Cơ cấu tổ chức quản lý rủi ro tín dụng được hình thành

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Một số giải pháp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Nhị Chiểu (Trang 63)

3. Đánh giá chung về quản lý RRTD của Vietinbank – Chi nhánh Nhị Chiểu

3.1.3Cơ cấu tổ chức quản lý rủi ro tín dụng được hình thành

Đứng trên giác độ quản lý rủi ro tín dụng, có thể thấy mô hình tổ chức cấp tín dụng của ngân hàng có bước tiến đáng kể. Ngân hàng đã chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy tín dụng trong toàn hệ thống với các chức năng độc lập, vừa đảm bảo tính chuyên nghiệp, vừa tăng cường khả năng giám sát giữa các chức năng, theo đó chức năng nghiên cứu tham mưu ban hành chính sách tín dụng được tách biệt với chức năng quản lý khách hàng, thẩm định và đề xuất tín dụng (Phòng khách hàng); thẩm định rủi ro và quản lý danh mục tín dụng (phòng Quản lý rủi ro); theo dõi, quản lý các khoản nợ bị suy giảm khả năng trả nợ (Phòng quản lý nợ có vấn đề); kiểm tra, giám sát tín dụng độc lập (Ban kiểm tra, kiểm soát nội bộ). Nhờ đó, quá trình đổi mới cơ cấu tổ chức đã mang lại những một số kết quả khả quan về chất lượng tín dụng như đã đề cập ở trên.

Trong thời gian qua, bộ phận Quản lý rủi ro tín dụng đã mang lại nhiều đóng góp chung cho hoạt động tín dụng như tham mưu cho Ban lãnh đạo về định hướng tín dụng chung cũng như cụ thể tại từng chi nhánh, đánh giá, nắm bắt những diễn biến có lợi cũng như cảnh báo các nguy cơ có thể dẫn đến rủi ro tín dụng, bảo đảm cho hoạt động tín dụng của ngân hàng phát triển theo đúng định hướng đã đề ra như: cảnh báo trong cho vay, nhận tài sản bảo đảm, cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán …Danh mục tín dụng, danh mục tài sản bảo đảm cũng được bộ phận này thường xuyên phân tích trên cơ sở khai thác thông tin, số liệu dư nợ cho vay, bảo lãnh từ hệ thống ngân hàng lõi để kịp thời tham mưu cho Ban Điều hành các chỉ đạo tín dụng kịp thời, có định hướng cụ thể đối với một số ngành kinh tế chiếm tỷ lệ dư nợ cho vay lớn. Các

trường hợp vi phạm quy định về lãi suất, mức ủy quyền phán quyết hoặc cấp tín dụng đã được chấn chỉnh, cảnh báo kịp thời. Việc phân cấp thẩm quyền quyết định tín dụng dựa trên cơ sở khách quan về khả năng và chất lượng tín dụng thực tiễn cũng như tiềm năng phát triển tín dụng đã đi vào nề nếp, góp phần duy trì, phát triển hoạt động tín dụng một cách an toàn, hiệu quả.

Trong thời gian qua, mặc dù môi trường kinh tế có nhiều biến động khó lường, chính sách tiền tệ liên tục thay đổi ảnh hưởng đến lĩnh vực Ngân hàng nhưng quy mô, chất lượng hoạt động tín dụng của NHCT có xu hướng tích cực, đóng góp lớn vào thu nhập của ngân hàng. Điều này thể hiện công tác quản lý rủi ro tín dụng của NHCT đã và đang được quan tâm và đang dần phát huy hiệu quả.

3.1.4 Ngân hàng đã xây dựng được hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ

Theo đó, khách hàng được chấm điểm và xếp hạng tín dụng được chia thành ba nhóm: khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức tín dụng. Trong đó, phần mềm chấm điểm tín dụng khách hàng doanh nghiệp là cốt lõi. Khách hàng doanh nghiệp được phân loại theo 34 ngành nghề và quy mô doanh nghiệp thông thường , doanh nghiệp siêu nhỏ. Khách hàng cá nhân được phân chia thành 2 loại là cá nhân tiêu dùng và cá nhân kinh doanh chấm điểm các chỉ tiêu tài chính tương tự như quy định tại Quyết định số 57/2002/QĐ- NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, khách hàng còn được đánh giá trên các chỉ tiêu phi tài chính gồm: lưu chuyển tiền tệ, năng lực và kinh nghiệm quản lý, uy tín trong giao dịch với ngân hàng, môi trường kinh doanh và các đặc điểm hoạt động khác của doanh nghiệp. Hơn nữa, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ cũng giúp ngân hàng phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, phản ánh một cách tổng quan và đúng bản chất về tình hình chất lượng tín dụng của khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

3.2. Những hạn chế trong công tác quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng của ngân hàng

Hạn chế của công tác quản lý rủi ro tín dụng của chi nhánh trong thời gian qua biểu hiện rõ nét nhất thông qua các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh, chất lượng tín dụng và khả năng tiềm tàng rủi ro trong danh mục tín dụng

của chi nhánh, cụ thể như sau:

3.2.1. Chiến lược quản lý rủi ro tín dụng chưa toàn diện

Chi nhánh chưa có một chiến lược rủi ro tín dụng toàn diện thiết lập các mục tiêu định hướng cho các hoạt động cấp tín dụng. Các chiến lược phát triển hàng năm hay trung, dài hạn của Ngân hàng tuy có đề cập một số nội dung cơ bản của quản lý rủi ro tín dụng như danh mục đầu tư tín dụng theo kỳ hạn, ngành hàng, loại khách hàng, thị trường, sản phẩm mục tiêu, tỷ lệ tăng trưởng…song chỉ mang tính nguyên tắc và định hướng, chưa cụ thể, chưa đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của một chiến lược rủi ro tín dụng như: (i) chưa phản ánh được mức độ chấp nhận rủi ro (hay khẩu vị rủi ro) của ngân hàng và mức sinh lời mà ngân hàng kỳ vọng khi chấp nhận các rủi ro tín dụng; (ii) chưa xem xét, đánh giá các mục tiêu về chất lượng tín dụng, thu nhập và tăng trưởng trong mối tương quan qua lại, trong quan hệ với tiềm năng nội tại của ngân hàng và với môi trường kinh tế tổng thể; (iii) chưa tạo ra khuôn khổ để kiểm soát, điều chỉnh cơ cấu và chất lượng danh mục đầu tư tín dụng theo các mục tiêu đã đề ra.

Thực tiễn cho thấy, việc thiếu một chiến lược rủi ro làm khung định hướng cho các chính sách, quy trình và hoạt động tín dụng khiến cho chi nhánh khá lúng túng và bị động trong hoạt động kinh doanh. Cấp tín dụng dựa quá nhiều vào lợi nhuận kỳ vọng hoặc tài sản bảo đảm mà không gắn liền với rủi ro, không quán triệt nguyên tắc đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận khiến các ngân hàng thường rơi vào một trong hai trạng thái đối lập, hoặc mở rộng tín dụng quá mức để chạy theo lợi nhuận khi có các điều kiện thuận lợi, hoặc thu hẹp quá mức khi vấp phải các khó khăn, thử thách. Kết quả là trong bất kỳ giai đoạn hoạt động nào, các ngân hàng cũng đều phải đương đầu với các vấn đề về chất lượng tín dụng và lãng phí quá nhiều tài nguyên ngân hàng để xử lý các khoản nợ có vấn đề. Thiếu chiến lược rủi ro tín dụng, một kế hoạch phát triển bền vững, thành công trong dài hạn sẽ luôn nằm ngoài tầm với của các ngân hàng.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Một số giải pháp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Nhị Chiểu (Trang 63)