nào giống Việt Nam về hiện diện thương mại, nhưng đối với cung cấp qua biên giới, có những hạn chế nhất định, và điều này làm cho việc tiếp cận thị trường của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Hệ thống giữ chỗ quốc tế của nước ngoài, phải có sự thỏa thuận với các doanh nghiệp hàng không Trung Quốc và hệ thống giữ chỗ Trung Quốc, sau đó mới có thể cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không Trung Quốc và các đại lý hàng không Trung Quốc thông qua hệ thống giữ chỗ Trung Quốc. Hệ thống giữ chỗ bằng máy tính nước ngoài có thể cung cấp dịch vụ cho các văn phòng đại diện và các phòng bán hàng được thiết lập ở các điểm đến quốc tế của Trung Quốc do các hãng dịch vụ hàng không có giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực này thành lập dựa vào thỏa thuận hàng không giữa 2 quốc gia. Cuối cùng, việc tiếp cận trực tiếp và sử dụng hệ thống giữ chỗ quốc tế qua máy tính của các hãng hàng không Trung Quốc và các đại lý của các hãng hàng không nước ngoài phải được Tổng cục hàng không dân dụng Trung Quốc phê duyệt [9].

Một phần của tài liệu Dịch vụ Logistics và các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam với WTO (Trang 58)